5 giờ sáng nay (13/8), đê bao sông Krông Ana, đoạn chảy qua cánh đồng A, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) bất ngờ bị vỡ một đoạn dài khoảng 10m. Sự cố này đã khiến hàng ngàn ha lúa của người dân các xã Quảng Điền, Bình Hòa… huyện Krông Ana đứng trước nguy cơ mất trắng.
Bất chấp hiểm nguy vá đê
Ngay sau khi đoạn đê bị vỡ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội và người dân đã lập có mặt tại đây tìm mọi biện pháp khắc phục để cứu hàng ngàn ha lúa.
Hàng chục người dồn đất vào bao để chuyển đi "vá" đê.
Ghi nhận của PV Dân Việt, tại hiện trường, việc "vá" đê đã diễn ra khẩn trương từ sáng sớm. Toàn bộ xe cộ cũng như tất cả những phương tiện có thể sử dụng được trong việc "vá" đê ở trong dân đã được huy động tổng lực đến hiện trường.
Từ đầu cánh đồng A, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, phụ nữ… người cuốc, người xẻng, người bưng người vác… đang khẩn trương đóng những bao cát đầy để đưa vào "vá" đoạn đê vỡ.
Một chiếc xà lan được huy động để đưa máy múc ra giữa sông đóng cọc.
Tại nơi con đê bị vỡ, một chiếc xà lan được huy động để đưa một chiếc máy xúc ra giữa sông. Trên bờ, công an, bộ đội cùng người dân thoăn thoắt chuyền những cây gỗ đã được máy cưa vát nhọn một đầu đưa ra giữa dòng sông.
Những cây gỗ chuyền xuống được hai ba thanh niên khỏe mạnh dựng lên để chiếc máy xúc đóng xuống lòng sông tạo thành một hàng rào trước đoạn đê vỡ. Cọc đóng đến đâu, lưới B40 được chuyền xuống đến đó để tiếp tục tạo thành một hàng rào kín hơn. Phía bên ngoài lưới B40 là một lớp bạt nhựa nhằm ngăn nước sông tiếp tục tràn vào vị trí đê bị vỡ để thuận tiện cho việc vá lại đê.
Gỗ được chặt từ vườn của dân để làm cọc.
Phía dưới cánh đồng, hàng chục người tích cực chặt hạ một vườn gỗ gòn của người dân, ngâm mình dưới nước đưa gỗ về phục vụ "vá" đê.
Hối hả, tấp nập, nhưng nước sông Krông Ana thời điểm này ngập đến cổ người. So với mực nước trên cánh đồng, nước trên sông Krông Ana cao hơn khoảng 1m nên đã tạo thành một dòng nước chảy xiết rất mạnh qua đoạn đê vỡ, vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy mà sau nhiều giờ công việc "vá" đê vẫn không thể hoàn thành.
Hàng chục người dầm dưới nước sông để "vá" đê.
Đến 12 giờ cùng ngày, những tấm lưới B40 cuối cùng mới được đưa xuống nước để buộc vào những trụ gỗ đã đóng sẵn dưới lòng sông. Nhiều người mệt lả vì đói và mệt.
Ông Đỗ Xuân Sơn (thôn 1, xã Bình Điền), cho biết, do biết bơi nên ông xung phong xuống sông. "Nguy hiểm không sợ nhưng lạnh quá chịu không nổi"- ông Sơn nói chuyện bằng giọng run run.
Ông Đỗ Xuân Sơn (bên trái) đứng nghỉ ngơi chốc lát vì mệt lả và lạnh cóng.
Những người phụ nữ thì "chạy vòng ngoài" lo thức ăn, nước uống cho những người tham gia "vá" đê. Tất cả hàng quán trên địa bàn cũng chung tay góp thức ăn, nước uống phục vụ cho hàng trăm người đang tham gia cứu đê.
Không cứu được đê, cái đói cận kề
Nhìn cánh đồng bạt ngàn nước, một người dân than thở "mất vụ lúa này coi như trắng tay".
"Mọi năm nước lũ về trễ khi dân đã gặt lúa xong. Năm nay, lũ về sớm quá, trắng tay rồi. Giống má, nợ nần…đều trông vào vụ lúa này, mất vụ lúa xem như mất hết" - người này nói.
Người dân cùng lực lượng chức năng thoăn thoắt chuyền những trụ gỗ đã được vót nhọn ra giữa sông.
Bà Lê Thị Ánh, thôn 1, xã Quảng Điền nói: "Toàn bộ tiền lời vụ đầu đã đầu tư vào vụ lúa này. Giờ nợ nần, con cái học hành đều trông vào cả và mấy ha lúa. Thế mà giờ nước ngập trắng, chẳng còn hy vọng gì nữa".
Trong khi nhiều người dân còn hy vọng thì bà Trịnh Thị Lành giờ thực sự trắng tay. Bà Lành cho biết, nhà chỉ có 5 sào lúa. Mấy ngày qua nước lũ ngập trắng không vớt được chút nào. Để kiếm tiền sinh sống, bà phải đi phơi lúa thuê để lấy tiền.
Tại đoạn đê vỡ, nước chảy xiết rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Minh Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết sự cố vỡ đê trên cánh đồng A, xã Quảng Điền đang đe dọa hàng ngàn ha lúa của người dân Bình Điền, Bình Hòa và những khu vực lân cận.
Cũng theo ông Đông, so với hôm qua (12/8) nước sông Krông Ana đã rút rất nhiều. Tuy nhiên sự cố vỡ đê này không thể kiểm soát được. Hiện phương án "vá" đê là đắp một con đê dã chiến bên ngoài vùng bị vỡ cho nước rút xuống mới có thể tiến hành "vá" đê được.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước sự cố vỡ đê trên cánh đồng xã Quảng Điền, tỉnh đã chỉ đạo huyện tập trung toàn bộ nhân lực vật lực để kịp thời hàn khẩu đoạn đê vỡ, cứu lúa cho dân. Nhận định ban đầu, nhiều khả năng sự cố vỡ đê sẽ được khắc phục sớm.
Cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cũng dầm mình dưới nước để cùng dân "vá" đê.
Theo ông Dương, những ngày qua, trước tình hình mưa lũa kéo về, địa phương đã tập trung nhiều ngày liền để gia cố những đoạn đê xung yếu, có nguy cơ bị vỡ, tuy nhiên do tuyến đê này quá dài (khoảng 7 km) nên không thể kiểm soát hết được.
Cũng theo ông Dương, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, các đơn vị chức năng một mặt tích cực hàn khẩu đoạn đê vỡ, một mặt vận động người dân tranh thủ gặt những diện tích lúa có thể gặt được (dù chưa chín hẳn) để giảm thiểu bớt thiệt hại.
Ông Dương cũng cho biết, về thiệt hại của dân đến thời điểm hiện tại chưa thể thống kê được. "Sau khi khắc phục sự cố này, chúng tôi sẽ cho thống kê và sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho người dân"- ông Dương nói.