Theo ông Đỗ Văn Đạo - nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, chuyện sáp nhập là bình thường, không chỉ TP.HCM, mà trên cả nước cũng làm, điều này phù hợp với chủ trương của việc tinh gọn bộ máy Nhà nước.
Trước đó, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021 của Thường trực UBND TP.
Theo phương án này, 19 phường có diện tích và dân số không đủ theo quy định sẽ bị sáp nhập lại còn 9 phường, giảm 10 phường so với hiện nay. Ảnh: TL
Theo tiêu chuẩn được quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phường thuộc quận có quy mô dân số từ 15.000 người và diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên. Các phường bị sáp nhập có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.
Sở Nội vụ đánh giá các phường thuộc diện sáp nhập trên địa bàn đều ở vùng lõi của trung tâm TP. Áp lực quản lý hành chính Nhà nước ở các phường này rất lớn, do số lượng khách du lịch, bệnh nhân, người dân tạm cư đến cao hơn nhiều lần dân số địa phương.
Từ phương án này, UBND TP giao Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn chỉnh nội dung báo cáo, tham mưu văn bản để UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.
Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Văn Đạo cho biết, từ sau năm 1975 đến nay, TP.HCM đã trải qua nhiều đợt sáp nhập các đơn vị hành chính. Ở cấp quận, quận 7 sáp nhập vào quận 8 thành quận 8 bây giờ. Quận 1 hiện hữu cũng được ghép từ quận 2. Quận Bình Thạnh được sáp nhập từ quận Bình Hòa với Thạnh Mỹ Tây. Còn quận 9 trước đây nhập với huyện Thủ Đức thành huyện Thủ Đức, sau đó lại tách ra thành quận 9 và quận Thủ Đức.
Ở cấp phường, các phường có diện tích và dân số không đạt cũng đã bị sáp nhập. Quận Bình Thạnh trước đây có 28 phường, giờ còn 20 phường; quận Phú Nhuận từ 17 còn 14 phường; quận 3 từ 24 còn 15 phường; quận 1 từ 23 phường xuống còn 10 phường.
Theo ông Đạo, hãy xem việc sáp nhập là chuyện bình thường, ai đó nói cuộc sống của người dân bị xáo trộn là nói quá. Về mặt giấy tờ tùy thân hay các loại giấy tờ khác, người dân vẫn sử dụng bình thường. Ai có nhu cầu đổi khi sáp nhập thì đổi, ai không có nhu cầu thì sử dụng tiếp. Học sinh vẫn học bình thường.
“Có chăng là tâm tư của mỗi cán bộ ở các phường xã bị sáp nhập, vì sáp nhập đương nhiên là phải tinh gọn bộ máy. Chia tách phường thì ai cũng muốn, vì có thêm ghế, thêm bộ máy. Ngược lại, nhập phường thì ít ghế, tinh gọn cán bộ. Tuy nhiên, tâm tư rồi cũng qua, cái chính là vì chủ trương lớn của Nhà nước, vì tinh gọn để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Có lần, Quốc hội họp và có đại biểu phát biểu, có tới 30% cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Sáp nhập phường, xã, tinh gọn bộ máy cũng là để giải quyết vấn đề đó”, ông Đạo chia sẻ.