“Tuổi trẻ hoang dại” – cuốn sách mới ra mắt được cho là một bước chuyển mình trong văn phong của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch. Đây là lần đầu tiên anh chọn viết về kỹ năng mềm, với nhiều chiêm nghiệm dành cho giới trẻ. Trong cuốn sách này cũng chứa những câu chuyện thật về cuộc đời của anh, về những tháng ngày đầy lo âu và khủng hoảng của tuổi 30.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi ngắn với tác giả Nguyễn Ngọc Thạch về cuốn sách này:
“Tuổi trẻ hoang dại” là cuốn sách đầu tiên Nguyễn Ngọc Thạch chọn viết về kĩ năng mềm, tuy nhiên những vấn đề anh đề cập trong sách lại không gây bất ngờ về nội dung vì trước đó, anh đã từng đăng tải chúng trên mạng xã hội. Quyển sách là nơi lưu trữ những suy nghĩ ập đến lúc bấy giờ của anh hay anh cho rằng sức ảnh hưởng của mình trên Facebook quá lớn nên quyết định in những thứ trên đó thành sách?
- Đời này làm gì có chuyện bữa ăn miễn phí lại ngon hơn là bữa cơm tốn tiền bỏ ra mua. Bản thân tôi luôn hiểu rằng môi trường mạng là viết ngắn để người ta đọc và bất ngờ, còn viết sách là viết dài hơn để người ta đọc và suy ngẫm. Vì vậy, dù là cùng một ý tứ đó khi viết trên mạng vẫn sẽ khác nhiều so với trong sách. Cuốn sách nào của tôi thì cũng là nơi lưu giữ suy nghĩ của bản thân. Có thứ suy nghĩ đến bất ngờ, có thứ đến rồi ở đó làm mình trăn trở, thành ra, muốn biết vẫn phải mua sách về đọc.
Bìa sách "Tuổi trẻ hoang dại"
Quyển sách mới của anh có tên là “Tuổi trẻ hoang dại” nhưng có thể thấy nội dung của nó cũng không quá hoang dại. Vậy hai chữ “hoang dại” đối với anh được định nghĩa như thế nào?
- Thật sự thì có nhiều cái “hoang dại” lắm nhưng tiếc rằng chúng đã bị lược bỏ khi kiểm duyệt. Thí dụ như câu chuyện bản thân tôi từng nghiện rượu và chất kích thích để tỉnh táo làm việc, có lẽ do những thứ đó sẽ tác động không tốt cho người đọc nên chúng đã bị cắt đi. Còn muốn biết tôi hoang dại đến thế nào, chắc phải gặp mới biết, à đương nhiên là khi và chỉ khi bạn đủ đẹp (cười).
Trước “Tuổi trẻ hoang dại”, vào năm 2014, Ngọc Thạch từng xuất bản cuốn “Chênh vênh 25". Vậy khủng hoảng tuổi 30, khác với chênh vênh ở tuổi 25 như thế nào?. Cảm xúc nào theo anh là đáng sợ hơn?
- Cái tên của hai trạng thái tinh thần đó đã nói lên nhiều thứ rồi. 25 thì chênh vênh, không biết đời mình ngã về đâu, rơi về phía nào, phải làm gì, đi đâu, cùng ai, đắn đo giữa việc kiếm tiền hay đầu tư tình cảm, kiếm ai giàu để yêu cho khỏe rồi lại sợ giàu thì lăng nhăng, hay người ta không chịu mình. Còn 30 thì khủng hoảng vì biết hơn 25 nhiều thứ, biết mình đang ở đâu, có gì, chưa có gì, rồi có lúc nhìn ngắm ra xung quanh để tự thấy bồn chồn, lo lắng, nhìn ba mẹ sợ họ chia xa, nhìn con cái sợ nó lớn nhanh mình nuôi không kịp, nhìn bạn bè sợ hết thân, nhìn chính mình thì thấy bắt đầu già nua, xấu xí…Chính những thứ đó mà kéo lại thành khủng hoảng.
Cũng khó nói là thứ nào đáng sợ hơn, lúc nào ở đó thì thứ đang tồn tại cũng đáng sợ. Qua 30 nhìn lại mấy cái mình sợ lúc 25 thấy sao nó tủn mủn, vụn vặt quá. Lúc 25 thì lo không có bồ là chết, 30 thì thấy không có bồ là bình thường, không có tiền mới chết. Có khi tới 35 hay 40 rồi nhìn lại cơn khủng hoảng 30, mới thấy như mây trời gió biển, trôi qua cái vèo mà mình cũng chả hay.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch trong buổi giới thiệu cuốn sách "Tuổi trẻ hoang dại".
Trải qua những khủng hoảng tuổi 30, điều lớn nhất anh chiêm nghiệm được là gì?
- Câu này tôi viết cuối sách, đó là “Tâm an vạn sự an”, giữ cho lòng mình thanh thản, cân bằng là thứ quan trọng nhất. Thật ra tôi giờ cũng chưa làm được vậy đâu, còn sân si lắm, thấy tiền vẫn rạo rực, thấy ai đẹp lòng vẫn si mê, nhưng mà phải tập luyện thôi.
Nhiều người cho rằng, khủng hoảng có thể diễn ra ở bất kì lứa tuổi nào, 20,30,40,50 đối với những người quá nhạy cảm và cuộc sống thiên về cảm xúc. Còn ở một phía khác, có những người họ sẽ sống an nhiên và bình lặng cả đời, chẳng bao giờ rơi vào một cuộc khủng hoảng nào cả. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
- Ai mà an nhiên bình lặng cả đời được thì tôi mừng cho họ thôi. Còn tôi thì thấy cả chuyện bản thân mình nhạy cảm nó cũng vui chứ, kiểu như tôi nhạy cảm với cảm xúc của người ta nên tôi biết khi nào họ buồn, họ vui, khi nào tôi nên ở gần họ, khi nào nên tránh xa. Rồi tôi nhạy cảm nên có khi coi phim tình cảm khóc quá trời khóc, chứ giờ ai cũng bình lặng như mặt hồ thu thì chắc cuộc đời này kém sôi nổi hơn nhiều lắm.
Phản hồi của độc giả như thế nào sau những ngày đầu tiên cuốn sách được phát hành?
Mọi người gửi tin nhắn cho tôi nhiều lắm, đa phần họ cho rằng nội dung cuốn sách giúp ích được cho họ nhiều. Có người đang bế tắc và trong giai đoạn trầm cảm như tôi thì viết chia sẻ và đồng cảm. Nói chung là tôi thấy hạnh phúc vì cuốn sách này đã làm được thứ nó phải làm, đó là mang tới năng lượng tích cực cho mọi người.
Trong số các lời nhắn gửi về, tôi ấn tượng với một tin nhắn thế này: “Lần đầu đọc sách của anh và mới biết một tác giả đẹp trai như vậy”. Tôi thấy bạn này còn trẻ mà rất biết phân biệt và thật thà, như vậy là tốt. (cười lớn).
Cảm ơn anh!