Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ của Hà Nội quá nhanh, khoảng 10,2%/năm đối với ô tô; khoảng 6,7%/năm đối với xe máy.
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy lượng xe nhập khẩu từ đầu năm đến nay đã đạt con số kỷ lục. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập tới 75.437 ôtô các loại, trị giá gần 1,7 tỉ USD, tăng tới 5 lần về số lượng và hơn 4 lần về giá trị so với cùng kỳ.
Tuy lượng phương tiện gia tăng nhưng cơ sở hạ tầng không thay đổi, chưa đáp ứng được nhu cầu dừng đỗ xe đặc biệt là trong khu vực nội đô. Ông Nguyễn Xuân Thanh, phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của người dân.
Hệ thống trông giữ xe Iparking được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề điểm đỗ xe đang hoạt động kiểu "nửa thông minh, nửa thủ công".
Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy định bắt buộc bố trí bãi đỗ xe ô tô là 20 m2/100 m2 sàn hoặc mỗi căn hộ; nhà thu nhập thấp cũng phải bố trí bằng 60% định mức chung, thực tế thì chỉ đạt 10% còn 90% thả nổi.
Quận Hoàn Kiếm có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất Hà Nội (4,53 triệu m2) với gần 200.000 xe máy và 17.000 ô tô. Theo đúng quy chuẩn lượng xe cộ này cần hơn 1 triệu m2 để đỗ xe, hiện nay, thành phố đã có hơn 300 điểm đỗ xe được cấp phép, phần lớn là lòng đường, vỉa hè,...
Tuy nhiên số điểm đỗ trên cũng chỉ đáp ứng 14%, còn thiếu 86%, số lượng xe đỗ trong quận Hoàn Kiếm tại các điểm sai phép gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu chỗ đỗ ô tô là do các hệ thống trông giữ xe hoạt động không hiệu quả, chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm vẫn bất động trong khi lượng phương tiện tăng lên một cách chóng mặt.
Năm 2018, Sở GTVT đã cấp Giấy phép trông giữ xe theo hình thức iparking cho 13 doanh nghiệp, đến nay, chỉ còn 12 doanh nghiệp thực hiện như Công ty CP Đồng Xuân, Công ty CP 901… Công ty TNHH MVT Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã tạm dừng.
Đầu năm 2019 đến nay, hình thức trông giữ xe iparking rơi vào tình cảnh "nửa thông minh nửa thủ công". Hiện nay, chỉ còn nhà mạng Vietel cung cấp việc nhắn tin để thanh toán tiền gửi xe qua đầu số 9556, còn các nhà mạng khác như Vinaphone, Mobifone đã rút lui. Tỷ lệ người nhắn tin qua đầu số 9556 cũng giảm đi rất nhiều, do vậy, tại các điểm trông giữ xe iparking vẫn tồn tại hai hình thức, nhắn tin hoặc thu tiền mặt.
Tuy có thể nhắn tin nhưng đa phần nhân viên trông xe tại các điểm đều yêu cầu nộp tiền mặt, do thiếu trang thiết bị kiểm tra, giám sát, việc thu phí trực tiếp tạo điều kiện cho các hành vi sai phạm.
Qua kiểm tra, Sở GTVT và Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện vi phạm trong trông giữ xe iparking tại một số điểm như nhân viên thu tiền mặt để bỏ túi riêng; hay trên trang web tìm kiếm thể hiện có chỗ trống nhưng khi đến nơi thì đã có xe…
Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, UBND TP. Hà Nội đưa ra chủ trương xây dựng 7 dự án bãi đỗ xe ngầm gồm: tại Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng).
Khi UBND thành phố đưa ra chủ trương trên, tất cả các dự án bãi đỗ xe ngầm đều có nhà đầu tư đặt vấn đề muốn triển khai. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục và cơ chế đầu tư, các chủ đầu tư có thể huy động được vốn từ vay ngân hàng nhưng cơ chế hoàn vốn trả nợ chỉ phụ thuộc vào việc thu phí trông giữ xe. Điều này khiến nhiều đơn vị không dám liều vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án.
Đại diện một số nhà đầu tư cho biết, việc đầu tư bãi đỗ xe tại 295 Lê Duẩn với tổng mức khoảng 100 tỷ đồng hay tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô khoảng 1.000 tỷ đồng, nếu thu hồi vốn chỉ qua phí trông giữ xe do thành phố ban hành hiện nay thì phải mất cả 100 năm cũng chưa chắc đã thu hồi được.
Vậy bao giờ cơ sở vật chất, hạ tầng có thể đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng về điểm đỗ xe của người dân vẫn là một câu hỏi cần lời giải đáp của các cơ quan chức năng, hoạch định chính sách?