Dân Việt

"Giải cứu" phim đề tài hẹp, kén khán giả khỏi "thất thủ" ngay trên sân nhà

Thủy Tiên 15/08/2019 09:15 GMT+7
Việc bộ phim “Thưa mẹ con đi” bị xếp chiếu vào khung giờ không đẹp tại các cụm rạp ngay tuần đầu phim công chiếu một lần nữa cho thấy phim Việt đang thất thủ ngay tại thị trường trong nước.

img

Phim "Thưa mẹ con đi" bị xếp chiếu vào khung giờ xấu tại các cụm rạp.

Như danviet.vn đã đưa tin, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh bất ngờ khi thấy bộ phim điện ảnh đầu tay do anh làm đạo diễn có quá ít suất chiếu tại rạp nên đã lên facebook kêu gọi bạn bè sắp xếp thời gian mua vé xem phim sẽ phát hành chính thức vào ngày 16/8.

"Thưa mẹ con đi" có đề tài LGBT và bản thân đạo diễn cũng hiểu phim sẽ kén khách, nhưng anh rất tự tin vì sau buổi công chiếu cho báo chí, êkip “Thưa mẹ con đi” đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía truyền thông, đồng nghiệp và giới chuyên môn. Đó là động lực để anh mong phim sẽ tiếp cận được với đông đảo khán giả. Nhưng với các suất chiếu chủ yếu vào ban ngày, thuộc giờ hành chính, e rằng lượng người xem "Thưa mẹ con đi" sẽ không được như kì vọng.

img

Đạo diễn phim "Thưa mẹ con đi" Trịnh Đình Lê Minh

Chia sẻ về thực tế trên, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết: “Thực ra mỗi bộ phim ra rạp đều phải có những suất chiếu cơ bản (về số suất chiếu/ngày cũng như khung giờ tốt, thuận lợi cho khán giả về mặt thời gian) như vậy để đo thị hiếu người xem. Nhưng “Thưa mẹ con đi” ngay từ đầu đã có ít suất chiếu và khung giờ đẹp tuy có nhưng không nhiều. Bản thân những người xếp lịch cho phim tại rạp cũng đều xem bộ phim rồi và cũng đã biết chất lượng phim như thế nào. Nếu đây là phim thảm họa, không có ai đi xem thì di nhiên họ cũng sẽ biết rồi”.

Anh cũng nói thêm rằng mình không có vai trò gì ở khâu này vì khi hoàn thành bộ phim, việc còn lại giao cho nhà sản xuất làm việc với bên phát hành cũng như các rạp và theo tìm hiểu ngoài lề thì anh được biết hợp đồng chiếu với các rạp không hề có điều khoản nào về giờ chiếu cho phim.

img

Các hệ thống rạp chiếu lớn ở Việt Nam hiện nay đều thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (CGV, Lotte) và dĩ nhiên thường dành quyền ưu tiên cho phim do các đơn vị này nhập từ nước ngoài về là các phim bom tấn Hollywood, phim Hàn Quốc... hoặc phim do chính họ sản xuất hoặc góp vốn sản xuất, vì thế việc các bộ phim khác chịu lép vế ngay trên sân nhà là điều không khó hiểu.

Nếu đó là phim Việt do CGV đầu tư sản xuất như "Tháng năm rực rỡ", "Em là bà nội của anh" thì CGV vẫn dành những khung giờ đẹp và mặc nhiên phát biểu ủng hộ phim Việt hết mình dù trước đó họ đã từ chối "Tấm Cám chuyện chưa kể" và "12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy" cũng như thường xuyên xếp lịch chiếu phim Việt vào khung giờ không đẹp hoặc ít suất chiếu so với thông thường.

img

“Ưu tiên con cháu trong nhà” là chuyện dễ hiểu. Bởi khi ký kết Hiệp định Thương mại WTO (năm 2007), Việt Nam đã không cam kết quy định hạn ngạch nhập khẩu phim. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, đã ồ ạt nhập khẩu phim vào Việt Nam. Trong khi đó, phim của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa ít về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào hệ thống phát hành do nhà đầu tư nước ngoài quản lý.

img

Lời kêu gọi của đạo diễn phim "Thưa mẹ con đi" trên trang cá nhân

Do đó, để khắc phục phần nào điều này, một trong những cách được đề xuất là lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tháng 7 vừa qua, việc Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam ra đời được xem như là một trong những giải pháp để bảo hộ phim Việt cũng như thị trường điện ảnh nội địa, nhất là sự ủng hộ đối với dòng phim art-house tập trung vào các đề tài nhỏ hẹp, kén khách nhưng là cơ hội tốt để điện ảnh giới thiệu bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Trở lại với câu chuyện của “Thưa mẹ con đi”, trước ngày phim công chiếu rộng rãi, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết vì thấy phim chiếu vào giờ mọi người đi học, đi làm nên anh lên facebook kêu gọi bạn bè tranh thủ sắp xếp thời gian ủng hộ phim chứ không muốn nói tới các vấn đề sâu xa: “Các nhà làm phim khi làm phim đều mong muốn có được những tác phẩm tốt, dĩ nhiên vẫn có người làm phim dở có người làm phim hay, nhưng mục đích chung vẫn là cố gắng làm ra tác phẩm tốt nhất trong khả năng của họ. Nếu như họ đã xong sứ mệnh đó rồi mà khâu đến với khán giả lại bị hạn chế như vậy thì các nhà làm phim sẽ dè dặt hơn. Thậm chí họ không thể có động lực làm phim nữa, vì chỉ cần thất bại một bộ phim thôi thì phim sau lại càng khó khăn, đặc biệt là làm phim về những chủ đề, đề tài nhỏ hẹp, không và không thể tạo động lực cho những người khác”.