Hiệu quả rõ rệt
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, thôn Chùa, xã Minh Đức được thành lập từ năm 2016. Đến nay, đã có tổng diện tích sản xuất hơn 5ha, trong đó có 4 nghìn m2 nhà màng.
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX cho biết: Qua nghiên cứu nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, HTX lựa chọn phát triển các cây trồng chủ lực là: Dưa hấu, dưa chuột và các loại rau vụ đông như su hào, súp lơ, bắp cải….
“Các khâu từ chuẩn bị vật tư, cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm đều được liên kết chặt chẽ với nhau, trên diện tích canh tác tập trung giúp giá trị sản phẩm tăng đáng kể. Như vụ này, HTX trồng dưa hấu, dưa chuột, dự kiến thu hoạch vào tháng 9, năng suất ước đạt 1-1,3 tấn/sào, tăng 20% . Cùng đó, giá bán từ 10-15 nghìn đồng/kg, tăng từ 3-5 nghìn đồng/kg so với những năm trước”, ông Quyết chia sẻ.
Trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản luôn là khâu quan trọng. Chính vì thế, từ năm 2017 đến nay, HTX Dịch vụ và Thương mại nông nghiệp công nghệ cao Khang Thịnh, thôn Đầu, xã Tự Lạn liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Bắc Ninh) để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm chủ lực là khoai tây.
Sắp tới, HTX dự kiến canh tác hơn 20ha khoai tây giống Atlantic và Đức, cung cấp nguyên liệu cho chế biến khoai tây chiên cắt lát của doanh nghiệp tại thôn Thượng, xã Thượng Lan.
Vụ dưa hấu chín đến đâu, thương lái đều tìm đến tận ruộng mua hết đến đó.
“Mấy năm nay, giá thu mua của doanh nghiệp ổn định với giá khoảng 7,2 nghìn đồng/kg. Như vậy, lãi mỗi ha canh tác đạt 27 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc HTX cho hay. Được biết, từ cuối năm 2017, HTX được cấp chứng nhận rau an toàn VietGAP, rau, củ thu hoạch đến đâu đều được bao tiêu đến đó.
Ứng dụng công nghệ cao, tăng tính bền vững
Huyện Việt Yên triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ năm 2015 với một số sản phẩm chính như: Cây dược liệu; các loại rau, củ, quả; hoa, cây cảnh. Toàn huyện hiện có 10 mô hình liên kết theo chuỗi, chủ yếu là HTX nông nghiệp.
Trao đổi với ông Thân Văn Bằng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện được biết: "tuỳ loại cây trồng, việc tham gia chuỗi liên kết có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%/ha và sản lượng tăng từ 20-25% so với sản xuất truyền thống. Qua sản xuất, cái được rõ nét nhất của hình thức sản xuất này là nông dân được cung ứng giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm đầu ra và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường".
Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất góp phần tăng giátrị kinh tế cho người dân.
Ông Nguyễn Hữu Tuyển, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hà Anh, thị trấn Nếnh cho biết: Từ tháng 8/2018, HTX được huyện hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng 2000m2 nhà lưới để trồng các loại hoa như hồng, ly, phong lan. Tuy nhiên, hiện nguồn thu từ diện tích này chỉ là “lấy công làm lãi”. Mở rộng diện tích thì khó ở chỗ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, muốn đầu tư sản xuất theo mô hình công nghệ cao lại thiếu vốn.
Theo ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện, trước thực tế hiện nay, huyện xác định tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất bởi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, trong khi nhu cầu sử dụng nông sản an toàn ngày càng tăng. Bên cạnh đó, huyện tập trung hỗ trợ về hạ tầng, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh từng địa phương. Xây dựng kế hoạch để quảng bá, giới thiệu ưu điểm của vùng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết tiêu thụ, từ đó tăng giá trị nông sản và tính bền vững trong sản xuất.
Từ năm 2017 đến nay, huyện bố trí kinh phí hỗ trợ hơn 5,1 tỷ đồng cho các HTX đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương, đường vào khu sản xuất; xây dựng hạ tầng, nhà màng, nhà lưới; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác cho một số sản phẩm như: “Rau Quyết tâm” của HTX Dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân; “Khoai tây, khoai lang Khang Thịnh” của HTX Dịch vụ và Thương mại nông nghiệp công nghệ cao Khang Thịnh. |