Chế biến cá tra xuất khẩu tại Agifish. |
Cơ duyên nào dẫn anh đến với con cá basa?
- Tôi còn nhớ là lúc ấy vào khoảng năm 1980, có một công ty Úc qua Việt Nam tìm cá biển có thịt trắng để làm phi lê. Mà cá biển thì lúc đó nguồn cung rất hạn chế. Khi ấy, tôi có giới thiệu con cá basa, một loại cá sông khác gần giống thay thế và họ đã chấp nhận. Kể từ lúc đó, cuộc đời tôi bắt đầu gắn chặt với con cá này.
Lúc ấy, cá basa chưa nhân được giống nhân tạo thì làm sao có thể có nguồn nguyên liệu làm hàng xuất khẩu?
- Đúng vậy. Nguồn cá basa lúc ấy còn ít do hoàn toàn phụ thuộc vào việc vớt trên sông đem về bè nuôi lớn. Nhưng một khi đã làm kinh doanh thì phải gây được giống để chủ động trong nguồn nguyên liệu, từ đó mới phát triển lâu dài được. Thế là cùng với Trường ĐH Cần Thơ và Viện Cirad của Pháp, chúng tôi lao vào nghiên cứu.
Nuôi 2 năm chưa thấy cá có trứng, chúng tôi nuôi tiếp đến 3 năm, rồi 4 - 5 năm. Lúc ấy trong công ty không ai ủng hộ tôi cả, gì mà nghiên cứu 4, 5 năm trời chưa xong, mất thời gian và công sức quá. Mặc ai nói cứ nói, tôi vẫn kiên trì. Cuối cùng, chúng tôi cũng nghiên cứu thành công và vào ngày 20 – 7 – 1995, lứa cá basa giống nhân tạo đầu tiên đã ra đời.
Và trại cá giống Mỹ Châu của công ty anh đã độc quyền cung cấp cá basa, cá tra giống tại ĐBSCL, không chia sẻ công nghệ cho ai lúc ấy?
- Quả là chúng tôi đã thu được lợi nhuận rất lớn từ việc độc quyền cung cấp cá giống. Lắm lúc không đủ nguồn cung ứng phải bán đấu giá. Ngay trong năm đầu tiên, chúng tôi đã thu được 10 tỷ đồng từ tiền bán cá giống. 10 tỷ khi ấy lớn lắm. Kinh doanh mà, bỏ công trồng cây thì phải được hái quả.
Được khoảng 2 năm thì các kỹ sư của tôi bắt đầu “tuồn” công nghệ ra ngoài cho dân. Tôi thấy mình hái quả như vậy cũng đủ rồi, nên chia sẻ cho bà con mình cùng làm giàu nên không ngăn cấm. Khi công nghệ nuôi cá giống nhân tạo được truyền bá ngày càng phổ biến thì ngành công nghiệp nuôi cá basa, cá tra ở ĐBSCL bắt đầu bùng nổ...
Agifish lúc ấy đã làm gì để luôn là người đi đầu trong việc khai phá thị trường từ châu Úc, qua châu Á, châu Âu đến thị trường Mỹ?
- Cái nào cũng có hai mặt. Lợi thế của người đi đầu thì ai cũng rõ. Nhưng cái dở cũng không ít. Trong đó dở nhất là mình đã không có kiến thức, tầm nhìn, không có bản lĩnh, để mặc cho đối tác thao túng. Lúc ấy phía đối tác Trung Quốc ép tôi ướp đá vào con cá, ướp rất nhiều, tỷ lệ mạ băng lên đến 40 – 50%, thành bán nước đá chứ không còn bán cá nữa.
Nhưng vì lợi ích kinh doanh, muốn thâm nhập thị trường, tôi đã chấp nhận. Chính sai lầm này đã làm suy giảm giết chết uy tín con cá basa của mình ở thị trường Singapore, Malaysia và Hồng Kông, làm mất những thị trường này mà đến giờ chúng tôi vẫn chưa quay lại được. Đây chính là bài học xương máu mà tôi không bao giờ quên và vẫn còn ân hận cho đến tận bây giờ.
Đại diện DPM (trái) trao tượng trưng tiền hỗ trợ cho Hội Phụ nữ Campuchia. |
Như thế làm sao anh vào được thị trường Mỹ và EU?
- Thực ra cái tâm trong kinh doanh là biết đến điểm nào thì dừng. Anh có thể tham lam kiếm tiền, anh có thể ngụy biện thiếu kiến thức, nhưng trong mỗi người vẫn còn có lương tâm. Chính lương tâm mách bảo tôi giới hạn nào phải dừng, xem xét lại cung cách làm ăn để rồi từ đó tôi nhận ra những sai lầm của mình. Sai thì phải sửa, sửa ngay lập tức. Tôi bắt đầu bỏ lề lối làm ăn cũ, làm quen với cung cách đàng hoàng ở các thị trường Pháp, Thụy Sĩ, Đức Ý,…
Sau đó, tôi tiếp cận thị trường Mỹ qua một người bạn có quen với một vị thượng nghị sĩ Mỹ. Vị này bảo lãnh cho tôi qua nghiên cứu và tìm hiểu thị trường (vì khi ấy Mỹ vẫn còn cấm vận Việt Nam). Tôi thâm nhập vào cộng đồng người Việt, người Hoa đầu tiên (ông Hậu là người Hoa - PV) rồi từ từ mở rộng dần ra. Sau đó tôi theo đoàn Chính phủ của nước ta qua giao thương, hết Mỹ rồi đến các nước khác. Đến giờ nhẩm lại tôi đã đi mở thị trường cho con cá VN ở khoảng 80 nước trên thế giới.
Ông nghĩ sao khi các nước vẫn liên tục bôi nhọ hình ảnh con cá basa của Việt Nam?
- Do chúng ta phát triển quá nhanh nên họ sợ ảnh hưởng đến những con cá khác ở nước họ. Chúng ta phát triển nhanh đến mức dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa. Để bán được, chúng ta lại quay sang “gà nhà đá nhau”, liên tục hạ giá. Giá thấp, để không lỗ có doanh nghiệp lại bơm thuốc tăng trọng, bơm nước vào, làm chất lượng con cá kém đi. Thế là bị vướng ngay những rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm mà các nước đặt ra, phải bán đổ bán tháo, phá sản hàng loạt. Tôi cho rằng đây chính là cơ hội để sắp xếp lại trật tự sau khi mọi người đã nhận ra vấn đề. Sắp xếp lại theo quy luật cung – cầu, chú trọng vào chất lượng và bảo vệ môi trường nuôi trồng.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Minh (thực hiện)