Sau Tết đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đường sắt, có vụ rất nghiêm trọng, thương tâm. Tai nạn giao thông đường sắt tăng rất bất thường, nhưng chưa có biện pháp tuyên truyền giáo dục rộng rãi để người dân nhận thức đầy đủ về việc chấp hành các quy định an toàn giao thông đường sắt.
Từ trước đến nay, người dân chỉ biết đến các quy định của luật pháp về đường bộ và xã hội chỉ quan tâm đến tai nạn giao thông đường bộ. Đa số người dân không biết các quy định về an toàn giao thông đường sắt, và trên thực tế, rất có thể chưa có công dân nào bị phạt vì vi phạm Luật Đường sắt, hoặc nếu có thì rất ít.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Bình - Trưởng ban An toàn Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt VN quả quyết: “Thực tế, tôi chưa thấy người tham gia giao thông nào bị phạt vì vi phạm Luật Đường sắt. Tôi chỉ thấy thanh tra giao thông đường sắt phạt một số nhân viên của ngành đường sắt”.
Tai nạn giao thông đường bộ của VN thuộc nhóm đầu thế giới cho nên từ chính quyền đến người dân đều chú ý đến các vấn đề về giao thông đường bộ, công tác tuyên truyền cũng tập trung vào đây. Chính vì vậy nên người dân không tôn trọng luật và chủ quan khi tham gia giao thông đường sắt. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do lỗi của người tham gia giao thông.
Rất nhiều vụ cho thấy lái xe vượt qua đường sắt bất chấp tín hiệu dừng. Nhiều trường hợp người dân chui qua rào chắn để đi, họ xem thường quy định của pháp luật và xem thường tính mạng của mình. Các vụ tàu tông ô tô thảm khốc xảy ra gần đây có nguyên nhân do tài xế chạy ẩu, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, không quan sát. Có người sống sót từ một vụ tai nạn đã thốt lên: “Tài xế đã giết chết cả gia đình tôi”.
Một vấn đề khác là người dân tự mở các đường ngang cắt qua đường sắt. Hiện nay cả nước có khoảng 6.000 đường ngang nhưng chỉ có gần 2.000 đường ngang có phép, còn lại là tự phát. Thế nhưng việc kiểm soát để dẹp bỏ các đường ngang này không hiệu quả, thậm chí ngày càng mọc lên nhiều đường ngang bất hợp pháp.
Tham gia giao thông bị tai nạn đường sắt là một chuyện, chuyện đáng trách khác là dân sống ở khu vực có đường sắt đi qua lấy đường sắt làm nơi sinh hoạt. Nhiều nơi phơi phóng quần áo, có nơi bày bán hàng quán ngay sát đường sắt, có nơi lấy đường sắt làm chỗ vệ sinh và để… ngủ. Rất nhiều vụ người bị tàu tông chết vì sinh hoạt trên đường sắt.
Theo thống kế năm 2011, có 95,2% tổng số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra là do nguyên nhân khách quan, có nghĩa là nguyên nhân từ phía người dân, không phải do những sai phạm của ngành đường sắt. Đã đến lúc phải tuyên truyền mạnh mẽ về an toàn giao thông đường sắt, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn khác.
Chân Tâm