Dân Việt

Có thật chế phẩm sinh học ngăn ngừa được dịch tả lợn châu Phi?

Anh Thơ 15/08/2019 07:30 GMT+7
Thực tiễn sản xuất ở nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn cho thấy, áp dụng đúng nguyên tắc an toàn sinh học trong chăn nuôi, bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh để tăng sức đề kháng cho lợn đang là giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đã có những trang trại vẫn bình an vô sự ngay trong bão dịch.

Bình yên trong “bão”

Trang trại chăn nuôi 200 con lợn của ông Lê Viết Thể, thôn Địch Trung, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) nằm ngay trong khu dân cư đông đúc, với một nơi đất chật người đông như Phương Đình, việc có một khu chăn nuôi tập trung, biệt lập quả không hề đơn giản.

img

  Ông Lê Viết Thể (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) phối trộn chế phẩm vi sinh trong thức ăn chăn nuôi.  Ảnh: A.T

"Chuồng trại được quây kín để tránh chuột, bụi bặm, người lạ tuyệt đối không được vào chuồng trại; định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại hàng tuần; riêng hệ thống nước làm mát cũng được tôi pha thêm thuốc tiêu độc khử trùng phun 24/24 giờ để tăng thêm hàng rào bảo vệ đàn lợn”.

Ông Lê Viết Thể (thôn Địch Trung, xã Phương Đình,
Đan Phượng, Hà Nội)

Vậy nhưng, điều kỳ lạ là, dù chuồng trại ngay sau nhà nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không cảm thấy có mùi “đặc trưng” của nghề chăn nuôi lợn. Hỏi ông Thể bí quyết, ông bảo, nhờ ông sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi nên khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm mùi hôi.

Đặc biệt, trang trại của ông vẫn bình yên sau “bão” dịch tả lợn châu Phi quét qua xã Phương Đình, khiến 50% tổng đàn lợn của xã buộc phải tiêu hủy, nhiều gia đình lâm vào tình trạng khánh kiệt.

“Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở địa phương không còn cách nào khác, tôi phải bảo vệ bằng được đàn lợn của mình bằng cách biện pháp an toàn sinh học. Theo đó, chuồng trại được quây kín để tránh chuột, bụi bặm, người lạ tuyệt đối không được vào chuồng trại; định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại hàng tuần; riêng hệ thống nước làm mát cũng được tôi pha thêm thuốc tiêu độc khử trùng phun 24/24 giờ để tăng thêm hàng rào bảo vệ đàn lợn” - ông Thể chia sẻ.

Bên cạnh đó, để tăng sức khỏe cho đàn lợn, từ đó có khả năng chống chịu sự tấn công của virus, vào các ngày nắng nóng, ông tăng cường các chất điện giải vào thức ăn của lợn; bổ sung các loại vitamin; nguồn nước sử dụng là nước sạch từ nhà máy.

Hiệu quả thấy rõ

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), thực tế cho thấy, một số mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn lên men sinh học tại Hưng Yên, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế cho thấy, mặc dù nằm trong vùng dịch nhưng sử dụng thức ăn có bổ sung men vi sinh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học đàn lợn của các hộ thử nghiệm vẫn an toàn, trong khi nhiều hộ đã phải tiêu hủy lợn.

img

Chăn nuôi an toàn sinh học đang là một giải pháp căn cơ, quan trọng để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Đơn cử như mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm sử dụng chế phẩm vi sinh ủ vào thức ăn trong thời gian từ 36-48 giờ trước khi cho ăn và trộn vào đệm lót nền (không rửa chuồng nuôi) đồng thời đưa chế phẩm vào phun trong không gian chuồng nuôi, kết quả cho thấy, trong khi nhiều hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh và chết thì toàn bộ lợn của 15 hộ chăn nuôi theo mô hình của Quế Lâm không bị nhiễm dịch.

“Bên cạnh đó, chuồng nuôi không có mùi hôi, tiết kiệm nước và rửa chuồng; tận dụng được toàn bộ phân, nước tiểu lợn làm phân hữu cơ cho cây trồng. Điều quan trọng hơn là, chăn nuôi theo quy trình này, lợn hầu như không phải dùng kháng sinh, đảm bảo sản phẩm an toàn” - ông Dương nói.

Bà Lưu Thủy Trâm - Phó Giám đốc Công ty Bio Spring cho biết, qua thử nghiệm, chế phẩm vi sinh probiotic của Bio Spring góp phần giảm tỷ lệ tiêu tốn thức ăn từ 5 - 6%; giảm tỷ lệ chết và làm tăng sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi.

“Những tác động của các chế phẩm vi sinh có thể không nhìn thấy ngay trước mắt nhưng sau cả quá trình chăn nuôi nếu áp dụng tốt vấn đề an toàn sinh học, cộng với bổ sung các chế phẩm vi sinh thì sẽ thấy hiệu quả chăn nuôi vượt trội, điều quan trọng là sản phẩm thịt áp dụng theo quy trình này rất đảm bảo, không có tồn dư kháng sinh” - bà Trâm nói.

Cũng theo bà Trâm, chi phí bổ sung các chế phẩm vi sinh rất thấp, chỉ 50 - 60 đồng/kg thức ăn, tính ra trong cả chu kỳ nuôi của một con lợn, chi phí cho chế phẩm vi sinh chỉ 15.000 - 20.000 đồng.

 Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, chăn nuôi an toàn sinh học đang là một giải pháp căn cơ, quan trọng để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, góp phần ngăn được sự phát tán của dịch, hạn chế kháng sinh, giúp nâng cao chất lượng thịt.

Theo nhận định: Dù có kết quả ban đầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả vững chắc nào cho thấy, việc sử dụng các chế phẩm sinh học có thể ngăn ngừa được dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng. Việc một số mô hình áp dụng giải pháp trên mới dừng ở diện thử nghiệm hẹp.