“3 cùng” với người dân
Trước đây, vùng đất Si Pa Phìn nổi tiếng về trồng cây anh túc và buôn bán ma túy. Do địa hình phức tạp, giáp biên giới, vì thế nhiều người dân nơi đây quen với việc trồng cây thuốc phiện, mua bán “cơm đen”.
Nhiều năm sau khi Nhà nước ban hành quyết định cấm tái trồng cây thuốc phiện, người dân vẫn lén lút đi trồng ở những nơi rừng sâu núi thẳm. Để đến triệt phá được những nương thuốc phiện như thế, cán bộ phải đi mất vài ngày, ngủ trên rừng, hay đi trên những mỏm núi đá rất nguy hiểm.
Nhờ phát triển trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhiều hộ nông dân ở Si Pa Phìn đã có cuộc sống no ấm, vươn lên làm giàu... Ảnh: T.T
"Trên những mảnh đất từng trồng cây thuốc phiện bây giờ chỉ còn lúa, ngô, cây ăn quả thôi. Có trồng thuốc phiện mãi thì vẫn đói nghèo, tù tội…”. Anh Lò Văn Soạn |
Ông Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Để bà con không tái trồng cây thuốc phiện là rất khó khăn. Do phong tục và nguồn lợi siêu khủng từ nhựa thuốc phiện mang lại, nên trong những năm trước, nhiều hộ vẫn lén lút trồng cây anh túc ở những khu vực giáp biên giới. Huyện phải thành lập những đoàn công tác thực hiện “3 cùng” với nhân dân, vận động bà con từ bỏ trồng cây thuốc phiện, tập trung phát triển chăn nuôi, làm lúa nước”.
Theo đó, Trạm Khuyến nông, khuyến lâm huyện thực hiện những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập. Cùng với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, những chương trình, dự án của Ðảng, Nhà nước đã được nhân dân triển khai, mang lại hiệu quả.
Có tiềm năng về đất đai, Si Pa Phìn được huyện quy hoạch là một trong những xã phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa. Năm 2010, Ðảng bộ xã Si Pa Phìn đã có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo “Phát triển chăn nuôi gia súc” trên địa bàn. Cùng với tăng cường tuyên truyền, vận động bà con phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, UBND xã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Ðến nay toàn xã có gần 2,5ha đất trồng cỏ voi, trên 9.000 con trâu, bò.
Tương lai ngày càng tươi sáng
Ông Vàng Văn Lập ở bản Tân Hưng là một trong những hộ người Mông đã tránh xa cây thuốc phiện, lấy nông nghiệp hàng hóa để làm giàu. Hiện ông đang sở hữu đàn trâu, bò trên 50 con, gần 100 con dê, lợn. Bình quân mỗi năm đàn gia súc mang về cho gia đình ông Lập nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Ông Lập bảo: “Từ bỏ cây thuốc phiện, giờ đây, số hộ nghèo, cận nghèo của bản chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Nhiều hộ trong xã còn mạnh dạn vay vốn đầu tư dịch vụ, như gia đình anh Lò Văn Soạn (bản Chiềng Nưa 1), năm 2006 đã vay vốn mua trâu nái, đồng thời đào ao thả cá. Sau 5 năm, anh mua 1 ôtô tải làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, nông sản cho người dân quanh vùng. Ðến nay, cuộc sống của gia đình anh đã khá hơn nhiều.
“Trên những mảnh đất từng trồng cây thuốc phiện bây giờ chỉ còn lúa, ngô, cây ăn quả thôi. Có trồng thuốc phiện mãi thì vẫn đói nghèo, tù tội…” – anh Soạn tâm sự.
Ông Nguyễn Ðức Cam - Bí thư Ðảng ủy xã Si Pa Phìn phấn khởi nói: Những năm gần đây, đời sống của người dân trên địa bàn thực sự chuyển biến rõ rệt. Trong tổng số hơn 1.000 hộ với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số phân bố tại 16 bản, tỷ lệ hộ nghèo của xã giờ đây chỉ còn 59% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Các vấn đề về văn hóa, y tế, giáo dục… cũng được bà con quan tâm hơn; riêng trong năm 2018, xã đã có 13/16 bản đăng ký bản văn hóa; trong đó đề nghị công nhận lại 3 bản, giữ vững danh hiệu 1 bản và có 9 bản công nhận mới.
Những mùa hoa anh túc đã không còn, thay vào đấy là những mùa vàng bội thu, những mô hình trang trại chăn nuôi gia súc cho thu nhập cao. Si Pa Phìn là điểm sáng của tỉnh Điện Biên về xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, tập trung phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Cũng nhờ xóa bỏ cây anh túc, tệ nghiện hút thuốc phiện, tội phạm ma túy hầu như không còn; con trẻ cũng được chăm chút, học hành đầy đủ hơn.
“Tương lai của người Mông ở Si Pa Phìn ngày càng tươi sáng hơn nhờ người lớn đã thay đổi tư duy và con trẻ được đầu tư học hành bài bản” – ông Nguyễn Đức Cam nói vậy.