Chú trọng xây dựng thương hiệu
Chỉ trong hơn chục năm trở lại đây, Hoài Đức đã có trên 1.600ha đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng, đất canh tác nông nghiệp hiện chỉ còn 1.200ha. Do đó, tập trung vào quy hoạch lại sản xuất, khai thác tối đa giá trị đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện.
Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: A.T
Sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã hình thành vùng chuyên canh tập trung cây ăn quả giá trị cao với tổng diện tích 540ha, gồm, vùng nhãn chín muộn 120ha tại xã An Thượng, Đông La, Song Phương; Vùng trồng bưởi 230ha... Huyện còn có vùng trồng cam, táo mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Vài năm trở lại đây, Hoài Đức đã tập trung xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao như: Vùng trồng nhãn muộn tại các xã An Thượng, Đông La và Song Phương, bưởi đường tập trung tại xã Cát Quế và Đông La; cam Canh, phật thủ ở xã Đắc Sở, Yên Sở và Tiền Yên.
Ngoài ra, tận dụng lợi thế huyện ven đô, người dân Hoài Đức cũng đã mạnh dạn chuyển sang các mô hình trồng hoa cảnh, cây cảnh tập trung tại các xã An Thượng, Đông La, Đức Thượng, Yên Sở...
Được sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ngành về xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản, chú trọng tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất... mà các sản phẩm nông nghiệp xanh của Hoài Đức đã dần xây dựng được thương hiệu, giá trị thu nhập của nhiều vùng sản xuất gia tăng rõ rệt, thu nhập của nông dân cũng tăng từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha canh tác.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, huyện Hoài Đức đã triển khai rất nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực trong công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bởi trên thực tế, dù công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Hoài Đức đạt hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản vào một số thời điểm vẫn gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên) cho biết, hợp tác xã có truyền thống sản xuất rau lâu năm. Cả thôn có 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 33,5ha đất trồng.
Ông Nguyễn Quang Đức - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho hay, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, huyện đã chủ động tập hợp nông dân giỏi để thành lập các hiệp hội ngành nghề trong nông nghiệp như: Hội nhãn chín muộn Hoài Đức, Hội bưởi đường Quế Dương... Đây là những diễn đàn kết nối nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản.