Theo ông Lộc, quá trình kiểm tra của Bộ NNPTNT cho thấy, vấn đề giao đất và thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đều có sai sót. Theo quy định, trong hạn điền là thuộc loại đất giao, ngoài hạn điền là đất phải thuê. Huyện Tiên Lãng đã giao quá 40ha là đã vượt thẩm quyền.
Mặt khác, huyện Tiên Lãng cũng không điều chỉnh nội dung cũ khi có Luật Đất đai năm 1993. Về thu hồi cũng có nhiều vấn đề không đúng như đất của gia đình ông Vươn chưa hết thời hạn sử dụng; ông Vươn sản xuất trên đất được giao là thoả đáng, mục đích cũng chính đáng là sản xuất nông nghiệp và thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản; ông Vươn có phá rừng nhưng lại trồng thêm và được một tổ chức của Nhật Bản ca ngợi vì sự kiên trì bảo vệ môi trường; việc phá rừng của ông Vươn và trồng ở chỗ khác có thể do phải thiết kế đầm, ao cho hợp lý.
Thêm nữa, việc ông cho thuê lại 6ha, luật không cấm, vẫn đúng mục đích sử dụng. Nếu nói ông Vươn không nộp thuế cũng hoàn toàn không đúng vì theo quy định, với đất hoang hoá tự khai hoang là miễn thuế. Giả sử, nếu khu đất của ông Vươn hết thời hạn sử dụng, gia đình ông vẫn được ưu tiên khi gia hạn.
Mục tiêu và trình tự thủ tục thu hồi đất của gia đình ông Vươn cũng cho thấy UBND huyện Tiên Lãng có nhiều vấn đề sai sót. Bởi khi thu hồi, cần phải lập hội đồng đánh giá tài sản và phải bồi thường lại các cơ sở vật chất, tài sản do công sức của chủ trang trại đã làm ra.
"Với những kết quả kiểm tra trên đây, chúng tôi đã có báo cáo lên bộ để lãnh đạo bộ có báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các nội dung như: Đề nghị UBND huyện Tiêng Lãng dừng quyết định thu hồi đất để hộ gia đình ông Vươn và các hộ khác tiếp tục sản xuất; trả lại 19,3ha cho gia đình hộ ông Vươn tiếp tục sản xuất; vấn đề sai ở đâu cần tiếp tiếp tục xử lý" - ông Lộc cho biết.
Hân Xuân