Công ty Vinamilk đã đặt trại nuôi bò sữa ở vùng xa như Nghệ An. |
Đàn bò sữa luôn được xem là niềm tự hào của TP.HCM với tốc độ phát triển bình quân hằng năm từ 15 - 20% và hiện nay đã có trên 80.000 con.
Theo tính toán gần đây của Công ty FrieslandCampina, chi phí sản xuất sữa tại khu vực đô thị tăng nhanh và cao so với vùng nông thôn, chẳng hạn hiện nay giá thành 1kg sữa ở khu vực đô thị là 8.255 đồng, còn ở vùng nông thôn là 5.880 đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí thức ăn và thú y.
Ông Nguyễn Phước Trung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, ở các tỉnh, người chăn nuôi tận dụng được thức ăn phụ phẩm như cây đậu, cây bắp nên giảm được chi phí. Còn đa phần các hộ nuôi bò sữa tại TP.HCM không chủ động được nguồn thức ăn mà phải mua tất tật từ cỏ tươi, hèm bia đến xác khoai mì.
Chi phí thức ăn tăng chóng mặt, như giá thức ăn tinh đã lên đến 148.000 đồng/bao 25kg, hèm bia 1.100 đồng/kg, xác mì 900 đồng/kg, cỏ khô 500 - 600 đồng/kg… Thậm chí một số hộ nông dân còn thuê người vắt sữa với giá 400 đồng/kg, nên tính ra giá thành sản xuất 1kg sữa cao hơn các nơi khác khoảng 30%, còn lợi nhuận thấp hơn các tỉnh lân cận 70%. Nếu như ở nông thôn lợi nhuận đạt mức 3.706 đồng/kg sữa thì khu vực đô thị chỉ có 1.091 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Tủi - Phó ban Kinh tế, Hội Nông dân TP.HCM, giá thành sản xuất ở mức 8.500 – 9.000 đồng/kg sữa, nên nông dân chưa thật sự có lãi. Chỉ những hộ nuôi trên 10 con mới có lãi chút ít, khoảng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg sữa, còn những hộ nuôi từ 5 đến dưới 10 con (chiếm trên 1.500 hộ) thì hòa vốn, dưới 5 con thì lỗ.
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, 80.000 con bò sữa hiện nay là quá nhiều vì đất nông nghiệp của TP.HCM đang bị thu hẹp nhanh chóng do đô thị hóa. Do đó, trong quy hoạch của Sở NN&PTNT TP.HCM sẽ giảm dần đàn bò sữa xuống 75.000 con vào năm 2020 và 70.000 con vào năm 2025.
Hiện đang có sự dịch chuyển dần đàn bò sữa ra các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Tây Ninh… Theo ông Nguyễn Phước Trung, giảm đàn là nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong trồng cỏ và vắt sữa để nâng cao chất lượng, sản lượng của đàn bò hơn là phát triển mạnh về số lượng.
Trước một số bất lợi mà người nuôi bò sữa tại TP.HCM đang gặp phải, ông Lưu Văn Tân - Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa FrieslandCampina đưa ra giải pháp: Tận dụng hiệu quả đất trồng cỏ. Nếu chi phí quá đắt cho đất đai thì không nên nuôi bò. Phải có được giống bò thật tốt, điều kiện chuồng trại, quản lý sinh sản tốt, phải kiểm soát được chi phí đầu vào, mua phụ phế phẩm với giá tốt nhất, chăn nuôi bò với năng suất sinh sản tốt nhất.
Cargill VN hỗ trợ nạn nhân mưa lũ ở miền Trung
Công ty Cargill Việt Nam và Hội Cổ nhạc cho biết sẽ hỗ trợ trên 230 triệu đồng cứu trợ các gia đình nạn nhân bị thiệt hại nặng do đợt mưa lũ vừa qua tại các xã Bình Chương, Bình Trị, Bình Hải thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, chương trình Từ Thiện Cargill Cares sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ xây dựng trường học cho một số nơi thuộc các địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt lũ nói trên.
Trong số 230 triệu đồng dành cho chương trình, Cargill Việt Nam (khách hàng, nhà cung cấp và đội ngũ nhân viên) đóng góp 50%. Công tác cứu trợ tập trung vào nhu cầu khẩn thiết của các gia đình nạn nhân như tiền mặt để tu sửa lại nhà ở, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu... Giá trị mỗi phần quà hỗ trợ từ 542.000 đồng đến 3 triệu đồng.
T.L
Minh Phương