Mặc dù vậy, giới tài chính vẫn nhận định, cơ hội đầu tư cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng vẫn có tiềm năng bứt phá trong nửa cuối năm 2019, khi chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng của NHNN dự báo sẽ được “điều chỉnh linh hoạt” theo diễn biến thực tế của nền kinh tế.
Diễn biến giá cổ phiếu ngành ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 15/8
Cổ phiếu “vua” phân hóa mạnh
Kể từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã có sự phân hóa khá mạnh. Ở chiều tăng, có thể kể đến các mã như: VCB của Vietcombank, đã tăng gần 34% so với thời điểm đầu năm, lên 81.000 đồng/CP (giá chốt phiên 29/7). Hoặc, cũng tăng ấn tượng không kém là cổ phiếu EIB của Eximbank với mức tăng hơn 24%, từ mức giá khoảng 14.000 đồng/CP hồi đầu năm lên mức giá 18.300 đồng/CP (phiên giao dịch 19/7).
Không tăng mạnh như VCB và EIB, nhưng cổ phiếu TPB của TPBank, MBB của MBBank cũng tăng lần lượt 14% và 20% so với thời điểm đầu năm 2019.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cổ phiếu TCB của Techcombank đã giảm gần 20% về mức 20.550 đồng/CP ở thời điểm hiện tại. Tương tự, cổ phiếu HDB của HDBank giảm mạnh gần 10% về 25.850 đồng/CP (thị giá của các cổ phiếu đã được điều chỉnh - PV)…
Thực tế, từ đầu năm đến nay, chỉ một số mã như VCB, MBB, ACB... ghi nhận diễn biến tích cực và được giới đầu tư đánh giá cao do thị giá đang gần với định giá hợp lý từ các công ty chứng khoán. Ðây cũng là điều dễ hiểu vì những ngân hàng này phát triển khá tốt hoạt động cho vay bán lẻ và các hoạt động thu nhập ngoài lãi, có chất lượng tài sản tốt để hạn chế rủi ro khi nợ xấu tăng.
Việc nhiều mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá cũng được đánh giá là do “yếu tố thị trường chung”, do chia tách quá nhiều, nhưng không thể không kể đến yếu tố tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2019, khiến giới đầu tư giảm kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu “vua”.
Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế nhận định, cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khá mạnh thời gian qua, nên đây là cơ hội để đầu tư đón đầu, bởi 2 quý cuối năm là mùa kinh doanh cao điểm của ngành ngân hàng và lợi nhuận thường tăng mạnh trong thời gian này, nên cổ phiếu "vua" khả năng sẽ… "nổi sóng". Dù vậy, ông Tín cũng nhìn nhận, bức tranh ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa mạnh, đặc biệt là trước áp lực áp chuẩn quốc tế Basel II, cũng như quá trình xử lý nợ xấu của từng ngân hàng… |
Cụ thể, theo báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm từ nhóm phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể chỉ đạt 12 - 13%. Theo BSC, nguyên nhân mức tăng thấp chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (như bất động sản, thép,...) và dự báo nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc.
Trong khi đó, báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng chỉ dự phóng tín dụng tăng dưới 12,5%, so với mức hơn 13% năm 2018.
Chính vì tăng trưởng tín dụng dự báo giảm tốc nên mức lợi nhuận các nhà băng trong nửa cuối năm 2019 được dự báo có thể không tăng cao như cùng kỳ, trong đó tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) có thể giảm.
Kì vọng gì trong nửa cuối năm 2019?
Theo một số diễn biến trong những tháng đầu của nửa cuối năm 2019, động thái NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng, nhờ thành tích sớm đáp ứng được hệ số an toàn vốn mới (CAR) theo chuẩn Basel 2 trước thời hạn, là những tín hiệu tích cực để “tạo sóng” cho nhóm cổ phiếu ngân hàng. Có thể kể đến như, VPBank được nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 16% thay vì 12% như ban đầu; hay Techcombank, MBB và ACB cũng được nới hạn mức tín dụng từ 13% lên 17%.
Một loạt ngân hàng khác cũng đang đề nghị NHNN mở thêm hạn mức tăng trưởng, chẳng hạn như VIB đã đề nghị NHNN mở thêm hạn mức tăng trưởng 35% trên cơ sở là một trong 2 ngân hàng đầu tiên hoàn thành Basel II; hoặc OCB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 30% trong năm 2019…
Cổ phiếu Techcombank là một trong những mã ngân hàng giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm 2019 (Ảnh: Quốc Hải)
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, số lượng ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II sẽ không chỉ dừng lại ở 9 ngân hàng như hiện tại mà sẽ còn tiếp tục tăng. Điều này đồng nghĩa NHNN sẽ phải cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các nhà băng đó.
Đặc biệt, trong nhóm các ngân hàng được kỳ vọng sẽ được tăng tín dụng mạnh, phải kể đến 2 "ông lớn" Nhà nước là Vietcombank và BIDV khi 2 ngân hàng này mới đây đã tăng vốn điều lệ lớn, là cơ sở để NHNN… “không thể từ chối” nếu các nhà băng này đề xuất thêm hạn mức tăng trưởng.
Báo cáo phân tích chiến lược đầu tư của Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây nhận định, hoạt động ngành ngân hàng tiếp tục ổn định trong bối cảnh duy trì thắt chặt tiền tệ. Triển vọng 6 tháng cuối năm 2019, NIM chỉ tăng nhẹ ở một số ngân hàng; lợi suất tài sản được cải thiện nhờ cho vay bán lẻ tăng nhanh. Tuy vậy, theo VNDirect, lãi suất tiền gửi chịu áp lực tăng do cạnh tranh thu hút khách hàng gửi tiền gay gắt hơn, cũng như ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đặc biệt, VNDirect cảnh báo các khoản nợ xấu (NPLs) đang gia tăng ở nhiều ngân hàng cổ phần, với tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã tăng lên 2% tính đến cuối quý I/2019, từ mức 1,9% vào cuối năm 2018. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ cao nhất tại các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng… nên đây sẽ là cơ sở để nhà đầu tư chọn mã cổ phiếu “vua” phù hợp. |