Dân Việt

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận hàng loạt bất cập về "tàu 67"

Nguyên Linh (t/h) 15/08/2019 18:27 GMT+7
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định ngày 15/8 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thừa nhận hàng loạt bất cập trong chính sách đóng tàu theo Nghị định 67 (còn gọi là "tàu 67") và cho biết đến cuối năm nay sẽ tổ chức tổng kết Nghị định này để ban hành chủ trương mới.

Việc đóng tàu không đảm bảo chất lượng, lãnh phí, tốn kém

Báo PLTPHCM dẫn lời đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định). Theo đó ĐB Hạnh cho rằng, thời gian qua việc đóng tàu cho ngư dân không bảo đảm chất lượng, gây tốn kém, lãng phí. Bà chất vấn Bộ trưởng NNPTNT về nguyên nhân, có vi phạm pháp luật không và đề nghị bộ trưởng đánh giá hiệu quả của chính sách đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67/2014.

img

Đại biểu Lý Tuyết Hạnh.

Trả lời câu hỏi của ĐB Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: Nghị định 67/2014 của Chính phủ gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung hỗ trợ lãi suất tín dụng để phát triển đội tàu công suất lớn tham gia đánh bắt ở ngư trường xa, với kế hoạch ban đầu khoảng 2.228 chiếc.

Sau năm năm, toàn bộ các tỉnh duyên hải và ngư dân đã đăng ký 1.177 phương tiện tàu. Đến ngày 30-6-2019, chính thức đã có 1.032 tàu đưa vào hoạt động đánh bắt.

Quá trình tổ chức thực hiện, có 20 chiếc tàu của Bình Định xảy ra việc máy không đúng chủng loại, hỏng hóc từng bộ phận... Sau khi sự việc xảy ra, tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan tập trung vào cuộc. “Đến cuối năm 2017, toàn bộ 20 tàu hỏng đã được khắc phục xong và đi vào hoạt động” - ông thông tin.

img

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

Về xác định nguyên nhân, trách nhiệm, theo ông Cường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các công ty đóng tàu, đồng thời có sự liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, trong đó có Bộ NN&PTNT. 

“Về phía Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã tiến hành rà soát, xác định cơ quan trực tiếp liên quan đến việc này là trung tâm đăng kiểm của Bộ thuộc Tổng cục Thủy sản. Anh đăng kiểm gì lại để xảy ra tình trạng thế này” - ông Cường nói. 

Ông cũng cho hay Bộ NNPTNT đã tiến hành kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ trực tiếp liên quan. Cụ thể, tiến hành cảnh cáo, thu hồi ba thẻ đăng kiểm của ba cán bộ đăng kiểm của trung tâm (trực tiếp tham gia việc đăng kiểm), cảnh cáo giám đốc trung tâm đăng kiểm này, khiển trách phó giám đốc phụ trách ba cán bộ đăng kiểm trên.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đánh giá về việc thực hiện Nghị định 67, ông Cường cho rằng mặt tích cực đã góp phần tăng 20% lượng tàu đánh bắt xa bờ, giảm 13% lượng tàu khai thác gần bờ. Các chính sách hỗ trợ bảo hiểm ngư dân đánh bắt khơi xa thực hiện được nên giúp ngư dân phấn khởi…

img

Nợ xấu vay vốn đóng mới tàu 67 đang tăng cao ở Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ

Hàng loạt bất cập trong "siêu chính sách" về tàu 67

Tuy nhiên, thừa nhận những bất cập, tồn tại, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá giai đoạn qua chưa thực hiện được. Chẳng hạn, mới đầu tư được 83/125 cảng cá (đạt 66%), đầu tư 83/146 khu neo đậu, bằng 57% theo quy hoạch của Thủ tướng.

Cạnh đó, tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 (2011-2015) và giai đoạn 2 (2016-2020) chỉ được 7.249 tỉ đồng trên nhu cầu phê duyệt là 28.000 tỉ đồng dẫn tới các thiết chế hạ tầng cơ bản của nghề cá biển đến giờ này còn nhiều bất cập.

Ông Cường cũng chỉ ra những bất cập về mặt tín dụng theo Nghị định 67. Chẳng hạn, thực tiễn có những chủ tàu được nhận hỗ trợ đầu tư nhưng lý do khách quan họ không đi biển được nữa thì bế tắc không biết chuyển giao cho ai. 

“Nếu không giải quyết được dẫn đến nợ xấu sau này, lãng phí phương tiện đầu tư” - ông Cường nhận định.

Mặt khác, tín dụng đầu tư hỗ trợ 3%-6% tùy từng cấp độ tàu rải ra suốt một đời dự án 11 năm, dẫn đến nhiều ngư dân và chính quyền địa phương có ý kiến vì sao Chính phủ không có chính sách hỗ trợ một lần?...

Trước tình hình này, ông Cường cho biết tháng 2-1018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 thay thế những nội dung bất hợp lý của Nghị định 67. Hiện Bộ NNPTNT đang cùng địa phương rà soát, cuối năm nay sẽ tổng kết thi hành Nghị định 67 phục vụ cho định hướng chủ trương mới.

img

Nhiều tàu cá của Phú Yên phải nằm bờ vì quy định mới về độ dài thân tàu phải đạt trên 15 mét. Ảnh: Hùng Phiên.

Quy định tàu trên 15m để lấy "thẻ xanh" của EU

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 95.500 tàu các loại, xấp xỉ 1 triệu nhân lực hoạt động khai thác thủy sản. Thực tế này đặt ra 3 vấn đề là: Làm sao khai thác hiệu quả; vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền; ứng phó thiên tai.

Thực tế này đang đặt ra ba vấn đề. Một là, làm sao khai thác hiệu quả. Hai là, làm sao vừa hỗ trợ ngư dân khai thác hiệu quả, vừa tham gia bảo vệ biển. Ba là, nước ta nằm ở khu vực “rốn bão” trên khu vực Thái Bình Dương, nên công tác ứng phó với thiên tai phải thực hiện nhiều công việc.

Trong các công việc để ứng phó với thiên tai, Bộ trưởng tán thành với quan điểm của đại biểu cho rằng “cần quan tâm công tác tuyên truyền cho ngư dân”, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất. 

Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, 28 tỉnh duyên hải thường xuyên thực hiện tuyên truyền, bảo đảm đi khai thác an toàn, ứng phó với thiên tai. Do tăng cường tuyên truyền, nên trong 2 năm qua đã có trên 2 triệu phương tiện di dời, tổng số 9,5 triệu người được di dời, cơ bản bảo đảm an toàn. Bộ trưởng khẳng định, đây là kết quả chứng minh sự kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và các nghiệp đoàn trong thực hiện tuyên truyền.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tập trung tuyên truyền để đảm bảo hiệu quả khâu liên kết, thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Ví như ở Khánh Hòa và một số tỉnh đang có nhiều mô hình liên kết bạn tàu, hỗ trợ lẫn nhau, ngư dân cùng với doanh nghiệp liên kết khai thác, tiêu thụ sản phẩm.

Về trang thiết bị, thực hiện quy định của Luật Thủy sản, Bộ trưởng cho biết, với loại tàu trên 24 m đang triển khai lắp đặt máy hành trình giám sát; loại tàu từ 15 - 24m đang triển khai trang bị toàn bộ máy móc. Việc triển khai quy định của Luật Thủy sản do kinh tế biển nước ta có nhiều tiềm năng phát triển, song cũng có những khó khăn nhất định.

Đồng thời, chúng ta cũng đang quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp để sớm khắc phục được thẻ vàng, trở về trạng thái thẻ xanh.

Ngư dân vỡ nợ vì tàu vỏ thép

Vay tiền đóng tàu to để đánh bắt xa bờ, nhưng thu không đủ bù chi, nhiều ngư dân miền Trung nợ xấu hàng tỷ đồng, nguy cơ bị kiện.

Trở về từ vùng biển bắc Hoàng Sa sáng 12/8, ngư dân Hồ Văn Hoàn, 54 tuổi, trú xã Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) kiểm đếm chuyến này đánh được 50 tấn cá nục gai, thu gần 400 triệu, là chuyến biển hiếm hoi có chút lãi sau bốn tháng liên tục chỉ hòa và lỗ từ đầu năm 2019.

Năm 2016, thực hiện chủ trương đóng mới, nâng cấp tàu cá để vươn khơi bám biển theo nghị định 67, ông Hoàn được vay hơn 19 tỷ đồng từ ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Trị, lãi suất ưu đãi 1% mỗi năm, trả dần trong 16 năm.

Nhưng, năm đầu ra khơi trên "tàu 67", do chưa quen với thiết kế tàu vỏ sắt, ngư lưới cụ liên tục bị rách, ông phải tu bổ tàu, tinh chỉnh thiết kế mất cả tỷ đồng.

Đánh được cá hay không, ông Hoàn cũng phải trả công 15-20 người, mỗi người 4 triệu đồng cho chuyến đi 20 ngày; cộng tiền dầu, thức ăn, đá trữ đông... mỗi chuyến biển ông phải chi hơn 200 triệu đồng. "Nếu thu dưới 250 triệu đồng, chủ tàu cầm chắc lỗ vốn", ông Hoàn nói. Năm đó, ông trả nợ ngân hàng được 200 triệu đồng, trong khi khoản cam kết là 1,3 tỷ đồng cả lãi và gốc mỗi năm.

Năm 2018, tình hình đánh bắt hải sản khá hơn song ông Hoàn cũng chỉ trả tiếp được 850 triệu đồng; đến nay khoản nợ xấu cộng dồn là 1,9 tỷ đồng cả gốc và lãi quá hạn.

"Càng đi càng lỗ", thuyền trưởng Trần Việt Hùng, cùng tổ đội đánh bắt xa bờ với ông Hoàn than. Cập bờ đêm 11/8  sau chuyến biển hơn 15 ngày, ông Hùng thu về 280 triệu đồng. Các chuyến trước đó, tàu ông Hùng chỉ thu 150-170 triệu đồng, chưa đủ bù chi phí.

Ông nhẩm tính, chuyển từ tàu vỏ gỗ công suất 320 CV sang tàu vỏ thép 829 CV, chi phí lao động, ngư cụ tăng gấp rưỡi, nhiên liệu nhiều gấp ba, bảo trì ngư cụ tăng gấp đôi, bảo trì tàu tăng gấp 5 lần... Phần thu nhập tăng thêm dù gần gấp đôi so với trước nhưng đổ gần hết vào chi phí, lợi nhuận còn lại rất ít.

Vay 16,7 tỷ đồng từ khi hoạt động năm 2016 đến nay, ông chỉ trả ngân hàng được 700 triệu đồng, khoản nợ quá hạn là 2,1 tỷ đồng.

Tương tự, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương (50 tuổi) trú thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, nói năm đầu tiên đóng tàu mới nhà bà trả nợ được 1,5 tỷ đồng, nhưng hai năm nay chỉ trả được 400 triệu mỗi năm. Nợ quá hạn nhà bà là gần 1,9 tỷ đồng của khoản vay 14,4 tỷ đồng.

Tại Thừa Thiên Huế, ngư dân Trần Văn Chiến (52 tuổi, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bán con tàu gỗ 320 CV hành nghề lưới vây, vay 17 tỷ đồng để đầu tư vỏ sắt 822 CV.

Ngày mới nhận tàu, ông phấn khởi khi tàu được thiết kế đẹp, chắc chắn, có chỗ ăn ngủ rộng rãi cho thuyền viên và kỳ vọng sẽ nhanh chóng trả hết nợ. Tuy nhiên, sau ba năm, ông Chiến mới trả được gần 450 triệu đồng, số nợ quá hạn của ông là hơn 700 triệu đồng.

"Suốt một năm qua tôi không có tiền trả nợ. Hai tháng nay, tàu phải nằm bờ vì không thuê được lao động. Bây giờ ngân hàng về thu hồi lại tàu thì tôi cũng đành chịu", ông nói.

Cũng như ông Chiến, năm 2017, ngư dân La Văn Thoạn (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) vay hơn 7,8 tỷ đồng đóng tàu công suất 700 CV. Thu không đủ chi, một năm qua, tàu ông Thoạn nằm bờ, nợ quá hạn của ông là hơn 1,4 tỷ đồng.

Còn ông Phan Thu (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) từng là ngư dân điển hình tiên tiến của tỉnh với nghề câu mực khơi bằng tàu vỏ gỗ. Nhờ đó, năm 2014, ông Thu vượt qua hàng chục hồ sơ khác để được phê duyệt khoản vay hơn 10 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép, đánh lưới rê. 

Sau mấy chuyến biển, ông Thu nhận ra thiết kế con tàu có nhiều nhược điểm, không phù hợp với nghề lưới rê, cộng với giá cả hải sản xuống thấp nên càng ra khơi thì ông càng thua lỗ.

Đến tháng 6/2017, tàu của ông hỏng hộp số và phải nhờ tàu bạn lai dắt về Đà Nẵng sửa chữa. Sau đó, ông Thu để tàu nằm bờ. Từ chỗ là một thuyền trưởng nổi tiếng ở địa phương, để có tiền nuôi gia đình, ông Thu phải đi làm thuê trên tàu vỏ gỗ cho người khác. Gần đây, ông nghỉ việc rồi về nhà phụ giúp vợ buôn bán nhỏ qua ngày.

Theo ông Thu, trước nguy cơ bị ngân hàng kiện ra tòa, ông đã đến làm việc tại tổ hòa giải, trình bày nguyện vọng thanh lý con tàu để trả nợ. 

Cũng tham gia đóng tàu vỏ thép theo nghị định 67, năm 2016, ông Đỗ Văn Tiến (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) vay ngân hàng 15,2 tỷ đồng. 

Hai năm qua, tàu hành nghề lưới rê hỗn hợp công suất 850 CV của ông Tiến ra khơi 12 chuyến. "5 chuyến có lãi chút đỉnh, 5 chuyến lỗ và 2 chuyến hòa vốn", ông Tiến nói. Đầu năm 2018, ông Tiến để tàu nằm bờ vì không có tiền ứng trước 10 triệu đồng cho 15 lao động trên tàu.

Ở xã Duy Vinh, ngoài ông Tiến còn có ngư dân Trần Đậu, Phạm Hiên và Đỗ Văn Thành được vay vốn của BIDV chi nhánh Quảng Nam để đóng tàu vỏ thép. Nay mỗi chủ tàu đều có nợ xấu khoảng 14 tỷ đồng, trong đó 2 tàu nằm bờ, 2 tàu đánh bắt gần bờ nhưng không hiệu quả.

Ông Ngô Tấn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, tỉnh có 63 tàu đóng mới, trong đó 37 tàu vỏ thép, 24 tàu vỏ gỗ và 2 vỏ composite với tổng số tiền gần 730 tỷ đồng. Hiện các chủ tàu trên địa bàn đang nợ quá hạn số tiền 200 tỷ đồng.

Phó chủ tịch thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) Ngô Văn Đủ đề xuất ngân hàng thu hồi tàu của ông Thoạn và một số chủ tàu chậm trả nợ.

Với Quảng Trị, ngư dân được vay gần 437 tỷ đồng để đóng mới một tàu dịch vụ hậu cần, 24 tàu đánh bắt (17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ) và nâng cấp 93 tàu. Trong đó, riêng BIDV chi nhánh Quảng Trị cho vay trên 178 tỷ đồng để ngư dân đóng mới 11 tàu cá công suất lớn, nâng cấp 9 tàu.

"Trong 11 chủ tàu, chỉ một người trả nợ đúng hạn, 10 người là nợ xấu. Từ cuối tháng 6/2019, chúng tôi đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng, thông báo dự kiến khởi kiện 3 trong số 10 chủ tàu này", ông Dương Văn Hà, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Trị nói.

Theo VNEpress