Dân Việt

Sạch nhà, đẹp xóm làng

10/02/2012 08:49 GMT+7
(Dân Việt) - Gần 1 năm nay, cứ tuần 2 buổi, các thành viên tổ gom rác của xã Lạng Phong (Nho Quan, Ninh Bình) đẩy xe đi gom rác đưa về bãi tập kết để chở đi xử lý. Nhờ đó mà đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn trước.

Lạng Phong là xã thuần nông. Những năm gần đây do phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Song, đi cùng với đó là rác thải sản xuất, sinh hoạt cũng ngày một tăng.

img
Từ khi có tổ gom rác, đường làng, ngõ xóm xã Lạng Phong sạch bóng rác.

Thói quen gây ô nhiễm

Trước đây, xã Lạng Phong chưa có bãi rác cũng như tổ gom rác thải, cộng với thói quen "sạch nhà, bẩn ngõ", vứt rác bừa bãi của người dân khiến đường làng, ngõ xóm, kênh mương ngày càng ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà tác động không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi, do nguồn nước ô nhiễm rất dễ lan truyền dịch bệnh...

Bà Lê Thị Thơm (thôn Sào Hạ) cho hay, trước đây đường sá trong thôn, xã đủ các thứ rác, nhiều nhất là rác sinh hoạt, túi nylon. Hai bên đường cỏ mọc um tùm, phân trâu bò rơi vãi... nên rất mất mỹ quan và ô nhiễm. Kênh mương thì đen kịt do nước thải từ các hộ chăn nuôi lợn, làm nghề. Thôn, xã cũng đã nhiều lần họp bàn phương án giải bài toán ô nhiễm, nhưng do thiếu kinh phí nên sau đó đành "sống chung" với... ô nhiễm.

Tháng 5.2010, Trung tâm Môi trường nông thôn (T.Ư Hội NDVN) và Hội ND tỉnh Ninh Bình triển khai Dự án hỗ trợ cải thiện môi trường nông thôn tại xã Lạng Phong. Theo đó, xã được hỗ trợ 8 xe đẩy, dụng cụ thu gom rác và người dân được tập huấn kiến thức gom, phân loại rác thải. Dự án thực hiện thí điểm tại 8, trong đó thôn Sào Hạ và Trung Hạ được đầu tư 100%...

Thấy hay thì hưởng ứng

Ông Lê Xuân Chúc - Chủ tịch UBND xã Lạng Phong cho hay, triển khai dự án, xã đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 120 hội viên hiểu rõ hơn lợi ích của việc gìn giữ vệ sinh môi trường, đồng thời mỗi thôn chọn 2 người làm nhiệm vụ thu gom rác hàng tuần cho thôn.

Mỗi thành viên gom rác được hưởng 500.000 đồng/tháng; các hộ phải đóng góp phí vệ sinh hàng tháng theo khẩu. Hộ 2 người nộp 15.000 đồng, 3-4 người đóng 20.000 đồng/hộ, dưới 5- 6 người đóng 25.000 đồng/hộ và trên 6 người nộp 30.000 đồng/hộ. "Mới đầu cũng có vài hộ không đóng, nhờ chính quyền vận động, lại thấy đường làng sạch sẽ, kênh mương không còn ô nhiễm nữa nên rồi họ cũng hưởng ứng" - ông Chúc cho hay.

img Năm 2009, chúng tôi đã thực hiện thành công dự án này ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh… của tỉnh Ninh Bình. Đây là dự án mô hình, nếu hoạt động hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, nhân rộng. img

Thôn Trung Hạ có 85 hộ với 320 nhân khẩu, tuy lượng rác thải không nhiều, nhưng trước đây cũng chung cảnh nhếch nhác, ô nhiễm. Từ khi có tổ gom rác, thôn không còn cảnh rác, túi nylon bay khắp đường nữa. Bác Phan Thị Nết - thành viên tổ gom rác cho hay: "Thôn quy định cứ chiều thứ 2, thứ 6 là tổ đi gom rác. Lúc đầu cũng gặp khó khăn do nhiều người chưa có thói quen đổ rác ở nơi quy định và đúng giờ, nhưng nay cứ đến giờ hay nghe kẻng là họ đem rác ra đổ, nên chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn".

Chị Nguyễn Thị Liên - thành viên tổ góp rác thôn Sào Hạ cho biết, tháng đầu đi gom rác rất mệt, phần vì chưa quen, phần vì lượng rác lâu ngày tồn đọng, hơn nữa người dân vẫn chưa có thói quen đựng rác vào thùng mà vứt bừa bãi ở ngõ. "Hai chị em cật lực đẩy xe đi khắp các ngõ ngách để gom rác, tối về người mệt mỏi chẳng buồn ăn cơm nữa. Giờ đã đỡ hơn trước nhiều. Làm công việc này vất vả, thù lao chẳng đáng là bao, chúng tôi tham gia là vì muốn thôn, xã sạch đẹp hơn. Nếu vì tiền chắc chẳng ai chọn nghề này" - chị Liên bày tỏ.