Thất bại này không chỉ khép lại hành trình của U18 Việt Nam tại giải đấu khu vực, nó cũng khép lại chặng hành trình với đủ những cung bậc cảm xúc của một trong số những vị HLV được nhắc đến nhiều nhất những năm gần đây: HLV Hoàng Anh Tuấn.
“Người dũng cảm” làm cái nghề nguy hiểm
“Tôi là người chịu trách nhiệm cho thất bại”- đó cũng chính là câu nói được vị HLV người Khánh Hòa đã trả lời báo giới sau thất bại của U18 Việt Nam tại U18 Đông Nam Á cách đây 4 năm. Câu nói ngắn gọn, đanh thép và thể hiện đúng cái “thần”, cái “chất” của HLV Hoàng Anh Tuấn. Khi truyền thông và khán giả còn chưa kịp chấp nhận thất bại đáng trách của các cầu thủ trẻ Việt Nam trước U18 Thái Lan trong trận chung kết, HLV trưởng của U18 Việt Nam khi ấy đã nhanh chóng nhận hết trách nhiệm về mình. Một quyết định “dũng cảm” khi ông sẵn sàng làm “bia đỡ đạn” để các cầu thủ có thể sớm ổn định tinh thần và nỗ lực hơn trong tương lai.
HLV Hoàng Anh Tuấn.
HLV kì cựu Lê Thụy Hải từng chia sẻ: “Làm HLV ở đây thật đáng sợ”, không đáng sợ sao được, khi mà phía sau bàn phím, một người chỉ biết đọc báo mạng để xem kết quả trận đấu cũng có thể trở thành một HLV tài năng. Những câu hỏi “tại sao không cho cầu thủ này đá?” rồi “chắc phải có sự chi phối mới có tên cầu thủ X trong đội hình?” dần trở thành chuyện… bình thường của những người không có chuyên môn nhưng vẫn muốn làm thay việc của những người làm công tác huấn luyện.
Ông Tuấn “con” hiểu rằng, ở thời đại mạng xã hội phát triển chóng mặt như bây giờ, các cầu thủ rất dễ bị những lời lẽ không hay chi phối tâm lý. Vì lẽ đó, cho nên hết giải này đến giải khác, sau mỗi thất bại của các đội bóng ông dẫn dắt, vị thuyền trưởng người Khánh Hòa đều đứng ra, nhận trách nhiệm, nhận mọi lỗi lầm, để cầu thủ có thể sớm quên đi những thất bại và trở lại với tập luyện.
Nói HLV Hoàng Anh Tuấn là người “dũng cảm” là hoàn toàn đúng, nhưng nếu chỉ lấy việc ông “dũng cảm” chỉ vì đứng ra nhận hết trách nhiệm sau thất bại ra để nói ông “dũng cảm” thì chưa thật hợp lý. Suy cho cùng, những cầu thủ mới là người trực tiếp mang về những thắng lợi hay thất bại, và HLV chẳng thể nào “gánh” hết lỗi lầm cho cầu thủ mãi được. Bây giờ, hãy phân tích kĩ hơn một chút, chữ “dũng cảm”, trong từ điển Tiếng Việt, được định nghĩa là “có dũng khí, dám đương đầu với khó khăn nguy hiểm”.
Một cách không quá khắt khe, ta có thể coi từ “đáng sợ” trong lời phát biểu của HLV Lê Thụy Hải, đồng nghĩa với “nguy hiểm” trong định nghĩa trên. Và khi một người dám nhận một công việc “nguy hiểm” như nghề HLV, đặc biệt là đào tạo trẻ, chẳng phải đó là một tấm gương cho sự dũng cảm sao? Liệu có ai đủ dũng khí, tiếp tục dẫn dắt U18 Việt Nam sau thất bại trước U18 Thái Lan tại Lào năm 2015, để chính những con người ấy đi vào lịch sử một năm sau đó. Sau kì tích của U19 Việt Nam năm 2016, áp lực và kì vọng của người hâm mộ tăng lên rõ rệt, và HLV Hoàng Anh Tuấn, vẫn bằng cái tâm, và cái khí chất của mình, dẫn dắt lứa kế cận của U19 Việt Nam 2016.
Lứa cầu thủ sau đó của U19 Việt Nam, của những Nguyễn Hồng Sơn, Trần Hữu Thắng, Bùi Hoàng Việt Anh khó có thể bằng những Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng hay Đoàn Văn Hậu- những người tạo nên lịch sử một năm trước đó. Vậy mà, vẫn có một vị HLV, “dám” nhận lời dẫn dắt, vẫn “dám” nhận về mình trách nhiệm. Thất bại tại U18 Đông Nam Á năm nay có thể coi là viên gạch cuối cùng rơi ra ở bức tường đã có quá nhiều vết nứt. Bốn năm làm việc cùng các cầu thủ U18, U19 Việt Nam, bốn năm với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, bốn năm với bao thăng trầm biến cố, tất cả như thể đoạn thân bài mờ nhạt để dẫn đến một đoạn kết buồn.
Khi sự thừa nhận là điều xa xỉ
Ở Việt Nam hiện tại, HLV Hoàng Anh Tuấn có thể coi là vị HLV sở hữu nhiều bằng cấp và chứng chỉ nhất. Thậm chí ông Tuấn “con” đã có bằng FIFA Pro- điều kiện cần để có thể dẫn dắt bất cứ đội bóng nào trên thế giới. Về thành tích, có lẽ nhiều người vẫn sẽ nhắc đến vòng chung kết U23 Châu Á 2018, AFF Cup 2018 là hai giải đấu đáng nhớ và xuất sắc nhất của bóng đá nội những năm trở lại đây. Nhưng từ hai năm trước những kì tích ấy, bóng đá trẻ Việt Nam đã có một kì tích khác đáng chú ý không kém: lọt vào một vòng chung kết World Cup cho môn bóng đá 11 người. Khoảnh khắc quốc ca Việt Nam vang lên tại một trận đấu thuộc vòng chung kết World Cup, dù chỉ ở cấp độ U20, cũng là một kì tích thật sự.
Thế nhưng, khán giả đón nhận thành công ấy một cách hời hợt, không thật sự quan tâm tới giải đấu năm đó tại Hàn Quốc. Thậm chí, dù đã làm được điều và cho đến bây giờ, mới chỉ có mình ông làm được, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn bị đánh giá thấp, vẫn bị coi là “ăn may” nhờ các cầu thủ giỏi đến từ lò đào tạo HAGL, Viettel hay Hà Nội. May mắn luôn là một phần của bóng đá, nhưng nếu nói là “ăn may” để lọt vào một vòng chung kết bóng đá thế giới ở cấp độ trẻ, những người trong cuộc cũng đã phải vô cùng nỗ lực để đổi lại được điều “may mắn” ấy.
Khi hợp đồng với HLV Hoàng Anh Tuấn khép lại, VFF sẽ phải đau đầu tìm một vị thuyền trưởng mới cho U18 và U19 Việt Nam. Sức ép với tân HLV sẽ rất lớn, khi mà niềm tin của khán giả với bóng đá trẻ đã chạm đáy sau những thất bại liên tiếp. Đầu tiên, “người thầy mới” sẽ phải xốc lại tinh thần các cầu thủ, sau đó hướng tới vòng loại U19 Châu Á 2020 cũng như U19 Châu Á 2020 (và cả U19 Châu Á 2020 nếu vượt qua được vòng loại).
Một khối lượng công việc khổng lồ, và đòi hỏi một HLV phải đủ “cứng” để giúp các cầu thủ trẻ qua khó khăn này. Liệu ai sẽ là người được chọn? Liệu ai sẽ đủ “dũng cảm” để sẵn sàng đứng mũi chịu sào cho thành tích của toàn đội? Tất cả những điều đó, thời gian sẽ trả lời và mong rằng người hâm mộ hãy nhanh chóng quên đi những thất bại gần đây, đồng thời tin tưởng và ủng hộ đội tuyển cũng như HLV mới của đội- người sẽ nhận chức trong thời gian tới.
Ngày mai, hoặc nhiều ngày nữa, người hâm mộ sẽ quên đi những nỗi buồn ngày hôm nay. U18 Việt Nam rồi cũng sẽ có một HLV mới, sẽ đối đầu những thử thách mới, và thành tích HLV Hoàng Anh Tuấn đã tạo nên vẫn sẽ là dấu mốc để những người kế nhiệm cố gắng vượt qua. Ông đã vất vả nhiều rồi, có lẽ giờ là lúc để nghỉ ngơi và về bên gia đình, cảm ơn ông, người đàn ông không đi tìm sự công nhận.