Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường Nông sản cho biết hàng loạt mặt hàng nông sản của nước ta đều bị ảnh hưởng từ việc Trung Quốc thay đổi chính sách, siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch. Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc có thể còn siết chặt hơn nữa về nhập khẩu tiểu ngạch nông sản Việt.
“Sở dĩ Trung Quốc thay đổi chính sách, siết chặt nhập khẩu để đảm bảo an toàn và giám sát chặt chẽ những mối nguy về an toàn thực phẩm. Không chỉ các sản phẩm nông nghiệp, kể cả nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi cũng đang bị kiểm soát chặt chẽ. Trung Quốc chỉ nhập khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp đã đảm bảo giám sát về an toàn thực phẩm”, ông cho biết thêm.
Hiện, na Chi Lăng đang vào mùa thu hoạch giá giảm bằng một nửa năm ngoái. Mỗi kg na Chi Lăng chỉ có giá 30.000 – 35.000 đồng, trong khi đó năm ngoái giá na đầu mùa 50.000 – 60.000 đồng/kg. Theo Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển Nông Sản, na là chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Nên khi Trung Quốc siết chặt chính sách nhập khẩu, na là loại quả bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ông cho biết ước tính năm nay có đến 16.000 – 16.500 tấn na Chi Lăng thu hoạch được trong mùa này. Nguyên nhân giá giảm là na được trồng ở nhiều nơi trên cả nước, số lượng nhiều mà không xuất khẩu được.
Na Chi Lăng rớt giá thê thảm vì Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản Việt.
Không chỉ thế, thanh long – mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch cũng rơi vào tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu. Mấy ngày gần đây, khoảng 500 xe container chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc tại khu vực cửa khẩu đường bộ Kim Thành, thuộc Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Hàng trăm xe container bị ùn ứ sau khi chở thanh long từ Bình Thuận và các tỉnh phía Nam ra Lào Cai để làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nói về vấn đề này, ông Hòa cũng cho biết thanh long là sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên một ngày, nước bạn chỉ cho thông quan khoảng 200 – 250 xe mà ở nước ta vận chuyển lên đó quá nhiều, tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu mới xảy ra.
Hơn nữa, hiện tượng thương lái mang thanh long sang Trung Quốc bán còn nhiều bất cập. Đó là việc họ không thông qua ký kết hợp đồng dài hạn nào với doanh nghiệp nước bạn mà chủ yếu tự mang sang đó rồi bán. Vì thế, tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ bị ép giá và có thể bị trả về Việt Nam. Trong thời gian tới, doanh nghiệp trong nước cần hợp đồng và ký kết với Trung Quốc để tránh tình trạng này xảy ra.
Với chính sách siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch Trung Quốc, gạo cũng là mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng lớn. Dù đây là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch nhưng Trung Quốc chỉ nhập của 22 doanh nghiệp đã được kiểm tra, cấp phép. Còn lại, hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất gạo khác không được phép nhập khẩu sang nước này.
Bên cạnh đó, 160 doanh nghiệp tinh bột sắn và 10 doanh nghiệp sắn nát... được phép nhập khẩu sang nước bạn. Các mặt hàng này đều phải đảm bảo có bao bì, nguồn gốc, nhãn mác đầy đủ, tên doanh nghiệp trên bao bì trùng khớp với tên doanh nghiệp nằm trong danh sách hải quan Trung Quốc (được cập nhật thường xuyên trên mạng).
Không chỉ các sản phẩm trên, các sản phẩm nông sản Việt cũng bị ảnh hưởng từ chính sách nhập khẩu Trung Quốc thay đổi. Tháng 6, hàng nghìn tấn mực của ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi không xuất khẩu được. Hơn 1000 tấn cá nục thành phẩm ở Quảng Trị cũng trong tình trạng tồn kho, không xuất khẩu được.
Tại Lâm Đồng, sầu riêng giảm giá từ 60.000 – 70.000 đồng còn 1 nửa so với năm ngoái, người dân phải mang ra quốc lộ và gửi xe về các tỉnh, thành phố bán lẻ. Mít Thái cũng bị sụt giảm giá mạnh mẽ.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tháng 6/2019, ước kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 320 triệu USD, giảm 10% so với tháng 5/2019 và giảm 1,8% so với tháng 6/2018.
Trong tháng 5/2019, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 245 triệu USD, giảm 32,7% so với tháng 4/2019 và giảm 4% so với tháng 5/2018; Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Để giải quyết tình trạng bế tắc đầu ra của nông sản Việt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra các phương án cụ thể như sau:
Về mặt hàng hoa quả chưa chính ngạch, Bộ đã ra văn bản đề nghị sớm đánh giá rủi ro. Doanh nghiệp Việt phải thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường Trung Quốc mới có thể xuất khẩu tiếp tục sang nước bạn.
Về mặt hàng hải sản, các doanh nghiệp, địa phương nuôi trồng tôm, cua... đều phải tiến hành đăng ký với Tổng cục Thủy sản để cấp mã số vùng trồng và đưa đi kiểm tra các chỉ số... đảm bảo an toàn thực phẩm để bên phía Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm này.
Nhiều chủ hàng đã làm xong thủ tục phía Việt Nam từ 3-4 ngày trước vẫn chưa thể đưa hết hàng qua biên giới.