Dân Việt

"Mình ly dị đi anh..."

12/02/2012 07:09 GMT+7
Chỉ trong vòng một ngày mà tôi đã rơi từ đỉnh cao hạnh phúc đến vực sâu tuyệt vọng.

Sáng hôm đó, tôi xin nghỉ một ngày để đến bệnh viện. Chị bác sĩ quen sau khi khám xong đã tươi cười: “Chúc mừng em. Được 8 tuần rồi”. Tôi đã bật khóc trước niềm hạnh phúc tuyệt vời này vì sự chờ đợi đã quá lâu.

Tôi định gọi cho anh ngay nhưng rồi lại muốn dành riêng niềm vui cho riêng mình thêm chút nữa nên quyết định chờ đến chiều khi anh đi làm về. Tôi muốn trực tiếp nói với chồng và nhìn anh bộc lộ niềm hạnh phúc.

img

Nhưng điều đó không xảy ra bởi trong vòng 12 tiếng đồng hồ, mọi thứ đã có thể thay đổi.

Tôi tự hỏi, sao đến giờ mình mới nhận ra những điều khác thường trong mối quan hệ giữa chồng và cô bạn cũ? Mọi chuyện có thể đã bắt đầu từ lâu nhưng vì quá tin chồng, tin bạn nên tôi chẳng mảy may nghi ngờ.

Lần đầu tiên tôi gặp Yến là trong ngày cưới của mình, cách nay đã 6 năm. Lúc đó, Yến chẳng để lại ấn tượng gì bởi hôm ấy, ai cũng đẹp, cũng rực rỡ. Tôi chỉ nhớ, trước khi chào mọi người để sang bàn khác, chồng tôi đã dặn Yến: “Lúc nào vô Sài Gòn, nhớ ghé chơi với bọn anh”. Cô bạn của anh cũng ân cần: “Khi nào hai người ra Nha Trang cũng đừng quên ghé thăm chúng em đấy”.

Bẳng đi một thời gian, khi tôi gần như chẳng còn nhớ đến vợ chồng Yến thì họ xuất hiện. “Tụi em muốn mua một căn nhà trong này để mai mốt các cháu vào đây học có chỗ ở. Anh tìm giúp em được không?”- Yến nói với chồng tôi khi họ đi ăn cùng nhau chiều hôm ấy. Dĩ nhiên là anh rất nhiệt tình: “Nếu em không gấp thì để anh tìm từ từ mới có nhà vừa ý...”.

Từ hôm đó, anh hết đọc quảng cáo trên báo lại tìm thông tin trên mạng và cuối cùng cũng tìm được một căn nhà đúng như ý vợ chồng bạn.

Tựu trường năm đó, Minh Thúy, cô con gái đầu lòng của vợ chồng Yến chuyển vào Sài Gòn học lớp 10 ở một trường dân lập. Trước khi về lại Nha Trang, Yến dắt con tới gặp chúng tôi: “Cháu còn nhỏ, lần đầu xa nhà nên em rất lo. Nhờ anh chị thỉnh thoảng lui tới trông chừng cháu giúp em”. Tôi sốt sắng: “Yến cứ yên tâm. Bọn mình sẽ tới thăm cháu thường xuyên”.

Hai gia đình qua lại thân mật với nhau từ đó. Đến nỗi, Minh Thúy còn gọi tôi bằng mẹ. Có chuyện gì, nó cũng réo “mẹ Thanh ơi!...”. Nghe vậy, tôi cũng thấy vui và xem con bé như ruột thịt. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại ghé ngang xem nó ăn ở thế nào.

Hôm đó cũng vậy. Từ bệnh viện ra, chẳng biết làm gì với niềm vui đầy ắp trong lòng, tôi lang thang ra các cửa hiệu bán đồ cho mẹ và bé rồi ghé qua chỗ Minh Thúy. Con bé bắt tôi giảng cho mấy bài văn. Đúng lúc ấy thì có chuông gọi cửa. Thúy chạy ra và reo lên: “A, Ba vô! Ba vô, mẹ Thanh ơi...”.

An đi công tác và tranh thủ ghé thăm con. Vừa trông thấy cha, Thúy đã la lên: “Ba nhậu ở đâu mà mặt mày đỏ gay vậy? Con méc mẹ”. An cười, xoa đầu con: “Ba uống có một lon bia thôi mà. Họp xong, người ta chiêu đãi”. Con bé còn định nói nữa nhưng lúc ấy cô giáo dạy kèm vừa đến nên nó đành phải lên lầu học bài.

Còn lại một mình với An, bất giác tôi thấy bối rối bởi trước nay chưa bao giờ tôi gặp An một mình như vậy. “Em với Phan dạo này thế nào? Chừng nào có em bé?”. Tôi vui vẻ: “Dạ, cũng sắp có rồi anh ạ. Yến khỏe không anh?”.

Nghe nhắc tới vợ, An đứng dậy bước về phía chiếc tủ lạnh. Anh rót một ly nước đầy uống cạn rồi nói một câu chẳng ăn nhập vào đâu: “Cô ấy không yêu anh. Đến giờ, người cô ấy yêu vẫn là Phan”. Tôi há hốc nhìn người đàn ông trước mặt mình: “Anh nói gì... em không hiểu... Sao lại là chồng em?”.

... Vì họ đã từng yêu nhau; từng thề non, hẹn biển, hứa hẹn, đợi chờ... Nhưng rồi mọi thứ đã đổi thay khi Phan thi đậu đại học, còn Yến thì lại rớt. Người ở Sài Gòn, kẻ ở Nha Trang, những cánh thư thưa dần. Yến đau khổ khi nghĩ rằng Phan đã “có trăng quên đèn” và nung nấu trong lòng một mối hận. “Cô ấy thề sẽ lấy người đàn ông nào mình gặp đầu tiên khi bước ra khỏi nhà trong ngày hôm ấy. Và người đó là anh. Hồi trước anh cũng để ý Yến nhưng khi biết cô ấy với Phan, anh đã rút lui. Bây giờ gặp lại... Đúng là sự trớ trêu của số phận…”- giọng An nghèn nghẹn.

Câu chuyện của An như một khúc nhạc buồn. Anh nói, lúc đầu Yến còn giữ ý, nhưng sau này đã nói thẳng: “Tình yêu em đã trao hết cho một người... Anh biết rõ điều đó nên em mong anh bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta...”. An đã cố gắng làm mọi việc để chinh phục trái tim người đàn bà chung chăn gối với mình, nhưng anh đã thất bại. “Cách nay gần 1 năm, cô ấy bỗng quyết liệt đòi ly hôn và dọa tự tử nếu anh không đồng ý...”.

Giờ họ vẫn sống với nhau trong một mái nhà nhưng đó chỉ là một sự sắp đặt tạm thời để chờ cho các con đủ lớn. Điều khiến An đau khổ là hiện Yến đang có thai 6 tháng nhưng đứa con trong bụng nàng không phải của anh...

Tôi thấy như có ai đang thít chặt cổ họng mình đến không thở được. Tôi cũng sắp có con... Nhưng giờ đây, điều đó bỗng trở nên vô nghĩa, bởi người mà tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc ấy đã không cần đến nó nữa. Anh ta đã có con với người khác. Đó không chỉ là sự đau đớn mà còn là sự phỉ báng niềm tin và tình yêu của tôi.

Tôi không thể tiếp tục sống trong tù ngục của sự phản bội. “Mình ly dị đi anh”. Tôi đã báo với anh điều đó ngay trong buổi chiều định mệnh mà lẽ ra tôi phải báo cho anh tin vui về giọt máu trong bụng mình sau bao nhiêu vất vả, khó khăn mới có được.

Nhìn lá đơn ly hôn, Phan hiểu anh không còn con đường nào khác hơn là phải nói thật: “Đó chỉ là một tai nạn. Người anh yêu thương, chọn lựa chính là em. Đừng bỏ rơi anh trong lúc này…”.

Anh đã khóc và nói rất nhiều. Nhưng với tôi, dù đó là sự thật hay lại tiếp tục là câu chuyện dối lừa thì hạnh phúc cũng đã đóng sập cửa. Và tôi chợt nhận ra rằng, người ta có thể phải mất rất nhiều tháng, nhiều năm để vun đắp nhưng chỉ trong vòng 1 ngày, có thể phá bỏ tất cả...

Liệu tôi có thể tha thứ để làm lại từ đầu khi niềm tin đã bị chính anh đánh cắp…

Theo Người lao động