Dân Việt

Hai phút phi công Nga cứu máy bay khỏi thảm họa

Vũ Anh 16/08/2019 21:00 GMT+7
6h10 ngày 15/8 chiếc Airbus A321 chở theo 233 người cất cánh từ Zhukovsky, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất Moskva, thì đàn hải âu bay ngang qua.

img

Máy bay A321 nằm trên cánh đồng ngô sau sự cố. Ảnh: Reuters.

Một số con hải âu bị hút vào động cơ, gây ra tiếng động lớn, theo video của một hành khách ngồi trên máy bay. Động cơ máy bay lập tức lịm đi, phi cơ bắt đầu rung lắc.

Đó là những gì diễn ra khi chiếc máy bay mang số hiệu U6-178 của hãng Ural Airlines chở theo 226 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn vừa rời đường băng. Theo kế hoạch, máy bay sẽ hạ cánh xuống Simferopol, trên bán đảo Crimea, vào 8h35, tức 2 tiếng 25 phút sau đó.

Trong khoang lái là cơ trưởng Damir Yusupov 41 tuổi và cơ phó Georgy Murzin 23 tuổi. Một số hành khách khác trên khoang kể rằng họ nghe rõ tiếng phi công tìm cách khởi động lại động cơ vài lần nhưng đều không thành công. Hút phải chim là ác mộng với bất cứ phi công lái máy bay chở khách nào, bởi lực va chạm mạnh từ những con chim khiến động cơ thường bị hư hại nghiêm trọng và mất lực đẩy nhanh chóng.

"Chúng tôi va phải đàn chim không lâu sau khi cất cánh, động cơ bên trái lập tức mất lực đẩy. Động cơ còn lại cũng bị hư hại và nhanh chóng ngừng hoạt động. Chúng tôi không có đủ lực đẩy và máy bay liên tục giảm độ cao", cơ phó Murzin nhớ lại.

Đây được coi là loại sự cố nguy hiểm bậc nhất đối với máy bay, bởi phi cơ lúc này vừa mới cất cánh, chưa đạt đủ độ cao và tốc độ cần thiết. Tình thế ngặt nghèo buộc Yusupov, người mới chỉ có khoảng 3.000 giờ bay và lấy bằng cơ trưởng năm ngoái, nắm quyền điều khiển máy bay để bắt đầu quy trình hạ cánh thủ công.

Yusupov ban đầu định lấy độ cao và vòng lại hạ cánh tại sân bay Zhukovsky theo quy trình xử lý tình huống khẩn cấp trên không. Tuy nhiên, anh nhanh chóng hủy phương án này khi nhận ra cả hai động cơ đều mất lực đẩy. "Tôi quyết định hạ cánh xuống khu vực ngay bên dưới", cơ trưởng chuyến bay nói.

Máy bay vừa cất cánh với lượng nhiên liệu rất lớn, trong khi chưa kịp lấy độ cao và tốc độ đủ để quay đầu về sân bay. Nếu phi công cố gắng làm theo cách này, rất có thể chiếc A321 sẽ lao xuống đất trước khi tới được đường băng, vỡ tan và gây ra đám cháy lớn, khiến toàn bộ những người trên máy bay thiệt mạng và gây thiệt hại lớn dưới mặt đất.

John Hansman, giáo sư ngành hàng không thuộc Viện công nghệ Massachusetts, khẳng định chiếc A321 khi đó không khác gì một chiếc tàu lượn khổng lồ và phi công chỉ có rất ít thời gian để giải quyết vấn đề. "Quyết định khó khăn nhất chính là chọn nơi hạ cánh. Với một tàu lượn, bạn phải nhanh chóng tính toán khu vực tiếp đất trong lúc độ cao và tốc độ giảm dần", Hansman cho hay.

Ngoài đường băng trong sân bay, cánh đồng ngô cũng là địa điểm cho phép hạ cánh an toàn bởi chúng thường có diện tích rộng, không có những vật cản nguy hiểm như cây cao hoặc các khối đá lớn. "Việc không có người thiệt mạng và bị thương nặng cho thấy tổ bay đã hành động chính xác", giáo sư Hansman đánh giá.

Yusupov quyết định thu càng đáp và cho máy bay tiếp đất bằng bụng để tránh nguy cơ bị lật nhào do càng đáp lún xuống đất hoặc gãy gập. Video do REN TVcông bố cho thấy toàn bộ chuyến bay chỉ kéo dài khoảng hai phút, trước khi máy bay trượt trên cánh đồng ngô và liên tục xóc nảy rồi dừng lại. Thang trượt khẩn cấp được triển khai để các hành khách lần lượt thoát ra ngoài an toàn.

"Đó là quyết định đúng đắn duy nhất với một chiếc máy bay nạp đầy nhiên liệu và hỏng cả hai động cơ, giúp hạn chế tối đa thương vong trong sự cố", giám đốc Rosaviatsiya nhận xét.

"Tôi đã cố hạ cánh êm hết mức với tốc độ tiếp đất thấp nhất có thể", Yusupov nói. Phần thân và cánh máy bay có thể gãy rời nếu tiếp đất quá mạnh, làm nhiên liệu bắn ra bên ngoài và bốc cháy dữ dội, khiến cơ hội sống sót của hành khách giảm xuống đáng kể.

Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được hiện trường, họ phát hiện động cơ bên phải máy bay đang bốc khói và lập tức phun nước để làm nguội động cơ, đề phòng nguy cơ cháy nổ, đồng thời tìm kiếm trong khoang để xem còn hành khách nào mắc kẹt hay không.

Hãng Ural Airlines hôm nay thông báo chiếc máy bay Airbus A321 trong sự cố sẽ bị loại khỏi biên chế do hư hỏng quá nặng, không thể khắc phục.

David Learmont, biên tập viên tạp chí Flight Global, cho biết các phi công đã làm rất tốt trong tình huống ngặt nghèo như vậy. "Nga có lịch sử về những phi công rất giỏi và đó là nghề mà người Nga rất tự hào", ông nói.

Truyền thông Nga gọi cú hạ cánh trên đồng ngô là "phép màu", so sánh với phi công Mỹ Chesley "Sully" Sullenberger, người đã đáp máy bay chở khách của hãng US Airways xuống sông Hudson năm 2009 sau khi đâm phải một đàn chim. Sullenberger được tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush vinh danh vì đã cứu sống tất cả 155 hành khách.

"Tổ lái đã thể hiện sự dũng cảm và chuyên nghiệp, xứng đáng được trao những phần thưởng cao nhất ở cấp quốc gia. Chiếc máy bay khi đó mang tới 16 tấn nhiên liệu, hãy tưởng tượng hậu quả nghiêm trọng đến thế nào nếu các phi công không đưa ra quyết định chính xác", giám đốc Cơ quan Hàng không Quốc gia Nga (Rosaviatsiya) Alexander Neradko hôm nay nói.