Dân Việt

BOT hầm Đèo Ngang thu phí vượt thời gian chưa nộp vào ngân sách, Bộ Công an vào cuộc

Minh Hiếu 17/08/2019 06:30 GMT+7
Vụ việc dự án BOT hầm Đèo Ngang do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư thu vượt thời gian, đến nay, số tiền thu vượt vẫn chưa được nộp hết vào Ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, liên quan tới vụ việc này, Tổng công ty Sông Đà đã báo cáo số liệu thu phí sai và Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã vào cuộc để tiến hành điều tra làm rõ.

Xác minh tội phạm

Để làm rõ những vấn đề liên quan tới hoạt động thu phí tại dự án BOT hầm Đèo Ngang, tháng 5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản số 1824/C46-P13 về việc thanh lý hợp đồng BOT dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tổng công ty Sông Đà.

img

Hầm đường bộ qua Đèo Ngang.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an xác minh tin báo tội phạm theo quyết định số 32/CSĐT(C44) về việc ký, thực hiện hợp đồng BOT dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang số 11/2002/BGTVT-KHĐT ngày 13/11/2002 giữa Bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà.

Để có cơ sở kết luận vụ việc, căn cứ Điều 5, 6 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà thanh lý hợp đồng nêu trên và gửi kết quả, các tài liệu liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46).

Mặc dù, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị thanh lý hợp đồng BOT số 11/2002/BGTVT-KHĐT nhưng Bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà không thực hiện thanh lý hợp đồng.

Đến ngày, 28/6/2018, Tổng công ty Sông Đà đã có văn bản số 381TCT/Kte-PC-TCKT đề nghị tiếp tục gia hạn thời gian quyết toán hợp đồng do hai bên chưa thống nhất mội số nội dung các khoản thu, chi.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng có văn bản số 7116/BGTVT-ĐTCT đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra chấp thuận lùi thời hạn quyết toán hợp đồng đến ngày 30/8/2018 do vướng mắc về hành lang pháp lý.

Đáng chú ý, đến ngày 30/8/2018 là hạn quyết toàn hợp đồng BOT hầm Đèo Ngang nhưng Bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà vẫn không thực hiện thanh lý hợp đồng theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Nhà đầu tư không nghiêm túc, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước

Để phục vụ công tác điều tra, đến ngày 7/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục gửi văn bản số 3087/C03-P14 về việc thanh lý hợp đồng BOT dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang gửi tới Bộ GTVT và Tổng Công ty Sông Đà với nội dung: Hiện đã quá thời hạn căn cứ Điều 5, 6 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT, Tổng Công ty Sông Đà khẩn trương thanh lý hợp đồng nêu trên và gửi kết quả, các tài liệu liên quan tới C03 – bộ Công an trước ngày 15/9/2018.

img

Trạm thu phí hầm Đèo Ngang.

Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: “Cơ quan CSĐT – Bộ Công an có đề nghị thanh lý hợp đồng BOT hầm Đèo Ngang nhưng vướng cơ chế nên chưa thể thanh lý hợp đồng. Hiện, Bộ GTVT và Tổng công ty đang đàm phán thoả thuận để thống nhất với nhau”.

Trong văn bản gửi tới Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, Bộ GTVT cho biết, đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (cơ quan nhà nước có thẩm quyền giai đoạn khai thác, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyết toán, thanh lý hợp đồng dự án) khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện quyết toán và thanh lý hợp đồng dự án...

Để giải quyết những vướng mắc trong quyết toán hợp đồng dự án, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án đã lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan. Đồng thời, đã tổ chức nhiều cuộc họp đàm phán.

Ngày 16/10/2018, Bộ GTVT đã họp với Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C03) – Bộ Công an, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã thống nhất định hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với dự án.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã tổ chức họp với Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để quyết toàn hợp đồng. Thế nhưng, Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không thống nhất một số nội dung theo kết luận tại cuộc họp và tiếp tục đề xuất các giải pháp khác không có cơ sở như:

Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; Cập nhật lãi suất vốn vay và thời gian lãi vay nhập gốc (giai đoạn xây dựng), thời gian trả lãi vay, gốc vay (giai đoạn khai thác); Về thời gian bắt đầu thu phí để tính toán phương án tài chính.

Ngoài ra, Nhà đầu tư còn đề nghị bổ sung chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư với mức lãi suất 4,8%/năm, mặc dù trong hợp đồng dự án đã ký không có bất cứ nội dung nào liên quan đến đề xuất nêu trên.

Bộ GTVT khẳng định: Việc quyết toán và thanh lý hợp đồng dự án theo tiến độ yêu cầu của Cơ quan CSĐT – Bộ Công an vẫn chưa hoàn thành do Nhà đầu tư đã không nghiêm túc thực hiện theo nội dung các bên đã thống nhất định hướng giải quyết tại cuộc họp ngày 16/10/2018. Đồng thời, đề xuất hướng giải khác không có cơ sở pháp lý, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc quyết toán và thanh lý hợp đồng dự án.

Để giải quyết vụ việc, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương quyết toán và thanh lý hợp đồng. Trong trường hợp Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không thống nhất, có thể xem xét xử lý theo hướng đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Dự án BOT hầm Đèo Ngang – Quốc lộ 1 nối tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình được Bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà ký hợp đồng BOT số 11/2002/GTVT-KHĐT ngày 13/11/2002. Tổng mức đầu tư là 150,021 tỷ đồng, quy mô 2 làn xe, thời gian hoàn vốn theo Hợp đồng BOT là 18 năm 5 tháng. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 10/2004.

Thời gian xây dựng theo hợp đồng BOT là 24 tháng, dự kiến khởi công vào tháng 11/2002, nhưng đến ngày 10/5/2003, dự án mới khởi công và hoàn thành vào ngày 8/10/2004. Thời gian hoạt động thu phí BOT Đèo Ngang từ ngày 1/11/2004 đến 31/3/2023.

Tuy nhiên, cuối năm 2016, Thanh tra Bộ GTVT công bố dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức hợp đồng BOT phải giảm thời gian thu phí 7 năm 10 tháng 4 ngày. Đến năm 2015 dự án đã hết hạn thu phí, nhưng đến ngày 30/11/2016 dự án mới tạm dừng thu phí (thu phí vượt thời gian gần 2 năm) số tiền dự án hầm Đèo Ngang thu vượt thời gian thu phí hoàn vốn là 88.361.971.000 đồng. Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Sông Đà nộp số tiền thu vượt vào ngân sách Nhà nước.