Dân Việt

Vì sao Thừa Thiên - Huế chưa thể trở thành thành phố Trung ương?

Trần Hòe 18/08/2019 15:35 GMT+7
Sau 10 năm, Thừa Thiên - Huế chưa thực hiện được mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

Ngày 18/8, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thực hiện theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019, hiện tỉnh đang phối hợp Ban Chỉ đạo 182-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị về việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương để trình Bộ Chính trị trong quý III năm 2019.  

Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020, với phương hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo…

img

Đô thị Huế nhìn từ trên cao. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48, đô thị Thừa Thiên - Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Cơ cấu kinh tế  chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tỉnh đã khai thác một số ngành có lợi thế, tạo giá trị gia tăng, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thừa Thiên - Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và thế giới. Cụ thể, đô thị Huế được công nhận là Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Xanh quốc gia, Thành phố văn hóa ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN. Kinh tế phát triển theo hướng xanh và bền vững, tăng trưởng bình quân cả thời kỳ (2009-2018) 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2009. Đã quy hoạch và phát triển đô thị Huế là đô thị loại I - đô thị trung tâm, hình thành các đô thị vệ tinh bao gồm 2 thị xã và các thị trấn…

Tuy nhiên, sau 10 năm, mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 vẫn chưa thực hiện được.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc tỉnh chưa thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là do nhiều nguyên nhân. Đó là: Xuất phát điểm của Thừa Thiên- Huế còn thấp, quy mô kinh tế nhỏ; chưa giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn đô thị di sản với khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá và phát triển sản xuất công nghiệp (thu ngân sách); hạn chế nguồn lực trong phát triển kết cấu hạ tầng và Chính phủ thắt chặt quản lý vốn đầu tư công; việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công của Trung ương cho phát triển cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội, trùng tu di tích, đầm phá… chỉ được lồng ghép qua các chương trình, dự án và chưa được ưu tiên bố trí đầu tư trực tiếp cho các dự án cụ thể theo Kết luận 48; thiếu sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương về cơ chế huy động nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân…

img

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế,  địa phương cần phải có cơ chế đặc thù riêng để trở thành “đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương". 

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, với diện tích hơn 5.000km2, dân số khoảng 1,2 triệu người, có 7 di sản thế giới, tỉnh được Bộ chính trị, Chính phủ định hướng phát triển là đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường. Vì vậy, việc đáp ứng các tiêu chí của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá đô thị loại I là không thể thực hiện được và cũng không phù hợp với đô thị đặc thù Thừa Thiên - Huế, cố đô duy nhất còn nguyên vẹn của Việt Nam.  

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển đô thị Huế theo định hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn, Thừa Thiên - Huế cần phải có cơ chế đặc thù riêng để trở thành Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, sẽ phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các di sản vật thể, phi vật thể và thiên nhiên mang nét đặc trưng của Việt Nam mà cố đô Huế đang bảo tồn và phát huy.

Liên quan đến việc tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện Kết luận 48, tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào chiều 17/8, lãnh đạo tỉnh đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ chế, chính sách riêng để công nhận Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước đề nghị của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tỉnh cần sớm tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 và đăng ký chương trình làm việc với Bộ Chính trị để có định hướng mới xây dựng phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế…