Già Làng Vừ Giống Lầu (bản Phiêng Ban) chia sẻ: “Trước kia, cuộc sống của bà con trong bản rất khó khăn, nhưng giờ bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đa số bà con trồng cây sa nhân và cây chè, cây cà phê, trồng ngô, lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm...”.
Nương trồng cây sa nhân của gia đình ông Sùng Gà Chống, bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai). Ảnh: Hồng Luận-Trường Sơn (Báo Sơn La).
Với sự thay đổi tư duy sản xuất, ngoài trồng cây sa nhân, người dân trong bản còn trồng cà phê, chè trên diện tích đất nương và chọn một số hộ trồng trước để làm mô hình điểm, sau đó nhân rộng trong bản. Hiện nay, toàn bản có 3ha cây cà phê, 4ha chè đã cho thu hoạch, năng suất đạt 8 tấn chè búp tươi/ha.
Không chỉ bán sản phẩm cho các thương lái trong huyện, bà con còn bán cho các cơ sở chế biến chè ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu với giá 7.000 đồng/kg chè búp tươi. Một số hộ còn đang trồng thử nghiệm hơn 1ha các loại cây ăn quả như: Xoài lai, mận hậu.
Nhờ sự nỗ lực, năng động trong cuộc chiến với đói nghèo, đời sống của người dân Phiêng Ban ngày càng khởi sắc, hiện 69/71 hộ có mức sống từ trung bình trở lên, thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/hộ/năm.
Sa nhân-cây thoát nghèo, làm giàu ở bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng.
Chị Thào Thị Dua (ở bản Phiêng Ban) chia sẻ: Trước đây bà con dân tộc Mông rất khó khăn vì không có đường đi, nhưng nhờ được Nhà nước hỗ trợ, xây dựng đường quốc lộ đi lại thuận tiện, người dân ở đây đã biết thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống khấm khá hơn.
Hiện nay, tất cả các tuyến đường nội bản ở nơi đây đều được bê tông hóa, mặt đường được tôn cao hơn nên luôn sạch sẽ.
Bí thư Chi bộ bản Phiêng Ban Vừ Nhỉa Súa thông tin: Thời gian tới, Chi bộ sẽ chỉ đạo, tuyên truyền cho bà con nhân dân và các đảng viên phát triển kinh tế, chủ yếu là cây ngô, lúa nương, sa nhân và phát triển cây ăn quả trên đất dốc.