Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh quochoi.vn).
Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số vấn đề còn có ý kiến khác của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được cho ý kiến. Đây là dự luật đã được kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Một trong những nội dung của dự thảo luật được dư luận quan tâm, đó là quy định tăng tuổi nghỉ hưu (nam từ 60 lên 62 tuổi, nữ từ 55 lên 60 tuổi). Trong quá trình thảo luận, trả lời phỏng vấn báo chí, đại diện Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự luật đã có những giải thích tại sao phải tăng tuổi nghỉ hưu. Đó là đáp ứng sự thiếu hụt của thị trường lao động trong tương lai; phù hợp công ước quốc tế về bình đẳng giới về độ tuổi nghỉ hưu; giúp tăng tính bền vững của xã hội…
Tuy nhiên ở góc độ ngược lại dư luận xã hội cũng như một số ý kiến trên mạng xã hội lại lo ngại việc tăng tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng tới việc làm của người trẻ đến tuổi lao động, đặc biệt lo ngại chuyện quan chức giữ ghế, người trẻ mất cơ hội; có luồng ý kiến còn cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu để những người đương chức hiện nay sẽ được ở lại thêm thời gian. Đã có những giải thích của đại biểu Quốc hội, người trong Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, nhưng dường như dư luận vẫn chưa hiểu đúng nên chưa hết băn khoăn, nghi ngại.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh về vấn đề này. Bà cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính đến các yếu tố như sức khoẻ của người lao động, khả năng làm việc của người lao động; thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội’ yếu tố văn hóa, truyền thống tâm lý xã hội phải đánh giá kỹ hơn.
“Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, phải thực hiện theo đúng tinh thần của Trung ương, đáp ứng cho yêu cầu dài hạn chứ không phải trước mắt. Trung ương cho chủ trương là nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu. Theo lộ trình đến năm 2035, cán bộ nữ mới được nghỉ hưu ở tuổi 60 tuổi, nghĩa là còn hơn 15 năm thì cán bộ nữ mới được làm việc đến 60 tuổi. Không phải chúng tôi làm luật này là tính ở lại”, Chủ tịch Quốc hội nói và khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Lao động trong đó có quy định tăng tuổi nghỉ hưu không phải cho những người đương chức kéo dài thời gian làm việc.
Khi Chủ tịch Quốc hội dùng cá nhân mình để khẳng định, điều đó cho thấy việc đưa ra quy định trên vì lâu dài, không phải vì vấn đề trước mắt hay có lợi ích nhóm, đồng thời xóa đi những nghi ngờ không có căn cứ. Tuy nhiên người đứng đầu Quốc hội vẫn lưu ý: Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu phải làm rõ ràng, có bước đi thận trọng, hợp lý, thuyết phục, cần thiết phải đánh giá tác động với từng loại công việc cụ thể, ví dụ lao động trong môi trường lao động bình thường, lao động nặng nhọc, lao động trong môi trường độc hại, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao… có sự khác nhau. Khi đánh giá như vậy việc báo cáo thuyết minh trình ra Quốc hội hay khi lấy ý kiến nhân dân, xin ý kiến các đối tượng thì người nghe sẽ hiểu và hiểu cách thấu đáo.
Khi những đối tượng bị điều chỉnh bởi luật đã hiểu một cách thấu đáo thì họ sẽ không còn nghi ngờ, không bị cuốn theo những quan điểm, luận điệu có tính chất xuyên tạc. Trong xây dựng chính sách, pháp luật những vấn đề mang tính nhạy cảm thường hay bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc dẫn tới sự hiểu làm của người dân, rồi sau đó kích động, chống phá và câu chuyện liên quan đến dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (hay gọi tắt là Luật về đặc khu – người dân bị kích động gây rối xảy ra hồi tháng 6/2018) là bài học đắt giá.