Sự khác biệt tựu trung lại ở 3 điểm chính sau đây:
Thứ nhất, ở trường hợp Triều Tiên thì không nhưng ở trường hợp Iran thì Mỹ quan ngại sâu sắc về kịch bản rất có thể xảy ra là Iran vươn lên trở thành cường quốc khu vực và giành vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo, tức là việc kiềm chế Iran càng ngày sẽ càng thêm khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều đối với Mỹ.
Thứ hai, Mỹ có nhiều đồng minh quân sự truyền thống và đối tác chiến lược ở khu vực xung quanh Iran - khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh - mà Mỹ vẫn phải căng ô bảo hộ an ninh. Mối bất hoà giữa các đồng minh và đối tác này của Mỹ với Iran cũng khác biệt cơ bản so với mối bất hoà giữa Nhật Bản và Hàn Quốc với Triều Tiên ở khu vực Đông Bắc Á. Mặt khác, ở khu vực lớn này, Iran không có được những đồng minh chiến lược khiến Mỹ phải dè chừng như Trung Quốc và Nga đối với Triều Tiên ở khu vực Đông Bắc Á.
Thứ ba, Mỹ và Iran đã đạt được thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) nhưng rồi Mỹ lại đơn phương lật ngược. Trong cuộc sống của con người cũng như trong quan hệ quốc tế, việc gây dựng lòng tin đã khó mà việc gây dựng lại lòng tin sau khi bất tín lại càng khó hơn gấp bội. Bởi thế, Mỹ và Iran bây giờ khó đạt được thoả thuận hơn rất nhiều so với khả năng Mỹ và Triều Tiên đạt được thoả thuận về giải pháp cho cùng vấn đề hạt nhân và tên lửa nói riêng cũng như về bình thường hoá quan hệ song phương nói chung.
Iran thua kém Mỹ về tiềm lực quân sự nên tránh chứ không chủ trương đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ ở khu vực cho dù luôn sẵn sàng sử dụng quân sự để đáp trả Mỹ khi bị Mỹ tấn công quân sự. Mỹ hơn hẳn Iran về tiềm lực quân sự nhưng cũng tránh chứ không chủ trương dùng quân sự để buộc Iran đáp ứng những yêu cầu và điều kiện của Mỹ cho dù luôn để ngỏ khả năng sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự trong quan hệ với Iran. Chính vì thế mà hai bên lâu nay chỉ đấu trí chứ không đấu sức.
Chiến lược của Mỹ đối với Iran bao gồm ba thành tố chính là gia tăng áp lực tối đa đối với Iran thông qua những biện pháp chính sách bao vây, cấm vận và trừng phạt Iran về kinh tế, thương mại và tài chính; tập hợp lực lượng ở trong cũng như ngoài khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh thành liên minh hoặc liên quân trên mọi phương diện để cùng nhau cô lập và đối phó Iran; và duy trì và gia tăng đe doạ tấn công quân sự vào Iran.
Mưu tính của Mỹ là gây khó khăn cho Iran đến mức đất nước này tự sụp đổ về kinh tế và khánh kiệt về tài chính để không thể tiếp tục chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân cũng như tiến hành chiến tranh ở bên ngoài hoặc đến mức người dân Iran tự đứng lên lật đổ chính thể hiện tại. Sử dụng biện pháp quân sự chỉ là cuối cùng hoặc bị bắt buộc. Ở đây, Mỹ chơi con bài thời gian trong suy tính và kỳ vọng là tình trạng hiện tại càng kéo dài thì Iran càng thêm khó khăn, nội bộ trở nên cang thêm bị phân hoá, chính quyền càng bị mất lòng dân.
Chiến lược của Iran bao gồm 4 thành tố chính là vô hiệu hoá những biện pháp trừng phạt của Mỹ; phân hoá Mỹ với các đồng minh quân sự và đối tác của Mỹ trong khu vực; sẵn sàng đáp trả Mỹ bằng quân sự ở vùng Vịnh; và sử dụng chương trình hạt nhân và tên lửa làm con chủ bài chiến lược.
Cả hai đều chờ xem bên nào có khả năng chịu trận được lâu và bên nào sẽ mắc phạm sai lầm trước, phải nhượng bộ trước.
Cho nên cuộc đấu giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh thì ít mà ở trên các lĩnh vực khác, phương diện khác và nơi khác mới nhiều. Nó được quyết định không phải ở vùng Vịnh mà ở nơi khác. Ở khu vực Đông Bắc Á, đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên đóng vai trò then chốt và quyết định. Ở vùng Vịnh sẽ rất khó có được tiến trình đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Iran, đơn giản bởi Iran không còn có thể tin Mỹ sau khi Mỹ lật lọng với JCPOA. Vì thế ở đây sẽ chỉ có thể lại là một khuôn khổ diễn đàn đàm phán đa phương và thoả thuận đa phương. Nếu có được thoả thuận nào đó với Mỹ thì Iran càng cần có thêm nhiều bên tham gia để cột chặt và ràng buộc Mỹ vào cam kết đã ký kết.
Cuộc đấu trí này vì thế sẽ còn dai dẳng và gay cấn, nhưng ít bất ngờ và đột biến bởi việc cùng cài số lùi và cùng đi vào giảm căng thẳng hiện tại và cả trong thời gian tới nữa không dễ dàng gì đối với cả hai bên. Cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hoà hiện đều thiếu vắng cho việc hoà giải các mối bất hoà giữa Mỹ và Iran.