Dân Việt

Bộ ảnh Mai Phương Thúy: Chuyện bé xé ra to

11/02/2012 06:45 GMT+7
Dân Việt - Bộ ảnh của Mai Phương Thúy giống như một liều thuốc thử phản ứng của dư luận, để thấy ở Việt Nam hiện nay, nhìn nhận một vấn đề liên quan đến nghệ thuật quả là còn có nhiều điều đáng nói...

Rả rích suốt cả tuần nay là chuyện bộ ảnh áo dài khoe nét xuân thì của Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy. Giá đó là một người đẹp nào khác, không phải hoa hậu, giá đó là một chiếc váy tân thời, không phải chiếc áo dài, chuyện đã chẳng ầm ĩ lên tới mức câu trao đổi “bên lề” một quan chức Bộ VHTTDL ngay lập tức bị “thổi” lên trở thành quan điểm của Bộ “đồng ý tước danh hiệu của hoa hậu”.

img
Mai Phương Thúy trong bộ ảnh áo dài khoe nét xuân thì. Ảnh: Quốc Huy

Thật ra những bức ảnh của Mai Phương Thúy không dung tục đến nỗi làm “hoen ố” chiếc áo dài - biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam như một số người đang trầm trọng hóa vấn đề. Có chăng chút “gờn gợn” là khuôn mặt của cô trong những bức ảnh ấy chưa gợi nên được sự thanh thoát cần thiết, và điều này đã được giải thích trong lá thư “xin lỗi dư luận” của Thúy: ảnh chụp cách đây 4 năm, lúc ấy cô chưa đủ những trải nghiệm cần thiết.

So với những scandal động trời khác của một vài hoa hậu “chính ngạch” và một cô hoa hậu “ngoài luồng” khác, bộ ảnh của Thúy chưa đến mức “xấu xa đồi bại” để người ta phải đặt vấn đề tước danh hiệu của cô. Một số nhiếp ảnh gia còn lên tiếng bênh vực, nói rằng chụp được những bức ảnh ấy, người sáng tác và người mẫu đã phải rất kỳ công trong ánh sáng, để làm nổi lên được những đường cong mềm mại của người phụ nữ. Vậy thì đặt vấn đề “hoen ố”, dung tục ở đây có nên không khi người ta cứ cố tình suy diễn và đẩy vấn đề đi xa hơn bản chất của nó?

img
Một bức ảnh gây tranh cãi trong bộ ảnh áo dài của Mai Phương Thúy. Ảnh: Quốc Huy

Người phát ngôn của Bộ VHTTDL đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định, ý tưởng “Bộ VHTTDL đồng ý tước danh hiệu của Hoa hậu Mai Phương Thúy” không phải quan điểm của Bộ cũng như của cá nhân ông trong sự việc này. Khẳng định này có lẽ sẽ hợp lý hơn với vai trò và tầm vóc của các nhà quản lý văn hóa, bằng không, công chúng sẽ phải đặt dấu hỏi về những phản ứng gọi là để “định hướng dư luận” của họ trước một câu chuyện nho nhỏ, chưa nói tới những vấn đề lớn hơn.

Bộ ảnh của Mai Phương Thúy giống như một liều thuốc thử phản ứng của dư luận, để thấy ở Việt Nam hiện nay, nhìn nhận một vấn đề liên quan đến nghệ thuật quả là còn có nhiều điều đáng nói. Vẫn còn rất nhiều người thích “nâng quan điểm”, thích làm trầm trọng những câu chuyện có thể diễn đạt bằng những lời lẽ dễ nghe hơn. Và trên hết, với những người phản đối quyết liệt bộ ảnh “dung tục” này, nếu có thể, hãy thứ tha cho hoa hậu một lần, có phải chính họ cũng sẽ nhẹ lòng hơn hay không?