Dân Việt

Mòn mỏi chờ... tiêu chuẩn sữa học đường

Diệu Linh 21/08/2019 05:52 GMT+7
Sau 3 năm triển khai chương trình sữa học đường (SHĐ), đã có 15 địa phương thực hiện nhưng, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa thể đưa ra tiêu chuẩn cuối cùng cho SHĐ. Điều này đã khiến không ít phụ huynh hoang mang khi chỉ còn ít ngày nữa là vào năm học mới.

Tranh cãi về vi chất

Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, đại diện cho Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ công khai, minh bạch trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Theo ông Vinh, hiện nay vẫn còn có vấn đề chưa thống nhất được ý kiến của nhiều bên là “số lượng vi chất cần bổ sung trong sữa dành cho chương trình SHĐ”. “Có ý kiến đề nghị bổ sung 21 vi chất, có ý kiến đề nghị bổ sung 3 vi chất, khuyến khích thêm 18 vi chất khác. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng bổ sung bao nhiêu vi chất dinh dưỡng trong SHĐ” – ông Vinh nói.

img

 Trẻ mầm non được uống sữa học đường tại lớp mỗi ngày.(Ảnh: học sinh trường mần non tại Nghệ An được hướng dẫn sử dụng sũa học đường ). (ảnh: H.D)

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình SHĐ. Chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên cho đến nay, sau 3 năm có quyết định của Thủ tướng, dù đã có 15 địa phương triển khai chương trình SHĐ nhưng Bộ Y tế vẫn chưa thể đưa ra quyết định sẽ bổ sung bao nhiêu vi chất trong SHĐ.

Nhiều cha mẹ học sinh hoang mang khi không rõ con mình uống sữa nào thì đạt chuẩn, liệu sữa cho đến 15-17 loại vi chất có lợi hay có hại? Dư luận cũng đặt dấu hỏi về việc: “Tại sao Bộ Y tế lại chậm chễ ban hành Tiêu chuẩn SHĐ?”.

Về điều này, ông Vinh khẳng định, về dư luận cho rằng Bộ Y tế chậm chễ trong ban hành tiêu chuẩn SHĐ là không đúng. Vì ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng (ngày 8/7/2016), ngày 28/9/2016 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện chương trình SHĐ.

Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nhấn mạnh: Sản phẩm dùng trong chương trình SHĐ phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ NNPTNT. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm SHĐ phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

Như vậy, điều kiện tiên quyết của SHĐ phải là “sữa tươi” có bổ sung vi chất. Vấn đề đang khiến Bộ Y tế “đau đầu” là ra quyết định nên cho bao nhiêu vi chất vào SHĐ thì hợp lý nhất.

Tiếp tục xin ý kiến?

Tại Hà Nội, chương trình SHĐ đã triển khai từ 2/1/2019 với gần 90% học sinh mầm non và tiểu học tham gia. SHĐ tại Hà Nội là loại sữa được bổ sung 14 vi chất và có hạn sử dụng là 8 tháng. Năm học 2019-2020, các trường ở Hà Nội bắt đầu cho trẻ uống sữa từ ngày 6/9/2019 đến 29/5/2020. Dự kiến có khoảng 1,2 triệu trẻ thuộc diện được thụ hưởng từ chương trình SHĐ. 

Bổ sung 21 hay 3 vi chất, hay 10 đến 18 vi chất cần phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, ý kiến của doanh nghiệp, các nhà khoa học, làm sao để việc bổ sung các loại vi chất phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, đồng thời phải đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn, phù hợp quốc tế” 
Ông Nguyễn Đức Vinh

Theo anh Nguyễn Quang Huy (Cầu Giấy, Hà Nội), con trai của mình cũng đang tham gia chương trình SHĐ tại trường tiểu học. Tuy nhiên, SHĐ của con chị uống có hơn chục loại vi chất. “Tôi đọc nhiều thông tin nói rằng, các con đang uống “vi chất tổng hợp” chứ không phải sữa tươi. Điều này khiến tôi khá lo lắng vì con tôi ở thành phố, ăn uống đầy đủ, cân nặng của cháu cũng thừa so với tiêu chuẩn rồi. Liệu uống sữa nhiều vi chất thế liệu cháu có béo phì hay là việc thừa vi chất có ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu. Vì thế, tôi rất mong có tiêu chuẩn SHĐ chuẩn để các bậc cha mẹ yên tâm về chất lượng sữa, về sức khỏe của con” - anh Huy chia sẻ.

Về việc nên cho bao nhiêu vì chất dinh dưỡng vào SHĐ, ông Vinh chia sẻ, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa quyết định sẽ bổ sung bao nhiêu vi chất dinh dưỡng. Hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục xin ý kiến các nhà khoa học, doanh nghiệp, chưa thể đưa ra thời điểm ban hành.

“Bổ sung 21 hay 3 vi chất, hay 10 đến 18 vi chất cần phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, ý kiến của doanh nghiệp, các nhà khoa học, làm sao để việc bổ sung các loại vi chất phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, đồng thời phải đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn, phù hợp quốc tế” - ông Vinh cho biết.

Theo ông Vinh, trong quyết định của Thủ tướng nêu rõ không chỉ triển khai sữa học đường mà còn rất nhiều chương trình can thiệp khác tác động vào, đặc biệt vai trò của Bộ GDĐT trong việc giáo dục dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực, cùng với các chương trình khác kết hợp vào sẽ đáp ứng nhu cầu, cải thiện tình trạng thấp còi ở trẻ em.

Bộ Y tế sẽ làm công khai, minh bạch, lấy ý kiến của các nhà khoa học và cả các doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận cao nhất. Nếu như vẫn còn các ý kiến khác nhau (“chắc chắn sẽ có ý kiến khác nhau” - ông Vinh nhấn mạnh - PV), thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đứng ra quyết định. Tuy nhiên, dù cho vi chất gì thêm cũng phải  thực hiện chỉ tiêu trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ (đáp ứng thêm 30% nhu cầu sắt, vitamin D, canxi của trẻ đến năm 2020).

Một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực sữa, dinh dưỡng cho rằng, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho SHĐ là rất tốt. Tuy nhiên cũng không nên quy định cứng nhắc là bao nhiêu vi chất mà cho một khoảng “dao động” về số lượng vi chất để tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Vì ở mỗi một địa phương, hoàn cảnh kinh tế khác nhau thì nhu cầu về vi chất của trẻ cũng khác nhau. Ví dụ như trẻ ở miền núi sẽ thiếu canxi, thiếu dinh dưỡng; trẻ vùng biển thừa canxi vì ăn cá tôm cua nhiều; trẻ ở thành phố sẽ thừa nhiều vi chất mà thiếu canxi do lười vận động ngoài trời; trẻ nông thôn sẽ thiếu iốt, thiếu kẽm...