Đơn cử như Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang), hiện vấn đề tranh chấp đất đai ở đây vẫn còn phức tạp. Tiền thân là lâm trường Hoàng Hoa Thám, được thành lập từ năm 1963, Công ty nằm ở trung tâm vùng rừng trồng sản xuất gỗ công nghiệp với diện tích khoảng 50.000ha. Hiện nay, Công ty quản lý 2.341ha đất rừng trồng sản xuất, đã được đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính. Quá trình sắp xếp chuyển đổi công ty từ năm 2010 - 2016 đã bàn giao 1.076ha đất về địa phương.
Đến năm 2017 xác định giá trị doanh nghiệp, Công ty có 54,3 tỷ đồng, cơ bản là vốn tự có của Công ty; có gần 2.000ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, năng suất bình quân 20m3/ha/năm. Mặc dù đang trong quá trình sắp xếp chuyển đổi nhưng bình quân mỗi năm doanh thu bình quân 25 tỷ đồng, nộp ngân sách 2,5 tỷ đồng. Thu nhập người lao động 8 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn của Công ty TNHH hai thành viên Yên Thế. Ảnh: K.N
Đặc biệt, từ tháng 3/2016 đến hết năm 2017, công ty hoàn thành việc lập, trình và duyệt các phương án chuyển sang công ty TNHH hai thành viên, trong đó thành viên thứ hai là Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt ở xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), góp vốn 10 tỷ đồng, cũng là nhà đầu tư chế biến ván MDF.
Theo ông Phạm Tiến Vĩnh - Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Yên Thế, sau 6 tháng đi vào hoạt động theo cơ chế mới, năng suất, chất lượng hiệu quả kinh doanh vẫn được giữ vững ổn định và tiếp tục tăng trưởng...
Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay là phát sinh khiếu kiện đòi đất, chiếm đất công ty, gây khó khăn cho Công ty quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng. Thời gian sắp xếp chuyển đổi kéo dài, mất cơ hội đầu tư phát triển, phát sinh nhiều chi phí...
Tương tự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa (Tuyên Quang) đã được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp và công ty tham gia góp vốn để thành lập công ty TNHH hai thành viên nhưng đến nay chưa thực hiện chuyển đổi xong do quá trình thương thảo mất nhiều thời gian.
Từ thực tế của đơn vị, ông Vĩnh kiến nghị, cần xem xét hướng dẫn cụ thể đối với tình trạng chung về quản lý đất công ty lâm nghiệp hiện nay để làm rõ đối tượng nào là tranh chấp, đối tượng nào là lấn chiếm để làm cơ sở thống nhất chỉ đạo.
Theo ông Vĩnh, việc giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất nông, lâm trường đã có nhiều văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 30 của Bộ chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP... tuy nhiên qua mỗi lần sắp xếp chuyển đổi tình hình tranh chấp, lấn chiếm đất vẫn xảy ra phức tạp, làm chậm tiến độ và hiệu quả chuyển đổi. “Để khắc phục tình trạng tranh chấp lấn chiếm đất lâm trường đề nghị nên thành lập đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong giải quyết tranh chấp” - ông Vĩnh nói.