Những đầu lĩnh dùng vũ khí đôi được biết đến nhiều nhất của Thủy Hử
Ở hạng mục “Vũ khí đôi”, đa số các độc giả Thủy Hử sẽ ngay lập tức kể được 3 hảo hán nổi nhất là Song Tiên Hô Diên Chước (đôi roi sắt), Song Thương Tướng Đổng Bình (cặp thương) và Hắc Toàn Phong Lý Quỳ - chuyên gia đánh bộ với đôi bản phủ lăm lăm trên tay.
Những chuyên gia sử dụng vũ khi đôi đệ nhất Lương Sơn Bạc.
Hô Diên Chước, hậu duệ danh tướng Hô Diên Tán trước khi gia nhập Lương Sơn, ngồi ghế đầu lĩnh thứ 8, là 1 trong Ngũ Hổ tướng Lương Sơn từng trong một ngày, với đôi roi sắt, giao chiến với hàng loạt tướng tài của “Bến nước” như Tần Minh, Lâm Xung, Hoa Vinh, Hỗ Tam Nương và Tôn Lập mà không nao núng. Trận liên hoàn giáp mã của Hô Diên Chước từng khiến nghĩa quân Lương Sơn khốn đốn sau Tống Giang mời được Kim Sang Thủ Từ Ninh và dùng trận pháp câu liêm – khắc chế của Liên hoàn Giáp mã, mới đánh thắng được Hô diên Chước.
Đổng Bình, người quận Đảng, phủ Hà Đông, làm chức binh mã đô giám dưới trướng thái thú Đông Bình Trình Vạn Lý. Đổng Bình được Thi Nại Am miêu tả như là một nam nhân toàn mỹ, tinh thông võ nghệ, giỏi cầm kỳ thi họa. Họ Đổng thường ra trận với 2 cây thương và 2 lá cờ thêu câu đối “Anh hùng song thương tướng - Phong lưu vạn hộ hầu”. Đổng Bình trong trận giao chiến với nghĩa quân Lương Sơn, trúng mai phục, bị bắt sống. Sau họ Đổng quy hàng Tống Giang và giúp quân Lương Sơn nội ứng ngoại hợp lấy được thành Đông Bình.
Lý Quỳ, với đôi bản phủ (rìu sắt cán ngắn lưỡi dài) là hình ảnh quá quen thuộc với các độc giả Thủy Hử. Đôi bản phủ của Hắc Toàn Phong từng “tắm máu” biết bao người, từ đối thủ cường định đến ngay cả những thường dân vô tội bởi thói lạm sát của gã. Lý Quỳ cũng dùng phác đao tốt nhưng về cơ bản, đôi rìu sắt như là một vật bất ly thân, là hình ảnh biểu trưng của vị đầu lĩnh này.
Song Tiên Hô Diên Chước, Hắc Toàn Phong Lý Quỳ và Song Thương Tướng Đổng Bình.
Thang Long và Tôn Nhị Nương
Mẫn Dạ Xoa Tôn Nhị Nương, vẻ ngoài diêm dúa, tính tình như nam giới, nhưng võ nghệ cũng khá. Tôn Nhị Nương cùng chồng Trương Thanh mở quán rượu trá hình ở đồi Thập Tự, chuyên chuốc rượu có thuốc mê khách thương qua đường để cướp tài sản, xẻ thịt làm nhân bánh bao. Tôn Nhị Nương kết nghĩa với Võ Tòng sau nhập đảng với Lỗ Trí Thâm ở Nhị Long Sơn rồi cuối cùng gia nhập Lương Sơn.
Trong Thủy Hử, thi thoảng Thi Nại Am cũng tả chuyện Tôn Nhị Nương lâm trận, với đôi đoản đao trên tay. Dù vậy, nhiệm vụ chính của Tôn Nhị Nương, hạng 103, ở Lương Sơn là đầu lĩnh do thám. Và so với các nam nhân thao thập bát ban võ nghệ của “Bến nước” thì tài sử dụng song đoản đao của nàng cũng không có gì quá nổi trội.
Kim Tiền Báo Tử Thang Long xuất thân là thợ rèn, được truyền nghề từ cha mình. Thang Long tính mê cờ bạc, sau khi cha mất, chàng lưu lạc giang hồ, làm nghề thợ rèn kiếm ăn. Ở hồi 53, khi Công Tôn Thắng nhờ Lý Quỳ đi mua bánh chay, Lý Quỳ thấy bên đường ồn ào, có người đang múa chuỳ biểu diễn nên chạy vào xem. Thấy Thang Long cầm hai cây chuỳ sắt nặng chừng 30 cân múa rồi đánh trúng hòn đá vỡ nát, Lý Quỳ bèn sấn tới giật chuỳ.
Cặp đôi “song đoản đao” Tôn Nhị Nương và “Song chùy” Thang Long.
Thang Long nổi giận nói rằng nếu Lý Quỳ không múa chuỳ được như ông thì sẽ giáng cho vài đấm vì dám phá đám. Lý Quỳ đồng ý và cầm chuỳ múa lên múa xuống rất điệu nghệ, "tựa hồ như tung đạn tròn, hồi lâu mới đặt xuống, mà tinh thần không có vẻ gì mệt mỏi". Thang Long từ giận dữ chuyển sang thán phục, kết nghĩa anh em với Lý Quỳ rồi cùng về nhập đảng Lương Sơn.
Thang Long chính là nhân vật trung tâm trong kế sách lừa Từ Ninh lên Lương Sơn qua đó đánh tan trận Liên Hoàn giáp mã thu phục Hô Diên Chước. Sau khi phân định ngôi thứ “Bến nước”, Thang Long xếp hạng 88, đầu lĩnh chuyên trách việc rèn quân khí.
Bất ngờ: Bệnh Uất Trì Tôn Lập
Tôn Lập, nguyên quán Quỳnh Châu, làm đề hạt ở phủ Đăng Châu, luyện võ từ nhỏ. Tôn Lập xuất hiện ở hồi 48 nhân chuyện vợ chồng em trai Tôn Tân – Cố Đại Tẩu cùng bọn Trâu Uyên – Trâu Nhuận, Nhạc Hòa giải cứu anh em họ Giải ở ngục Đăng Châu.
Tài năng võ nghệ của Tôn Lập, qua mô tả trực tiếp và cả gián tiếp của Thi Nại Am, có thể nói là đệ nhất trong Thủy Hử. Tôn Lập học cùng một thầy với Võ sư của Chúc Gia Trang Loan Đình Ngọc, người có năng lực không thua bất kì tướng tài đệ nhất nào của Lương Sơn. Tôn Lập được ví với võ tướng – khai quốc công thần nhà Đường Uất Trì Kính Đức, cũng phần nào đặc tả tài ba của chàng.
Cao thủ Tôn Lập, người ngoài tài nghệ đánh thiên còn dùng đôi roi sắt không kém Hô Diên Chước.
Tôn Lập không chỉ quyền cước bá đạo mà cưỡi ngựa cũng tài, bắn cung cũng giỏi. Họ Tôn ra trận thường sử dụng trường thương, nhưng đừng quên món vũ khí thứ hai của “Bệnh Uất Trì” – một đôi roi sắt – Hổ Nhãn Trúc Tiết Cang Tiệm. Tài sử dụng đôi roi sắt của Tôn Lập như thế nào, chúng ta hãy đến với lần chàng giao chiến với Song Tiên Hô Diên Chước ở hồi 54.
“Một bên Tôn Lập đội mũ sắt đôi sưng giao nhau quấn khăn lụa hồng ở trán, mình mặc áo bà ba đen, trăm hoa điển vẽ, vai khoác giáp vàng cưỡi ngựa Ô Truy, khiến đôi cương tiên dóng trúc mắt hổ, trông vẽ ăn đứt Uất Trì Cung. Một bên Hô Duyên Chước, đầu đội mũ sắt sừng thẳng lên trời, quấn khăn vàng ở trán, mình mặc áo đen, đốm vẽ thất tinh khoác áo khai giáp, cưỡi con ngựa Tích Tuyết Ô Truy khiến đôi cương tiên Thủy Bát Mã Lăng, tay tả nặng mười cân, tay hữu nặng mười ba cân, rõ ra dòng dõi quan Hô Diên Tán. Hai bên đánh nhau trước trận, kẻ tiến người lui, kẻ quanh người lại, trước sau tới ba mươi hiệp, chưa phân thắng thua được ra sao”.
Cái hay của Tôn Lập là ở chỗ, sở trường là thương nhưng khi đánh với Hô Diên Chước, chàng chơi rất đẹp khi dùng đôi roi sắt – chỉ là “Nhị nghệ tinh” của mình để giao chiến. Hay hơn nữa là, chàng dùng đôi “Hỗ Nhãn Trúc Tiết Cang Tiệm” vẫn đấu ngang cơ với “Song Tiên” tới 30 hiệp.
Tôn Lập dù tài năng võ nghệ thuộc đẳng cấp hàng đầu, lại lập rất nhiều công lớn cho Lương Sơn như cứu anh em Giải Trân – Giải Bảo, hạ Chúc Gia Trang, bắt sống Hắc Tư Văn góp phần thu phục Quan Thắng, nhưng chỉ được ngồi ghế thứ 39, chức Mã Quân Tiểu tướng (phó tướng cho Lâm Xung).
Sau khi nhận chiêu an, Tôn Lập cùng các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc tham gia các chiến dịch đánh Liêu, các lực lượng chống đối triều đình nhà Tống và chiến dịch bình Phương Lạp. Là một trong số ít các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc sống sót trở về từ chiến dịch bình Phương Lạp, Tôn Lập cùng với vợ chồng Tôn Tân và Cố Đại Tẩu quay về Đông Châu và sống suốt quãng đời còn lại tại đây.