Dân Việt

2 phút gay cấn đã cứu Mỹ thoát khỏi đòn tấn công hạt nhân của Nga như thế nào?

PV 25/08/2019 20:31 GMT+7
Các lực lượng hạt nhân Nga đã từng bị đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao trước một vụ phóng tên lửa của Mỹ.

img

Tổng thống Nga Boris Yeltsin từng ra lệnh mang chiếc vali hạt nhân tới văn phòng và yêu cầu cung cấp các mã hạt nhân cần thiết. Ảnh: Express

Ngày 25/1/1995, 4 năm sau khi Liên Xô chính thức sụp đổ, Mỹ và Nga đã suýt nữa rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân nóng khi một nhóm các nhà khoa học Na Uy và Mỹ phóng đi quả tên lửa 4 tầng Black Brank X11 từ Trung tâm vũ trụ Andoya ở Na Uy.

Mục đích của sứ mệnh trên là gửi các thiết bị khoa học lên vũ trụ để nghiên cứu Bắc cực quang (Northern Lights). Tên lửa đẩy bay trên một quỹ đạo kéo dài từ Bắc Dakota đến Moscow.

Khi tên lửa đẩy đạt tới độ cao 903 dặm, nó bị lầm tưởng là một quả tên lửa Trident phóng đi từ tàu ngầm Hải quân Mỹ khiến các lực lượng hạt nhân Nga phải đặt trong tình trạng báo động cao về một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Lúc tên lửa đẩy tăng tốc, nó đã bị phát hiện bởi một trạm radar cảnh báo sớm Olvianorsk ở Murmansk, phía Tây Bắc nước Nga.

Sau khi tách khỏi tầng đẩy, người Nga cho rằng vụ phóng tên lửa rất giống với loại mang đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu vì các nhà khoa học không nhận ra tên lửa phóng đang lao xuống hướng biển.

img

Mỹ và Nga đã suýt nữa rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân năm 1995

Ông Boris Yeltsin, Tổng thống Nga khi đó đã ra lệnh mang chiếc vali hạt nhân tới văn phòng và yêu cầu cung cấp các mã hạt nhân cần thiết. Các chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Nga được lệnh vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Phía Nga đã mất 8/10 phút theo dõi quỹ đạo bay của tên lửa đẩy để xác định xem có nên thực hiện đòn tấn công hạt nhân đáp trả sắp xảy ra hay không.

Tuy nhiên may mắn thay, khi chỉ còn đúng 2 phút để đưa ra quyết định, các nhà theo dõi phía Nga khẳng định quả tên lửa đã đi xa khỏi không phận nước Nga và đó không còn là một mối đe dọa.

Tên lửa đẩy rơi xuống Trái Đất như kế hoạch ở vị trí gần đảo Spitsbergen, 24 phút sau khi rời bệ phóng.

Thực tế, sự việc đáng nhẽ đã không diễn ra gay cấn như những gì chứng kiến ở trên.

Trước đó, các nhà khoa học Na Uy và Mỹ đã thông báo cho 30 quốc gia, gồm cả Nga, về kế hoạch thực hiện một thí nghiệm khoa học tầm cao. Mặc dù vậy, thông báo đã không được chuyển tới cho các kỹ thuật viên radar.

Sau sự cố này, các giao thức thông báo và công bố thông tin đã được đánh giá và thiết kế lại.