Dân Việt

Hé lộ nguồn gốc tên gọi Thiên long bát bộ

Quốc Tiệp 25/08/2019 16:31 GMT+7
Thiên long bát bộ là một tác phẩm đã trở nên quen thuộc với bạn đọc. Tuy nhiên, ngay cả những người yêu thích truyện Kim Dung nhất cũng không dễ lý giải ý nghĩa nhan đề của tác phẩm này.

Thiên long bát bộ là một bộ tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Tác phẩm bắt đầu được đăng trên tờ Minh báo ở Hong Kong và Nam Dương thương báo ở Singapore vào ngày 3/9/1963 đến ngày 27/5/1966, liên tục trong 4 năm.

Nội dung Thiên long bát bộ thấm đượm tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ, tiếng nói của Phật giáo trong tác phẩm vừa dịu dàng sâu lắng vừa thật hiển minh, quán xuyến từ đầu chí cuối tác phẩm.

img

Cảnh trong phim Thiên long bát bộ 2003.

Kim Dung đã chỉnh sửa truyện này 3 lần, lần gần nhất là vào năm 2009, Thiên long bát bộ xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa nhiều nhân vật đến từ nhiều nước khác nhau: Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc. Với tác phẩm này, Kim Dung muốn nói đến mối quan hệ nhân - quả giữa chính bản thân các nhân vật với gia đình, xã hội, dân tộc, đất nước.

Cuối năm 2004, nhà xuất bản Giáo dục nhân dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa tác phẩm Thiên long bát bộ vào sách giáo khoa lớp 12. Bộ Giáo dục Singapore cũng làm như vậy đối với các trường cấp 2, 3 sử dụng tiếng Trung Quốc. Thiên long bát bộ cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều lần bởi cả các nhà làm phim.

Tên gọi Thiên long bát bộ thật ra nguyên là một thuật ngữ bắt nguồn từ Phật giáo, thuộc về văn hóa Ấn Độ, sau khi truyền vào Trung thổ đã mang thêm nhiều biểu hiện văn hóa Trung Hoa.

Bát bộ ở đây là chỉ 8 loại quỷ thần: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu, La Già. Còn cách gọi “Thiên Long” nguyên là của người Hán, chỉ rồng trên trời. Bởi vì Thiên và Long chiếm hai vị trí đầu tiên trong đó, nên người ta lấy nó làm tên gọi chung Thiên long bát bộ. Theo cách nói trong Phật giáo, Thiên long bát bộ thường theo bên cạnh Phật Tổ, Bồ Tát, La Hán, hăng hái nghe các ngài thuyết pháp, cúng dường chư Phật và đứng bên cạnh che chở. Bởi vậy họ cũng được xem là một trong những hộ pháp của Phật giáo.

img

Bát bộ ở đây là chỉ 8 loại quỷ thần: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu, La Già. Ảnh tinhhoa.net

Căn cứ theo kinh phật được dịch sang Hán tự hiện có, cách nói “Thiên Long”, “Thiên long bát bộ” trong Phật giáo, từ sớm đã tồn tại vùng đất người Hán. Vào thời Đông Hán, trong “Kinh Nhân duyên nại nữ và kỳ vực” do tăng nhân An Thế Cao đến từ nước An Tức, Tây Vực phiên dịch, chính là nói đến Phật ở nước La Duyệt Chỉ, có hơn nghìn Tỳ kheo, Bồ Tát, Thiên long bát bộ cùng nhau tụ hội, nghe ngài thuyết giảng Phật Pháp.

Danh mục cụ thể của Thiên Long bát bộ cũng là thuận theo phiên dịch của kinh phật truyền vào Trung thổ vào thời Đông Hán. Liên quan đến chuyện này khá sớm là “Kinh Đại phương tiện phật báo ân”, ghi chép Thiên Long bát bộ gồm Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na Lan, Ma Hầu La Già. Danh mục liên quan đến Thiên Long bát bộ đời sau đều nhất trí về cơ bản.

Tám loại quỷ thần trong Thiên Long bát bộ có cả thiện và ác. Nói một cách cụ thể, tám loại quỷ thần này đều có xuất thân, bản lĩnh, tính cách và trạng thái riêng.

Thiên: là thiên thần (Deva), đứng đầu bởi Đế Thích. Thiên thần trong Phật giáo vẫn còn trong cõi sinh tử, có sống có chết, có tất cả mười hai thiên thần quan trọng nhất tượng trưng cho tám hướng và bốn tinh thể của vũ trụ: mặt trời, mặt trăng, bầu trời và mặt đất.

Long: là rồng (Naga) nhưng không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn, là chúa tể các loài trong nước. Kinh Phật kể rằng một con rắn tên là Mucilinda da cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão.

Dạ Xoa: (Yaksha) quỷ thần (thần ăn được quỷ), có thể tốt hoặc xấu. Dạ Xoa Bát Đại tướng có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh.

Càn Thát Bà: (Gandharva) nhạc thần thân thể tỏa mùi thơm, phục thị Đế Thích, không ăn thịt, không uống rượu.

A Tu La: (Asura) tuy có phước báo lớn nhưng hay ganh tị với chư Thiên nên thường đem quân gây chiến thường bị thua, rất đau khổ không được vui sướng mặc dù có thể giàu có nhưng bị tâm ganh ghét đố kị làm cho đau khổ.

Ca Lâu La: (Garuda) chim đại bàng cánh vàng đầu có một cái bướu to gọi là Như Ý Châu, tiếng kêu bi thảm, được người Trung Hoa bản địa hóa thành Đại Bàng Kim Sí Điểu. Ca Lâu La thích ăn rồng, khi chết chất độc xông lên cháy tiêu thành tro, chỉ còn một trái tim xanh biếc.

Khẩn Na La: (Kinnara) nhạc thần của Đế Thích, đầu có sừng, giỏi múa hát.

Ma Hầu La Gia: (Mahoràga) là thần rắn, mình người đầu rắn.