Công ty CP Hàng không Thiên Minh vừa gửi hồ sơ tới Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam xin thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.
Cụ thể, hãng Hàng không này sẽ được thành lập tại Cảng hàng không Chu Lai (huyện Núi Thành, Quảng Nam) trong thời gian 50 năm, kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực.
Tân binh hàng không Cánh Diều đề xuất đầu tư 30 máy bay tới năm 2024.
Về quy mô, Công ty CP Hàng không Thiên Minh (thành viên Thiên Minh Group) đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024. Trong đó, có 15 máy bay ATR 72 và 15 máy bay A320/A321 (hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương).
Kế hoạch phát triển của hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), trong năm đầu tiên hoạt động, công ty này sẽ đầu tư 6 máy bay ATR 72 và sẽ tăng gấp đôi ngay trong năm thứ 2.
Đến năm thứ 3, Thiên Minh dự kiến khai thác 15 tàu ATR 72 và 5 tàu bay A320/A321. Sau đó, trong các năm thứ 4 và thứ 5, mỗi năm công ty này sẽ đưa thêm 5 tàu bay A320/A321 hoặc tương đương vào khai thác.
Hãng Hàng không mới này (nếu được cấp phép) sẽ có 3 cổ đông. Trong đó ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỉ đồng (60% vốn) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc; Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh góp 300 tỉ đồng (30% vốn) và bà Trần Hằng Thu góp 100 tỉ đồng (10% vốn).
Việc Thiên Minh Group lập đề án mở ra hãng KiteAir đánh dấu sự nhộn nhịp của thị trường hàng không khi cùng lúc có nhiều doanh nghiệp tư nhân nhảy vào đầu tư lĩnh vực đầy hứa hẹn này. Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đề án thành lập 2 hãng hàng không Vinpearl Air và Vietravel Air.
Tập đoàn Thiên Minh (Thiên Minh Group) từng được biết đến với vai trò liên doanh cùng AirAsia thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 4/2019, AirAsia bất ngờ phát đi thông báo về việc chấm dứt sự hợp tác này. Nguyên nhân được cho là cả hai không tìm thấy tiếng nói chung trong các thỏa thuận.
Trong hệ thống của Thiên Minh Group cũng có Cty Cổ phần Hàng không Hải Âu hoạt động ở lĩnh vực vận tải hàng không dưới hình thức thủy phi cơ. Loại hình vận tải hàng không này giúp Thiên Minh trở thành cái tên nổi tiếng trong ngành du lịch, với tour tham quan Vịnh Hạ Long từ trên cao đầy hấp dẫn.
Công ty Hàng không Thiên Minh còn đăng ký một số lĩnh vực kinh doanh như: sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác); vận tải hàng hóa hàng không và đặc biệt là cho thuê máy bay.
Trong 10 năm gần đây, Tập đoàn Thiên Minh, được nhắc tới nhiều khi tham gia vào các thương vụ mua bán sáp nhập lớn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Năm 2011, Thiên Minh hoàn thành việc mua lại chuỗi 5 khách sạn Victoria tại Việt Nam và khai trương khách sạn Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào.
Trong năm 2011, Thiên Minh bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực hàng không, khi cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành thành lập Công ty cổ phần hàng không Hải Âu, cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi)… Hiện Thiên Minh là cổ đông đa số của Hải Âu sau thương vụ mua lại 89% cổ phần công ty này (trị giá 54 tỷ đồng) hồi năm 2013. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động và khai thác dịch vụ thuỷ phi cơ, Hải Âu vẫn lỗ.
Được biết, thị trường hàng không Việt Nam hiện đang có 5 cái tên bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways và VASCO. Bên cạnh đó, còn 2 hãng đang nộp hồ sơ xin bay là Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup và Vietravel Airlines của Công ty Vietravel. Như vậy, trong tương lai nếu KiteAir được chấp thuận đầu tư, thì Việt Nam sẽ có tới 8 hãng hàng không.