Trường học mong manh giữa dòng Chà Hạ
Men theo dòng sông Chà Hạ, từ ngã ba thủy điện Bản Vẽ thuộc địa bàn xã Yên Na rồi ngược vào trung tâm xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Tĩnh. Tại đây, PV chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang, đất đá, bùn sình... ngay tại ngôi trường có 260 học sinh đang chuẩn bị bước vào năm học mới 2019-2020.
Nước ngập nơi các lớp học. Ảnh: Cảnh Thắng
Thầy Nguyễn Sinh Thái - Phó Hiệu trưởng trường cho biết: Chưa bao giờ trường thường xuyên bị lũ ống, lũ quét khắc nghiệt như những năm gần đây. Đặc biệt là vào tháng 9/2018, trong đêm tối, trận lũ quét, đã cuốn trôi tất cả mọi đồ dùng học tập, sách vở của học sinh và giáo viên. Sau trận lũ, trường học ngổn ngang, xơ xác...các em học sinh buộc phải nghỉ học một thời gian để các thầy cô giáo dọn dẹp đổ nát.
“Do làm đường và hậu quả của việc khai thác vàng để lại nên dòng sông Chà Hạ bị thay đổi dòng chảy, khiến ngôi trường chúng tôi cứ mưa là ngập. Có những lúc các em đang học thì mưa xuống, nước từ thượng nguồn đổ về khiến ngập cả lớp, thầy cô giáo lại cho các em nghỉ học. Năm học vừa qua, do mưa lũ nhà trường cũng phải cho các em nghỉ học hơn 10 buổi, sau đó lại dạy thêm bù cho các em” - thầy Thái nói.
Dù chuẩn bị bước vào năm học mới nhưng Trường PT DTBT THCS Yên Tĩnh vẫn còn hỏng hóc. Ảnh: Cảnh Thắng
“Sắp bước vào năm học mới mà lớp, nhà bán trú và bếp ăn của học sinh cũng chưa thể sử dụng được. Đặc biệt, năm học mới này do ảnh hưởng của lũ quét, lũ ống thất thường nên lãnh đạo huyện và nhà trường không đồng ý cho các em ở bán trú vì sợ nguy hiểm cho tính mạng các em. Giờ không biết phải làm sao”, thầy Nguyễn Sinh Thái cho hay.
Em Moong Thị Quý, học sinh lớp 9A của trường chia sẻ: “Năm ngoái khi chúng em đang ngủ thì bất ngờ nước từ đâu kéo đến khiến cả nhà bán trú bị ngập trong biển nước. Trong đêm tối, chúng em được thầy cô giáo tập trung di chuyển đến nơi an toàn. Sáng mai về trường thì trường học, sách vở ngổn ngang bùn đất, gạch và bụi cây”.
Khu bán trú và bếp ăn tập thể của học sinh và thầy cô giáo không thể sử dụng được. Ảnh: Cảnh Thắng
Mong có trường mới
Thầy Thái cho biết, để đảm bảo việc học của các em, nhà trường đã gửi các em vào nhà dân xung quanh và giữ nguyên mọi chế độ. Nhiều nhà dân cũng thích có học sinh ở trong nhà sẽ thêm vui.
Như bà Vi Thị Hiền, sống ngay gần trường cũng đã cho em Moong Thị Quý ở trong nhà và theo học. Con bà Hiền đã đi làm nhường lại góc học tập cho em Quý.
Sau trường bị nét nẻ, bùn đất. Ảnh: Cảnh Thắng
Ông Vi Vũ Quang - Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh nói: “Lũ ống, lũ quét ảnh hưởng nhiều tới các em học sinh. Xã đã đề xuất xây dựng lại ngôi trường, chờ trên phê duyệt”.
“Chúng tôi vận động mỗi hộ dân nhận một cháu học sinh ăn, ở trong nhà không để các cháu phải thất học. Chúng tôi cũng thường xuyên tới từng nhà kiểm tra việc học của các em” - ông Quang nói.
Ngôi trường 260 học sinh đang theo học thường xuyên ngập nước. Ảnh: Cảnh Thắng
“Dự án xây trường mới bán trú Yên Tĩnh đã được UBND huyện trình tỉnh. Hy vọng sẽ sớm được chấp thuận, cấp vốn, khởi công để các em đỡ vất vả” - ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An). |