Phân tích về những nguyên nhân dẫn tới sự việc trên, Phó Chánh văn phòng Bộ Giao thông - Vận tải Uông Việt Dũng (ảnh) khẳng định: Ý thức, nhận biết về pháp luật của hàng khách còn kém.
Thưa ông! Ông đánh giá như thế nào về hành vi chửi bởi lăng mạ nhân viên hàng không?
- Hiện nay, ngành hàng không đang phát triển “nóng” kéo theo đó là phát sinh một số bất cập, tăng sức cạnh tranh, giá thành của vé máy bay cũng giảm xuống nhiều. Từ đó, người dân dễ dàng được sử dụng dịch vụ hàng không để di chuyển rất thuận lợi.
Như vậy, đối tượng sử dụng dịch vụ hàng không đã được mở rộng ra rất nhiều tới tất cả các thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, ý thức của hành khách về nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhiều đối tượng khách hàng khác nhau đều chưa có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định về an ninh an toàn của ngành hàng không.
Cụ thể, vụ việc nữ đại uý Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội Lê Thị Hiền có hành vi chửi bới, lăng mạ nhân viên hàng không là không thể chấp nhận được. Đặc biệt, bà Hiền lại là người nằm trong hàng ngũ công an nhân dân thì lại càng khó chấp nhận.
Tôi cho rằng, nguyên nhân có rất nhiều. Trong đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn, an ninh hàng không còn hạn chế, chưa có hệ thống thông tin cung cấp tới hành khách một cách đầy đủ chưa có tính kết nối. Đặc biệt, số lượng thông tin tuyên truyền còn ít, từ các cổng thông tin đại chúng, báo chí cũng như các cảng hàng không.
Hành khách check in tại Cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội).(ảnh: internet)
Phải chăng các quy định xử phạt vẫn còn nhẹ?
- Trước đây, trên vé máy bay bằng giấy, trên phong bì bọc vé đều có thông tin rất rõ quy định về của ngành hàng không, hành khách cần phải lưu ý. Tuy nhiên, khi chuyển sang vé điện tử cũng có các quy định nhưng người dân lại không chịu đọc các quy định này. Vì vậy, hành khách không nắm rõ được các quy định của hàng không, còn có tâm lý coi hàng không là hình thức vận tải như đi tàu, đi xe khách.
Thật đáng buồn là các vụ việc chửi bới lăng mạ nhân viên hàng không lại có dấu hiệu thuộc các đối tượng khách hàng là cán bộ công chức nhà nước, những doanh nhân, có thể là do họ chưa nắm rõ được nhưng quy định chặt chẽ tuyệt đối của hàng không, từ đó dẫn tới những hành động thiếu chuẩn mực.
Hiện nay, các quy định xử phạt hành chính phân ra nhiều cấp, đầu tiên xét theo xử phát ở hành vi nào đó, tiếp đến là phân ra hành vi ở mức độ nghiêm trọng để đưa ra các hình thức xử phạt hạn chế bay.
Trong quá trình sửa đổi nghị định về xử phạt hành chính các cơ quan chức năng, các nhà quản lý đang xem xét đánh giá nâng cao các mức xử phạt hành chính đối với hành vi gây rối chống đối khi tham gia dịch vụ bằng đường hàng không.
Đồng thời, nâng cao nghiệp vụ, quyền hạn của lực lượng an ninh hàng không. Hiện, các nước trên thế giới chỉ cần một biểu hiện nhỏ thôi, lực lượng đã có thể khống chế rồi, nhưng lực lượng an ninh của chúng ta về mặt tổ chức cũng chưa thực sự rõ nét, dẫn tới tình trạng phải chờ cấu thành hành vi tội phạm mới trấn áp.
Đình chỉ công tác 1 tháng đại úy Lê Thị Hiền Ngày 11/8, nữ Đại uý Công an quận Đống Đa (Hà Nội) Lê Thị Hiền đi cùng với 2 hành khách đến làm thủ tục chuyến bay VN248 đã chửi bới nhân viên Hãng hàng không Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất. |
Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng an ninh hàng không vẫn chưa làm đúng chức năng nhiệm vụ nên mới dẫn tới những vụ việc hành khách chửi bới nhân viên hàng không. Theo ông, quan điểm trên có đúng không?
- Hiện nay, lực lượng an ninh vẫn sử dụng biện pháp thuyết phục, nhưng đối với lĩnh vực an ninh hàng không điều này có nguy cơ xảy ra các bất cập như lăng mạ, đánh, hành hung nhân viên hàng không. Năm 2018, Ủy ban Quốc phòng an ninh hàng không cũng đã có chuyến đi giám sát về công tác an ninh hàng không và nhìn nhận rất rõ về chức năng của bộ phận an ninh hàng không.
Bộ phận an ninh hàng không hiện nay, thuộc về Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), do đó, chưa thực hiện được chức năng của nhà nước về an ninh, họ chỉ can thiệp, lập biên bản và phải gửi vụ việc sang cơ quan công an. Quyền hạn của an ninh sân bay còn hạn hẹp nên còn bất cập vì thẩm quyền của họ còn rất hạn chế, khi phát hiện hành vi gây rối chỉ có biện pháp ngăn chặn chứ thực sự có quyền để trấn áp ngay lập tức, kịp thời.
Đáng lẽ, họ phải có quyền trấn áp và đưa những đối tượng gây rối ra khỏi khu vực cảng để hoà giải nói chuyện tại một khu vực khác để không ảnh hưởng tới hoạt động của sân bay. Đây chính là vấn đề cần phải xem xét, các đơn vị đã có những kiến nghị và báo cáo về việc đảm bảo an ninh hàng không, nhưng cũng cần phải xem xét từ các luật của các bộ ngành.
Xin cảm ơn ông!