Đại úy Lê Thị Hiền, người vừa gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ không thể làm thủ tục bay ở bất cứ cảng hàng không nào trong lãnh thổ Việt Nam trong 12 tháng tới dù có mua vé của một hãng bay nước ngoài.
Nghị định 92/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không quy định Cục Hàng không Việt Nam là đơn vị ra quyết định cấm bay với hành khách. Quyết định này được áp dụng đối với các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của tất cả hãng hàng không.
Có thể bay ở nước ngoàiBà Lê Thị Hiền. Ảnh cắt từ clip.
Để đảm bảo hình phạt được thực thi nghiêm túc, Cục Hàng không yêu cầu tất cả hãng bay xuất phát từ Việt Nam không được vận chuyển bà Lê Thị Hiền.
Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ của hành khách để phát hiện, ngăn chặn kịp thời bà Lê Thị Hiền. Các cảng vụ hàng không phải thông báo đến công an, hải quan cửa khẩu hàng không và các hãng hàng không nước ngoài thuộc địa bàn quản lý để biết và thực hiện.
Tuy nhiên về nguyên tắc, bà Hiền vẫn có thể lên máy bay từ một cảng hàng không đặt ở nước ngoài.
Trường hợp này xảy ra khi bà Hiền rời khỏi Việt Nam bằng một loại hình phương tiện giao thông không phải máy bay.
"Hiệu lực của luật hành chính chỉ có trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Do đó hành khách bị cấm bay ở Việt Nam có thể bay ở nước ngoài", PGS.TS Ngô Huy Cương, chuyên gia nghiên cứu luật hàng không, nói.
Hàng trăm người bị cấm bay vì gây rối, giả giấy tờTrao đổi với Zing.vn, một cán bộ Cục Hàng không cho biết hình phạt cấm bay trở nên phổ biến từ khi Nghị định 92/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không được ban hành. Cục luôn có một "danh sách đen" các hành khách phải chịu hình phạt này.
Nam hành khách bị cấm bay 12 tháng vì hành hung nữ nhân viên VietJet tại cảng hàng không Thọ Xuân. Ảnh cắt từ clip.
"Đã có hàng trăm hành khách bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không vì vi phạm các quy định tại cảng. Con số hành khách đang phải chấp hành lệnh cấm bay cũng lên đến hàng chục người", vị này cho biết.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam đang nắm danh sách vài trăm cái tên bị Liên Hợp Quốc cấm vận chuyển bằng mọi phương tiện (travel ban), đây thường là các đối tượng khủng bố, tội phạm...
Trường hợp hành khách vẫn mua vé và cố tìm cách lên máy bay, nhà chức trách sân bay phải bằng mọi cách ngăn chặn, nếu vẫn để hành khách lên được máy bay là không làm tròn trách nhiệm. Cục Hàng không Việt Nam có biện pháp và cơ chế để phát hiện hành vi này.
"Trên thực tế đã có hành khách cố tình làm thủ tục bay nhưng bị 'bộ lọc' phát hiện. Người này không được thực hiện chuyến bay và cũng không được bồi thường tiền vé đã mua", cán bộ Cục Hàng không chia sẻ.
Trước bà Hiền, một cán bộ công an xã Quảng Tiến (Trảng Bom, Đồng Nai) từng bị cấm bay 12 tháng vào năm 2017. Ông này dùng chứng minh thư giả khi đi máy bay, bị phạt 7,5 triệu đồng nhưng trốn tránh không nộp phạt dẫn đến việc bị cấm bay.
Tháng 9/2018, một nam hành khách 24 tuổi, trú tại Bình Thuận bị nhà chức trách hàng không cấm bay 12 tháng do phát ngôn có bom trong hành lý ký gửi.
Gần đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 12 tháng với ông Lê Văn Hùng, người hành hung nhân viên sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào ngày 1/6.
Theo Nghị định 92//2015 của Chính phủ, hình phạt cấm bay được áp dụng với hành khách gây rối, không chấp hành quyết định xử phạt, phát ngôn mang tính đe dọa hoặc cố ý tung tin về về bom mìn... sử dụng giấy tờ giả hoặc có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại sân bay, trên máy bay. Nếu vi phạm lần đầu, hành khách bị cấm bay từ 3 đến 12 tháng. Thời hạn cấm bay tăng lên đến 2 năm nếu tái phạm hoặc có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Tiếp tục tái phạm sẽ bị cấm bay vĩnh viễn. Hình thức cấm bay vĩnh viễn cũng được áp dụng với hành vi chiếm đoạt, gây bạo loạn tại sân bay và cơ sở điều hành bay. |