3 tháng sau chiến tranh, người Mỹ bắt đầu chế tạo loại máy bay ném bom chuyên dụng mang tên B-52 Stratofortress. “Pháo đài bay chiến lược” B-52 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 15/4/1952. Chúng có chiều dài 48,5 m, sải cánh 56,4 m, chiều cao 12,4 m, trọng lượng cất cánh tối đa 220 tấn.
Máy bay ném bom chiến lược B-52, một trong bộ ba răn đe hạt nhân đáng sợ nhất của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ảnh: Wikipedia.
B-52 có khả năng mang tải trọng vũ khí đáng nể. Khoang bom có thể chứa 64 quả 225 kg, còn các giá treo dưới cánh mang theo 24 quả. Các thử nghiệm cho thấy, 90 quả bom rơi theo kiểu rải thảm để lại vệt có diện tích tới 2 km2. Giới quân sự Mỹ ước tính, B-52 chỉ mang số bom gấp 4 lần F-4 nhưng khả năng hủy diệt lớn hơn 20 lần.
Trong những năm giữa thập niên 60, chiến sự leo thang ở cả hai miền tại chiến trường Việt Nam. Giới sĩ quan chỉ huy Mỹ cần loại vũ khí có sức tàn phá lớn hơn các máy bay chiến thuật để hủy diệt những khu vực rộng lớn. B-52 là cỗ máy chiến tranh lý tưởng để đáp ứng yêu cầu của họ.
Ngoài tải trọng vũ khí ấn tượng, B-52 còn sở hữu lớp giáp điện tử rất lợi hại. Các máy bay chiến thuật chỉ mang một hoặc vài máy trinh sát và gây nhiễu. "Pháo đài bay" mang tới 15 loại máy như thế. Chúng hoạt động ở các dải tần từ 40MHz đến 10.500MHz.
Trong khi đó, radar cảnh giới P-12 của tổ hợp S-75 hoạt động với dải tần 147-161 Mhz, còn radar điều khiển hỏa lực SNR-75 làm việc ở dải tần 3.000 Mhz. Khi khí tài bị gây nhiễu, việc phát hiện, bám sát, điều khiển tên lửa tiêu diệt mục tiêu trở nên khó khăn đối với trắc thủ.
Giới quân sự Mỹ nghĩ rằng B-52 không chỉ là kho bom di động mà còn là cỗ máy gây nhiễu khổng lồ, đủ sức chế áp hệ thống phòng không do Liên Xô sản xuất. Các phi công lái "pháo đài bay" tuyên bố: “Kẻ thù chính của chúng tôi là thời tiết xấu”.
Vào hang bắt cọp
Xác B-52 ở hồ Hữu Tiệp tại Hà Nội, một bằng chứng cho thấy "Pháo đài bay bất khả xâm phạm" chỉ là khẩu hiệu hữu danh vô thực. Ảnh: Wikipedia.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, nói: “Năm 1965, máy bay B-52 vào thả bom ở Bến Cát, Sài Gòn, lúc đó Bác nói với Bộ Tư lệnh quân chủng gồm anh Phùng Thế Tài (lúc đó là Tư lệnh quân chủng) rằng việc Mỹ đánh phá miền bắc bằng B-52 chỉ là vấn đề thời gian. Vì thế các chú phải có kế hoạch để mà đối phó. Muốn bắt cọp ta phải vào hang”.
Ngày 12/4/1966, lần đầu tiên B-52 vượt vĩ tuyến 17 để ném bom đèo Mụ Giạ ở Quảng Bình. Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết tâm bắn hạ B-52. Tháng 6/1966, Trung đoàn tên lửa 238 hành quân vào Vĩnh Linh, Quảng Trị, nơi B-52 hoạt động thường xuyên. để nghiên cứu cách bắn.
Đường hành quân vào miền trung vô cùng gian nan. Bộ khí tài phục vụ chiến đấu khá cồng kềnh, trong khi máy bay Mỹ liên tục đánh phá nên tổn thất khá nặng. Sau quá trình hành quân hơn một năm, trung đoàn tới đất Vĩnh Linh. Toàn bộ khí tài còn sót lại chỉ đủ để phục vụ hai tiểu đoàn chiến đấu.
Mặt khác, điều kiện chiến đấu ở Vĩnh Linh cực kỳ khắc nghiệt. Ngoài các máy bay thường xuyên quần đảo trên bầu trời. Pháo binh đối phương từ bên kia vĩ tuyến 17 liên tục nã vào khu vực. Các tàu chiến thuộc Hạm đội 7 ở ngoài biển cũng đánh phá ác liệt.
Điều kiện chiến đấu vô cùng khó khăn, khí tài thiếu thốn, song cán bộ, chiến sĩ trung đoàn vẫn quyết tâm hạ B-52. Sau một thời gian nghiên cứu hoạt động gây nhiễu của B-52, các trắc thủ có thể nhận dạng mục tiêu trong mớ hỗn độn nhiễu mà chúng tạo ra.
Ngày 17/9/1967, trung đoàn 238 bố trí lực lượng đón lõng đội hình 3 phi cơ B-52 khi chúng ném bom khu vực Vĩnh Linh. Đơn vị phóng hai tên lửa khiến một máy bay rơi. "Rồng lửa S-75" đã đập tan danh hiệu “Pháo đài bay bất khả xâm phạm”, mở ra kỷ nguyên chiến thắng B-52 trên bầu trời miền bắc.