Theo thống kê từ VASEP, 7 tháng qua, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. - Ảnh: TTXVN
Thuế đồng loạt về 0%
Theo đó, mức thuế cuối cùng dành cho 2 bị đơn bắt buộc là Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) và Công ty CP Nha Trang Seafoods trong đợt rà soát này đều ở mức 0%.
Mức thuế suất riêng rẽ áp dụng cho các công ty còn lại không được chọn mẫu mà thỏa mãn điều kiện được hưởng thuế suất riêng rẽ (29 công ty) cũng ở mức 0%.
Ngoài ra, mức thuế toàn quốc được giữ nguyên so với các đợt rà soát trước đó là 25,76% do không có bên liên quan nào đề nghị rà soát lại mức thuế này. Đáng lưu ý, trong POR13, DOC sử dụng giá trị thay thế của Ấn Độ để xác định giá trị thông thường.
Hơn nữa, mức thuế cuối cùng nêu trên là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt khi tất cả các doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ cũng nhận được mức thuế suất 0%.
Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, đây là lần thứ 2 (sau POR7) DOC xác định các doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ không bán phá giá.
Mức thuế 0% đối với tôm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang có diễn biến phức tạp.
Hiện nay, DOC đã khởi xướng rà soát hành chính lần thứ 14 (POR14) và đang trong quá trình nhận bản trả lời câu hỏi.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vụ việc.
Tin vui chung với ngành tôm Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), với kết quả trên, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%, đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt Nam và là động lực tốt để các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, với mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu cho 31 doanh nghiệp, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Mỹ là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe. Do đó, tôm Việt Nam được ưa chuộng ở thị trường Mỹ sẽ là "bảo chứng" để dễ dàng tiến vào các thị trường khác.
Đại diện Fimex VN cho rằng, để thúc đẩy ngành tôm Việt Nam tăng trưởng, trước mắt lẫn dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh; đồng thời, phải xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt.
Theo đó, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ chế phẩm nuôi tôm, ngặn chặn từ gốc các nguồn thẩm lậu các hoá chất nuôi tôm không có tên trong danh mục cho phép. Sắp xếp lại vùng nuôi, tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn theo chuẩn nuôi quốc tế có chứng nhận. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tập trung điện, đường, thuỷ lợi.
Bên cạnh đó, VASEP vận động các thành viên tạo nên giá trị chuỗi con tôm biết chia sẻ lợi ích, cùng tồn tại. Cũng như, chú trọng hơn nữa chương trình gia hoá tôm bố mẹ có nhiều tính trội. Vận động các doanh nghiệp chế biến tôm từng bước xây dựng thương hiệu cho mình...
Theo thống kê từ VASEP, 7 tháng qua, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 7/2019, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 37,2% đạt 77 triệu USD. Nhờ đó, 7 tháng qua, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 327,4 triệu USD, tăng 5%.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang dần hồi phục do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Xuất khẩu tôm Việt Nam kỳ vọng đạt những kết quả tích cực hơn trong những tháng cuối năm.
Cũng theo VASEP, giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng, nhu cầu thị trường đã sôi động hơn là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng 7/2019./.