Dân Việt

Để lại 3 lời trăng trối, Lưu Bang giúp cơ nghiệp Đại Hán trụ vững 400 năm

PV 27/08/2019 18:31 GMT+7
3 câu di ngôn về việc nhìn người - dùng người của Hán Cao Tổ Lưu Bang đã giúp cho Đại Hán tránh được mối họa giang sơn đổi chủ và trụ vững tới hơn 4 thế kỷ.

Hán Cao Tổ (256 TCN - 195 TCN), húy Lưu Bang, được biết tới là vị Hoàng đế khai sáng cơ nghiệp hơn 400 năm của vương triều Đại Hán trong lịch sử Trung Hoa.

Năm xưa trong buổi đầu lập nghiệp, ông vốn chỉ giữ một chức Đình trưởng nhỏ bé. Thế nhưng vẻn vẹn không tới 10 năm, Lưu Bang đã liên kết với một vài thế lực khác để lật đổ nhà Tần, sau lại đánh bại Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, tới năm 202 TCN thì thành lập chính quyền nhà Tây Hán vào năm 52 tuổi.

Theo sử sách ghi lại, Lưu Bang khi còn trẻ không thích đọc sách, không chăm làm ruộng, thậm chí từng bị phụ thân mắng là kẻ "vô lại". Sau khi thành lập Hán triều, bản thân ông cũng từng nhiều lần nói với quần thần:

"Phàm là việc tính toán trong màn trướng mà quyết định sự thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Trương Lương; trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà; nắm trong tay trăm vạn quân, bách chiến bách thắng, tiến công là nhất định lấy, thì ta không bằng Hàn Tín […]".

Mặc dù xét về năng lực bày mưu tính kế, trị quốc, cầm quân, Lưu Bang từng thừa nhận bản thân không thể bì với "Hán sơ tam kiệt". Thế nhưng sở dĩ ông vẫn đường hoàng bước lên ngai vị cửu ngũ chí tôn, khai sáng cơ nghiệp của cả một vương triều, đều là nhờ vào một biệt tài mà không mấy ai sánh được. Đó chính là năng lực nhìn người sắc bén và tài năng dùng người chuẩn xác.

Cũng bởi vậy mà trước lúc qua đời, Lưu Bang từng để lại 3 lời trăn trối. Và cũng chính 3 câu di ngôn trên phương diện dùng người ấy đã giúp Đại Hán trụ vững tới hơn 4 thế kỷ.

Di ngôn thứ nhất: Nếu Tiêu Hà qua đời, bổ nhiệm Tào Tham làm Thừa tướng

img

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang lâm trọng bệnh ở tuổi 62. Điểm đáng nói nằm ở chỗ, căn bệnh mà ông mắc phải ngay tới các ngự y trong hoàng cung cũng đều bó tay.

Bấy giờ, Lữ hậu liền phái người mời tới một vị thần y từ trong dân gian vào cung chữa bệnh. Tuy nhiên Lưu Bang biết số mình sắp tận nên đã từ chối chữa trị.

Trước tình thế ấy, Lữ hậu cũng không còn cách nào, liền hỏi Hoàng đế:

"Sau khi bệ hạ trăm tuổi, nếu Tiêu tướng quốc (chỉ Tiêu Hà) qua đời, lấy ai làm người thay thế?".

Lưu Bang khi ấy chỉ nói ra hai chữ:

"Tào Tham".

Ý tứ của ông trong câu  di ngôn thứ nhất vô cùng rõ ràng: Một khi Tiêu Hà qua đời, người tiếp theo đảm đương chức vị Thừa tướng phải là Tào Tham.

Tào Tham (? – 190 TCN), tự Kính Bá, người huyện Bái, là khai quốc công thần nhà Hán theo Lưu Bang từ thuở mới lập nghiệp, từng tham gia rất nhiều trận đánh và lập được không ít đại công.

Đối với năng lực của vị công thần này, Lưu Bang từ sớm đã tỏ ra hết sức tin tưởng. Sau khi kết thúc chiến tranh Hán – Sở, ông từng chỉ định Tào Tham làm tướng quốc nước Tề để phò trợ Tề vương Lưu Phì dựng nước.

Nước Tề vốn là một nước lớn, dân chúng đông đúc, lại từng phải trải qua nhiều năm chiến tranh. Dụng ý của Hán Cao Tổ chính là muốn Tào Tham ở lại dùng sức mạnh quân sự để ổn định tình hình. Tuy nhiên Tào Tham sau đó thậm chí không cần dùng tới vũ lực mà vẫn có thể làm cho Tề quốc an định.

Sau này khi Tiêu Hà qua đời, triều đình nhà Hán đã làm theo di chiếu của Cao Tổ năm xưa, để Tào Tham nhậm chức Thừa tướng. Vị quan ấy quả nhiên không phụ lòng tín nhiệm của quân chủ, trong vòng 3 năm đương chức vẫn duy trì các chính sách mà Tiêu Hà từng đặt nền móng, nhờ vậy mà đại cục của Hán triều luôn được thu xếp vô cùng ổn thỏa.

Di ngôn thứ hai: Sau khi Tào Tham qua đời, Vương Lăng và Trần Bình cùng làm Thừa tướng.

img

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Năm xưa sau câu di ngôn thứ nhất chỉ định Tào Tham làm Thừa tướng, Lưu Bang còn căn dặn Lữ hậu và quần thần thêm rằng:

"Sau khi Tào Tham qua đời, để Vương Lăng làm Thừa tướng, nhưng Vương Lăng tính trực mà ương, cần phải có Trần Bình giúp sức".

Vương Lăng (? – 182 TCN), từng là một quyền hào ở huyện Bái, thuở hàn vi được Lưu Bang coi như anh, tính cách ít văn hoa, chuộng khí phách, ăn nói đặc biệt ngay thẳng.

Mặc dù cũng là một trong những khai quốc công thần của nhà Hán, tuy nhiên vị quan họ Vương này không theo Lưu Bang ngay từ đầu, hơn nữa lại chơi thân với kẻ thù của Cao Tổ năm xưa là Ung Xỉ, vì vậy ban đầu không thực sự được trọng dụng.

Trần Bình (? – 178 TCN), là nhà quân sự, chính trị thời Hán – Sở tranh hùng, sau làm quan cho nhà Tây Hán của Lưu Bang.

Sử cũ miêu tả ông thông minh tuyệt đỉnh, sở hữu trí tuệ bất phàm. Người đời sau này cũng vì vậy mà thường có câu ví von: "Bày mưu ngang Phạm Lãi, lập mẹo tựa Trần Bình".

Việc để hai nhân vật này cùng nhau làm Thừa tướng sau khi Tào Tham qua đời cũng là một nước cờ hết sức thâm sâu của Lưu Bang.

Có ý kiến cho rằng, bản thân Hán Cao Tổ lúc còn tại thế đã sớm nhìn ra năng lực của Vương Lăng và Trần Bình đều có hạn, hơn nữa cả hai đều có những ưu – khuyết điểm trái ngược nhau. Vì vậy chỉ khi cùng nhau hợp lực, họ mới có thể đảm nhiệm tốt vai trò của Thừa tướng.

Ý kiến khác lại cho rằng, Lưu Bang mặc dù biết Vương Lăng có tài nhưng ít nhiều vẫn đem lòng đề phòng, vì vậy mới cho cả Trần Bình cùng làm Thừa tướng, từ đó để cho hai nhân vật ấy quản lý, áp chế quyền lực lẫn nhau và đảm bảo sự cân bằng trong nội bộ triều đình.

Di ngôn thứ ba: Người tận tâm tận lực bảo vệ cho giang sơn Đại Hán chỉ có Chu Bột

img

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Năm xưa sau khi nghe Hoàng đế an bài xong ba người kế nhiệm chức Thừa tướng, Lữ hậu và quần thần đều cho rằng di ngôn của ông tới đây là kết thúc. Tuy nhiên thực tế là sau đó, Lưu Bang còn để lại thêm một lời trăn trối:

"Chu Bột vốn tính thật thà, giúp Lưu thị an định cũng chỉ có Bột mà thôi".

Thông qua câu di ngôn ấy, không khó để nhận thấy Lưu Bang dành cho vị quan họ Chu kia một sự tin tưởng hết sức đặc biệt. Trong mắt ông, người duy nhất có thể tận lực bảo vệ giang sơn của nhà họ Lưu cũng chỉ có mình Chu Bột mà thôi.

Chu Bột (? – 169 TCN), là người đất Bái, đi theo Lưu Bang từ thuở chống Tần và lập được rất nhiều công trạng. Sau khi Lưu Bang băng hà, ông được phong làm chức Thái úy.

Mặc dù được nhà vua khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối thông qua câu di ngôn cuối cùng, nhưng bản thân Chu Bột cùng các quần thần khi ấy đều cho rằng Hoàng đế bấy giờ đã mê sảng nên chỉ… nói bừa mà thôi.

Thế nhưng không ai có thể ngờ rằng, lời trăn trối của Lưu Bang năm nào quả nhiên đã ứng nghiệm.

Từ khi Tiên đế băng hà, quyền lực trong triều rơi vào tay Lữ hậu và gia tộc họ Lữ. Tới năm 180 TCN sau khi Lữ hậu vừa mất, Chu Bột chính là người đã đoạt quyền của Lữ Lộc, nhân cơ hội tiêu diệt chư vương họ Lữ và phò tá Lưu Hằng lên ngôi, sử cũ gọi là Hán Văn Đế.

Theo nhận định của tờ báo Sohu (Trung Quốc), nếu không nhờ vào 3 lời trăn trối của Lưu Bang lúc cuối đời, giang sơn nhà Hán rất có thể đã sớm đổi chủ, hoặc bị người nhà họ Lữ chiếm đoạt, hoặc rơi vào cảnh thiên hạ đại loạn, cơ nghiệp của Hán triều cũng khó có thể kéo dài tới hơn 400 năm.

Từ đó có thể thấy, Hán Cao Tổ Lưu Bang lúc sinh thời dù cho tự nhận là không có tài bày mưu, cầm quân hay trị quốc, thế nhưng bàn về phương diện nhìn người – dùng người, ông xứng đáng được đánh giá là một bậc thầy lão luyện.