Dân Việt

114 đối tượng ngoại tỉnh đến TT-Huế hoạt động “tín dụng đen”

An Sơn 27/08/2019 16:14 GMT+7
Hiện có 21 nhóm với 114 đối tượng ngoại tỉnh đến Thừa Thiên - Huế lưu trú để hoạt động "tín dụng đen".

Ngày 27/8, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế về kết quả thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” 2019; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7 tháng đầu năm đạt 6,87%, cao hơn bình quân chung cả nước (6,76%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.950 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 46% kế hoạch; tổng thu ngân sách 7 tháng đạt 4.193 tỷ đồng, đạt 58%…  

Những tháng cuối năm 2019, tỉnh phấn đấu đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế toàn năm 7,5- 8%.

img

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Công tác thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” 2019; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tỉnh thực hiện tốt. Qua đó, lòng tin của người dân đối với các cấp chính quyền ngày càng được nâng cao.  

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình trật tự, an toàn xã hội ở tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định. Nhưng trong từng thời điểm, nhiều loại tội phạm nổi lên như: Giết người, giết người cướp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản... chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (55,63%).

Tình hình hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê ở tỉnh đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an ninh  trật tự. Các đối tượng hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê lợi dụng được cấp phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê phương tiện (mô tô, ôtô…) để tạo vỏ bọc, lách luật, đối phó với cơ quan chức năng.

Thời gian qua, cơ quan chức năng ở Thừa Thiên - Huế đã triệt xóa 4 nhóm 28 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Qua rà soát, hiện có 21 nhóm/114 đối tượng ngoại tỉnh đến địa phương lưu trú để hoạt động cho vay nặng lãi.  

img

Tín dụng đen nở rộ đang gây ra nhiều hệ lụy ở Thừa Thiên - Huế. 

Tội phạm về ma tuý ở tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp hơn. Tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập ăn chơi, sử dụng ma tuý tại các quán bar, nhà nghỉ, karaoke... diễn ra ngày càng nhiều. Công tác quản lý người nghiện còn nhiều hạn chế, tình trạng đối tượng nghiện gây án, gây rối trật tự công cộng có dấu hiệu gia tăng.

Trong nửa đầu năm 2019, về tội phạm về ma tuý đã phát hiện 51 vụ/79 đối tượng, nhiều hơn 10 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phát hiện, xử lý hình sự 51 vụ/76 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép ma túy tổng hợp. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn xử lý hành chính 32 vụ/267 đối tượng.

Qua rà soát, cơ quan chức năng ở tỉnh phát hiện 1.445 người sử dụng và nghi sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, 775 người sử dụng, 670 người nghi sử dụng. Tính đến ngày 30/4/2019, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 385 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, 265 người nghiện heroin, 120 người nghiện ma túy tổng hợp. Con nghiện có hồ sơ quản lý tập trung phần lớn ở địa bàn TP.Huế với 314 người (chiếm 81,56%).

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đạt được. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế mà tỉnh cần có giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trong đó, về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình, kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, không để xảy ra bị động, bất ngờ...