Tàu 18 tỷ đồng nằm bờ, ngư dân ôm nợ 17 tỷ đồng
Đầu năm 2017, ngư dân Nguyễn Đức Hưng ở thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đóng mới con tàu mang số hiệu BĐ 99479 TS có công suất 880CV trị giá 18 tỷ đồng. Trong đó, ông Hưng vay vốn của ngân hàng 17 tỷ đồng, còn lại 1 tỷ còn lại là tiền của gia đình dành dụm, bỏ ra để làm vốn đối ứng.
Phấn khởi ngay sau khi nhận con tàu hiện đại, ngư dân Hưng nhanh chóng bắt tay ký hợp đồng với các tàu cá của ngư dân trong vùng để làm dịch vụ hậu cần. Tàu hậu cần có chức năng chở nhiên liệu, đá, nhu yếu phẩm cần thiết từ đất liền ra biển để cung cấp cho đội tàu cá mà gia đình ngư dân này đã ký hợp đồng, sau đó thu mua cá chở về đất liền bán.
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng mới theo Nghị định 67 nằm bờ khiến ngư dân Bình Định lâm nợ.
Với cách hoạt động xoay vòng tưởng chừng sẽ rất hiệu quả, ngư dân Nguyễn Đức Hưng mong mỏi con tàu 18 tỷ đồng sẽ hiện thực hóa giấc mơ đổi đời ở làng chài nghèo. Thế nhưng, câu chuyện thực tế lại diễn ra không như kỳ vọng.
Ở ngay chuyến biển đầu tiên, tàu của ngư dân Hưng đã bị lỗ gần 100 triệu đồng. Ngay sau đó, với hai chuyến biển tiếp theo, tàu của ông Hưng tiếp tục lỗ thêm 200 triệu với nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến ngư dân này chán nản.
Theo ông Hưng, sau 4 chuyến lênh đênh trên biển, con tàu của ông lỗ đến 800 triệu đồng. Từ đó, con tàu đành phải đắp chiếu nằm bờ dài hạn 1 năm nay.
“Sau khi từ bỏ tàu vỏ gỗ để đóng tàu vỏ thép, thực sự tôi rất kỳ vọng cuộc đời mưu sinh trên biển của mình sẽ bước sang trang mới, thu nhập cao hơn trước. Thế nhưng, lời lãi đâu chưa thấy mà chỉ thấy thua lỗ nặng nề. Tàu nằm bờ dài hạn, giờ lãi mẹ đẻ lãi con nhưng không biết xoay sở thế nào. Từ khi sắm được con tàu đến nay, do liên tục thua lỗ nên tôi chưa trả được đồng nào cho ngân hàng”, ông Hưng buồn bã nói.
Theo ngư dân Hưng, ngoài khoản nợ khổng lồ ở ngân hàng mà gia đình ông đang gồng gánh thì tàu nằm bờ, mỗi tháng ông phải chi hơn 10 triệu đồng tiền bến bãi, thuê người… trông coi tài sản.
Ngư dân Nguyễn Đức Hưng lo lắng trên con tàu ‘đắp chiếu’ gần 1 năm nay.
Lâm cảnh khó khăn, ngư dân Nguyễn Đức Hưng mong muốn cơ quan có thẩm quyền cho ông chuyển đổi từ tàu hậu cần sang nghề mành chụp để khai thác trên biển. Song, cái khó lúc này lại chính là nguồn vốn. Bởi, tàu hậu cần muốn chuyển đổi sang mành chụp phải mất ít nhất 5 tỷ đồng với nhiều linh kiện, thiết bị cần mua sắm, trang bị như hầm cáp đông, máy dò cá, máy phát điện, bóng đèn, gọng mành chụp,...
“Do tàu nằm bờ lâu ngày nên một số thiết bị trên tàu bắt đầu xuống cấp. Hiện, mỗi tháng tôi phải chi gần chục triệu đồng để duy tu, thuê người trông coi và trả nợ tiền phí bãi neo đậu tàu. Lo nhất là tàu nằm bờ, không có tiền trả lãi ngân hàng, chưa kể nợ quá hạn đã phát sinh rất nhiều tiền. Trong khi đó, tiền chuyển đổi quá lớn… đang khiến cho gia đình tôi thực sự bất lực”, ông Hưng cho hay.
Vợ chồng ly hôn vì... tàu?
Cũng lâm cảnh tương tự, con tàu dịch vụ hậu cần BĐ 99569 TS trị giá 18 tỷ đồng của gia đình ngư dân Lê Văn Mi cũng đang neo đậu trong cảng Đề Gi đã gần 1 năm nay, chưa một lần trở lại biển. Sau 3 chuyến đi biển, ông Mi lỗ hơn 400 triệu đồng nên đành để tàu nằm bờ. Sau sự cố, cuộc sống gia đình ông Mi đảo lộn vì nợ nần chồng chất, trong khi ‘cần câu cơm’ lại phải tốn chi phí cho thời gian nằm bờ.
Con tàu vỏ thép neo đậu lâu ngày chẳng mấy chốc hóa cũ, hàu bám đầy thân, trên boong tàu sơn đã bong tróc nhiều nơi, thân tàu xuất hiện nhiều vết gỉ sét, hoen ố. Tranh thủ những lúc không bận bịu công việc, vợ chồng mông Mi lại thay nhau ra cảng, thăm nom và chăm sóc cho con tàu đang bị ‘đắp chiếu’ với mong muốn cứu con tàu khỏi bị xuống cấp.
“Khó khăn nhất vẫn là ngân hàng không chấp nhận cho vay thêm tiền để cải hoán, chuyển tàu hậu cần sang tàu khai thác. Trong khi đó, toàn bộ tài sản đã cầm cố để nuôi tàu, giờ không còn gì có thể thế chấp được nữa. Làm chủ con tàu nhưng gia đình tôi đành bất lực, chồng tôi phải đi bạn cho tàu khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống mới mong gượng nỗi trước khó khăn lúc này”, vợ ông Mi, chị Đỗ Thị Kiều trải lòng.
Trong sự cố hàng chục tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 hư hỏng xảy ra vào mốc thời gian năm 2017 ở tỉnh Bình Định, đến lúc này ngư dân Nguyễn Công Quý, chủ tàu hậu cần BĐ 99888 vẫn đang là ‘nạn nhân’ thê thảm nhất. Từ một ông chủ thủy sản thành đạt có tiếng ở vùng cảng Đề Gi, đùng một cái tán gia bại sản, gia đình ly tán.
Theo ngư dân Quý, con tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần BĐ 99888 TS có công suất 940CV được đóng với giá gần 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau chuyến biển đầu tiên, ông Quý lỗ cả tỷ đồng vì hầm bảo quản cá không đảm bảo.
“Chuyến đầu tiên vừa ra khơi được vài tuần, tàu của tôi thu mua được nhiều cá nên nhanh chóng vào bờ bán. Về đến cảng, mở hầm thì cá bên trên vẫn khá đẹp thế nhưng từ giữa đến đáy hầm thì cá hư hỏng vì hầm không rút nước, gần như mất trắng.
Ba con tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định nằm bờ, chờ giải cứu.
Chuyến đó, tôi mua ở giữa biển với giá 70.000 đồng/kg cá ngừ đại dương nhưng khi vô đến bờ thì hư hỏng hết, đành bán tháo chịu lỗ 10.000 đồng/kg nhưng chẳng ai mua, phải phơi trắng cả cảng. Chuyến biển đầu tiên lỗ quá đậm, đây cũng là điềm báo cho những giông tố của cuộc đời tôi khi nhận con tàu vỏ thép”, ông Quý nhớ lại.
Theo ông Quý để khắc phục hầm cá, ông thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, mượn bạn bè, người thân 800 triệu đồng. Tuy nhiên, chuyến biển thứ 2, tàu vừa mới ra khỏi cửa biển Đề Gi thì bị hỏng máy, phải thuê tàu kéo vào cảng để đơn vị đóng tàu sửa chữa. Vậy là, con tàu của ông Quý phải nằm bờ từ tháng 4/2017 cho đến tháng 4/2018 mới sửa xong.
Sau khi sửa chữa, ông Quý đành cho nhóm người quen ở Vũng Tàu mượn tàu để ở biển phía Nam nhưng không hiệu quả lại gặp quá nhiều rắc rối nên đưa về neo đậu ở cảng Đề Gi cho đến nay.
“Sau khi được tỉnh cho chủ trương cải hoán từ tàu hậu cần sang tàu khai thác, tôi đầu tư gần 1 tỷ đồng để cải hoán những chỉ được gần một nửa thì hết vốn. Tôi tìm đến ngân hàng nhưng họ yêu cầu phải có thuế chấp, tôi mang 2 sổ đổ thuế chấp thì ngân hàng không cho vay vì tài sản không đủ năng lực. Trong khi đó, con tàu của tôi đang nợ quá hạn quá nhiều chưa thanh toán nên ngân hàng từ chối. Từ đó đến nay, con tàu tôi chết luôn, thời điểm đó gia đình tôi cũng tan rã, ly hôn vợ. Bao nhiêu vốn luyến tôi đổ vào đó hết rồi, chỉ còn cách chờ ngày thu hồi tàu thì giao lại. Chẳng biết phải xử lý thế nào, cuộc đời tôi sụp đổ hết rồi…”, ông Qúy ứa nước mắt.
Nỗi lo "nợ lại chồng nợ"
Theo ông Nguyễn Công Bình - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được đóng mới theo Nghị định 67 là một trong những hình thức được khuyến khích phát triển trong cả nước. Tuy nhiên, đối với riêng ngư trường miền Trung thì việc sóng gió ngoài khơi rất mạnh đã khiến tàu khai thác xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần rất khó cập mạn vào nhau, để thực hiện mua bán sản phẩm. Trong khi đó, ngư trường ở miền Bắc hoặc miền Nam thì việc mua bán diễn ra thuận lợi vì sóng gió vùng ngư trường này êm thuận.
"Cơ chế chuyển đổi chủ đầu tư là rất hay, giúp những ngư dân sở hữu khả năng thực sự có cơ hội tiếp cận chính sách Nghị định 67 nhưng cái vướng mắc là khi chuyển tàu thì người sau phải gánh nợ cũ của người trước, như vậy sẽ không ai dám nhận. Tôi nghĩ, khi chuyển chủ đầu tư phải định giá lại tài sản, phần nợ trước thì người chủ cũ phải chịu trách nhiệm, chủ mới thì chỉ chịu trách nhiệm phần sau là tài sản hiện thực đang có”. (Ông Nguyễn Công Bình) |
“Tàu dịch vụ hậu cần có hình thức hoạt động quá mới, khi xây dựng phương án sản xuất ngư dân đã không lường trước được thực tế nên lúc ra ngư trường thì phương án lại không phù hợp. Tàu khai thác thủy sản bằng gỗ không thể cập mạn với tàu hậu cần vỏ thép, đây là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân thua lỗ, nằm bờ. Trước đây, ngư dân nghĩ rằng nếu tàu hậu cần thành công thì sẽ tạo chuỗi liên kết đội tàu câu cá ngừ đại dương, tàu hậu cần sẽ thu mua rồi nhanh chóng vận chuyển vào bờ bán cho thương lái, khi đảm bảo chất lượng sản phẩm thì giá thành sẽ cao hơn. Nghĩ thì đơn giản nhưng thực tế vẫn chưa thể thực thi được”, ông Bình nói.
Tàu hậu cần NĐ 67 nằm bờ, 3 ngư dân Bình Định đối diện với nợ nần chồng chất.
Ông Bình cho rằng, câu chuyện 3 ngư dân Nguyễn Đức Hưng, Lê Văn Mi và Nguyễn Công Quý kiến nghị xin được cải hoán tàu hậu cần sang tàu khai thác thì cần phải xem xét kỹ lưỡng, bởi quyết định này đang đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất. Những tàu dịch vụ hậu cần nếu muốn chuyển sang tàu khai thác thì phải sửa chữa lại tàu và trang bị hàng loạt trang thiết bị, dự trù kinh phí để cải hoán con tàu mỗi ngư dân phải tốn ít nhất là 5 tỷ đồng. Khi đóng mới, kết cấu tàu dịch vụ hậu cần đã rất khác so với tàu khai thác nên muốn chuyển đổi phải ‘phẫu thuật’ tàu và sắm thêm trang thiết bị, tiêu tốn rất nhiều tiền.
“Chúng tôi đã phân tích rõ và đề nghị ngư dân phải xem xét cho phù hợp. Thực tế các tàu hậu cần này đang thua lỗ rất lớn vì lâu nay nằm bờ không hoạt động. Nếu chuyển đổi khi sửa chữa tàu mà hoạt động không hiệu quả thì nợ lại chồng nợ, không có khả năng thanh toán”, ông Bình lo lắng.
Ông Bình cho biết, theo chính sách Nghị định 67, khi chủ tàu mất khả năng quản lý hoạt động con tàu thì có thể chuyển đổi chủ đầu tư, tuy nhiên hiện nay việc này lại đang vướng bất cập từ thủ tục trên giấy tờ và thực tế.
Nằm bờ quá lâu, nhiều thiết bị trên tàu hậu cần bị... rỉ sét, hư hỏng.
Ông Bình lý giải: “Theo quy định, khi chuyển đổi chủ đầu tư thì phải chuyển luôn cả số nợ mà chủ tàu trước đang gánh. Vì vậy chủ tàu sau chắc chắn không dám nhận, vì khi nhận tàu phải nhận thêm khoản nợ của chủ cũ. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét cơ chế chuyển đổi chủ đầu tư thế nào cho phù hợp, bởi theo quy định cũ thì khó có thể thực hiện.
Đã khắc phục xong sự cố 20 chiếc tàu 67 ở Bình Định bị hư hỏng Về việc khắc phục sự cố 20 chiếc tàu 67 ở Bình Định bị hư hỏng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Quá trình tổ chức thực hiện, có 20 chiếc tàu của Bình Định xảy ra việc máy không đúng chủng loại, hỏng hóc từng bộ phận... Sau khi sự việc xảy ra, tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan tập trung vào cuộc. Đến cuối năm 2017, toàn bộ 20 tàu hỏng đã được khắc phục xong và đi vào hoạt động. Về xác định nguyên nhân, trách nhiệm, theo ông Cường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các công ty đóng tàu, đồng thời có sự liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, trong đó có Bộ NN&PTNT. “Về phía Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã tiến hành rà soát, xác định cơ quan trực tiếp liên quan đến việc này là trung tâm đăng kiểm của Bộ thuộc Tổng cục Thủy sản. Anh đăng kiểm gì lại để xảy ra tình trạng thế này” - ông Cường nói. Ông cũng cho hay Bộ NNPTNT đã tiến hành kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ trực tiếp liên quan. Cụ thể, tiến hành cảnh cáo, thu hồi ba thẻ đăng kiểm của ba cán bộ đăng kiểm của trung tâm (trực tiếp tham gia việc đăng kiểm), cảnh cáo giám đốc trung tâm đăng kiểm này, khiển trách phó giám đốc phụ trách ba cán bộ đăng kiểm trên. Về phía Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. |
Đón đọc bài 3 vào lúc 6 giờ 30 ngày 11/9/2019 trên Báo điện tử Dân Việt.