Tuy nhiên, chủ yếu các trường hợp bị cắn tập trung ở 1 địa phương là xã Điện Quan (huyện Bảo Yên), trong đó có 1 người đã tử vong.
Trường hợp tử vong là do người này bắt được một con chó đi hoang, mang về mổ thịt để ăn. Trong quá trình giết mổ người này bị con chó “táp” vào tay. Tuy nhiên, nạn nhân đã chủ quan, không đi tiêm, sau 20 ngày bị chó cắn thì phát bệnh dại và tử vong.
“Đây là trường hợp rất khó ngăn chặn, vì người dân đã thịt chó, không thể theo dõi được con chó có bị dại hay không” – ông Cương cho biết. 23 trường hợp còn lại đã được tiêm phòng đầy đủ.
Theo ông Cương, mỗi năm Lào Cai có khoảng 20-30 người bị chó dại cắn, dịch rải rác quanh năm và đến khá bất ngờ. Năm 2012 có 3 người tử vong, các trường hợp này đều không khai báo cán bộ y tế nên không được tiêm phòng, đến khi phát bệnh thì quá muộn. Ông Cương cho biết, cán bộ y tế xã, phường, thôn, bản đã liên tục truyền thông và phấn đấu tiêm phòng 100% cho chó, mèo nuôi tại các hộ gia đình.
Tuy nhiên, do địa bàn núi cao phức tạp, nhiều chó hoang hoặc chó dại bỏ vào rừng, cắn lung tung nên không thể kiểm soát triệt để. Ý thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trong việc phòng ngừa bệnh chó dại vẫn chưa cao, việc nuôi chó, mèo nhiều, địa bàn rộng nên cán bộ chuyên trách rất khó kiểm soát hết số lượng chó, mèo tại địa phương.
PGS-TS Đinh Kim Xuyến – nguyên Phó Chủ nhiệm Dự án Phòng chống bệnh dại (Bộ Y tế) cho biết, do bệnh dại không phát bệnh ngay mà thường ủ bệnh rất lâu nên nhiều người dân bị chó, mèo cắn chủ quan không đi tiêm. Trong khi đó, nếu đã bị phát bệnh dại thì 100% người và động vật tử vong.
Vì thế, người dân cần đề phòng bệnh dại cho mình bằng cách đưa vật nuôi đi tiêm phòng, đồng thời nếu bị chó cắn thì nên khai báo với cán bộ y tế, nhốt chó để theo dõi các biểu hiện lên cơn dại của nó trong vòng 10 ngày. Nếu chó có dấu hiệu buồn rầu, bỏ ăn, mệt mỏi, sau đó trở nên hung hãn, nhảy nhót liên tục, đuổi bắt ruồi trong tưởng tượng, sủa hú kéo dài, ghê rợn thì cần đưa người bị cắn đi tiêm phòng ngay.
Diệu Linh