Giấu vợ bán trộm 55 cây vàng
Sau nhiều lần liên hệ, đặt lịch chúng tôi cũng đến được trang trại của vợ chồng ông Hữu, tuy nhiên, để vào được "biệt phủ lợn" này mọi người phải vượt qua nhiều vòng vệ sinh, sát trùng mất hàng chục phút đồng hồ.
Trang trại của ông Hữu nằm giữa bốn bề đồi núi, cây xanh, bên trong trang trại lúc nào cũng có hàng chục công nhân đang làm việc, phục vụ chăm sóc đàn lợn gần 5.000 con.
Ông Nguyễn Bá Hữu bên đàn lợn tại trang trại của gia đình. Ảnh: Hải Đăng
"Ông Hữu không chỉ ham học hỏi mà trong chăn nuôi và xử lý chất thải cũng rất sáng tạo, đây thực sự là mô hình làm giàu rất bền vững và hiệu quả. Chúng tôi thực sự rất tự hào về ông và coi đó là tấm gương sáng để mọi người trong và ngoài tỉnh học tập, noi theo”. Ông Trần Công Việt - Chủ tịch UBND xã Việt Ngọc |
Vừa rót nước mời khách, lão nông có dáng người đậm, đen nhem nhẻm, giọng sang sảng kể về những kỳ tích mà vợ chồng ông đã gây dựng nên. Sau 15 năm hành nghề lái xe khắp trong Nam ngoài Bắc, năm 2005, ông Hữu theo một người bạn vào Bình Dương thăm thú và giải quyết công việc. Đúng lúc đó, ông Hữu được mọi người giới thiệu và đến thăm một trang trại chăn nuôi gia công lớn nhất, nhì tại đây.
Sẵn máu chăn nuôi trong người, ông Hữu xin ở lại hơn 10 ngày để chơi nhằm dụng ý tìm hiểu "học lỏm" công việc và kỹ thuật chăn nuôi.
"Ngày nào cũng theo công nhân vào trại, tôi cố để ý ghi vào đầu các hành động, các góc cạnh thiết kế, công nghệ áp dụng tại trang trại... Càng tìm hiểu tôi càng ham mê, định bụng chuyến này về sẽ bỏ nghề xe để theo nghiệp nuôi lợn luôn" - ông Hữu nhớ lại.
Sau khi về quê, ông Hữu bàn với vợ và gia đình đầu tư vào chăn nuôi nhưng thay vì đồng ý, các thành viên trong gia đình ông lại ra sức ngăn cản và cho rằng ý tưởng của ông thật điên rồ.
Dù không nhận được sự đồng lòng nhưng ông Hữu vẫn quyết chí thực hiện mơ ước của mình. Sau khi giấu vợ bán trộm 55 cây vàng (vốn tích lũy được sau 15 năm lái xe), ông Hữu lặng lẽ xin đấu thầu và mua lại đất đầm lầy của hơn 100 hộ trong thôn. Về sau, ngày ngày, ông Hữu đưa thợ lên xây dựng trang trại, tối ngủ lại ở đầm lầy để trông nom.
"Ngày ấy, đầm lầy hoang vu không điện, đường... đi lại khó khăn, vất vả lắm. Có ngày mưa vào trại tôi bị trượt ngã gãy cả chân, nhưng nghĩ mình đã từng trải qua đời quân ngũ, vượt qua bao nhiêu hiểm nguy giờ thời bình lại đầu hàng thì xấu hổ nên lại cố gắng gượng dậy tiếp tục công việc" - ông Hữu kể.
Ông Hữu đang sở hữu vườn rừng lâm nghiệp rộng trên dưới 6ha ở Bắc Giang. Ảnh: Hải Đăng
Ngày đó, gia đình ông đang nuôi 12 con bò và cấy 2 mẫu ruộng, cộng với nhiều diện tích cây ăn quả. Ngày ngày thấy vợ vất vả, sớm hôm ngoài đồng chăm lúa, cắt cỏ chăm bò, nhiều lần ông ra mặt can ngăn, giải thích và muốn vợ mình bỏ việc nhưng đều thất bại.
Đúng thời gian đó, con gái ông hạ sinh cháu đầu lòng, vợ ông phải lên thành phố cả tuần để chăm sóc con. Biết "cơ hội" đã đến, ông Hữu cho người đến dọn hết vườn vải và bán hết bò, nhượng lại ruộng cấy cho người trong nhà để dành toàn tâm, toàn ý cho việc nuôi lợn.
"Bà nhà tôi nóng lắm, khi về phát hiện tôi lấy vàng đem bán, bà ấy cầm cả nắm tiền ném ra vườn" - ông Hữu chia sẻ.
Trước tình cảnh ấy, ông Hữu càng nung nấu ý chí chăn nuôi hơn. Sau hơn 3 tháng xây dựng chuồng trại thành công, ông Hữu liên kết với công ty gia công thả lứa giống hơn 600 con vào nuôi để thử nghiệm. Cùng với đó, ông tiếp tục cập nhật các kiến thức ở trên mạng, sách, báo... để áp dụng vào chăn nuôi. Sau hơn 4 tháng thả nuôi, đàn lợn tại trang trại cho xuất chuồng với số lãi thu về hàng trăm triệu đồng.
Tiếp đà, các năm tiếp theo ông Hữu tiếp tục liên kết với đơn vị gia công và nhân đàn lợn riêng của gia đình lên hàng nghìn con. Càng đầu tư lớn, ông Hữu càng thắng to hơn, thu nhập của gia đình ông tăng lên liên tục đến giờ con số này đã đạt ngưỡng hàng chục tỷ đồng/năm.
Kỳ tích trong chăn nuôi
Trong lúc "bão" giá, đàn lợn vẫn ngốn 100% cám ăn thẳng với hàng nghìn tấn mỗi ngày. Trước nguy cơ đàn vật nuôi xơi mất sổ đỏ, gia sản, ông Hữu ngày đêm mất ngủ để suy nghĩ, nghiên cứu tìm ra giải pháp cứu mình.
"Cái khó ló cái khôn", trong đêm tối cuối cùng ấy, ý tưởng sáng chế nồi cám siêu to đã ra đời.
Theo đó, ông Hữu đã sáng chế 6 chiếc nồi nấu cám lợn “siêu khủng” để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên và khí biogas để nấu cám cho lợn. Cụ thể, chiếc nồi này được thiết kế theo hình chữ nhật. Đáy được làm bằng thép chất lượng cao, dầy 10mm, dài 2,7m, rộng 0,8m.
Mỗi mẻ cám, một chiếc nồi nấu được trên 3 tạ ngô (nghiền), 2 tạ gạo, 50kg cá, 5 gánh bèo công nghiệp). Thời gian nấu mỗi mẻ cám khoảng 6 - 8 tiếng. Từ đó, ông Hữu cho lợn ăn luân phiên 1 ngày sử dụng cám ăn thẳng, 1 ngày sử dụng cám tự nấu. Lợn lớn nhanh, da hồng và gần như không có bệnh. Điều đặc biệt, giá thành sản xuất 1kg lợn giảm từ 35.000 đồng xuống 32.000 đồng/kg.
Ông Hữu bên hệ thống phòng dịch tả cho đàn lợn bằng màn lưới tại tại trang trại của gia đình. Ảnh: Hải Đăng
Bên cạnh việc nâng quy mô đàn lợn, vợ chồng ông Hữu còn đầu tư tiền tỷ vào hệ thống xử lý môi trường trong chăn nuôi, đặc biệt là hệ thống xả thải.
Đầu tiên, ông xây một hệ thống mương dẫn phân, nước thải từ các khu chuồng nuôi xuống một bể lọc đặc biệt. Bể lọc này có thể tích 49m3, hình vuông (7x7x7), bên trong được chia làm 4 ngăn bằng tường gạch. Các ngăn thông nhau bằng một hệ thống lọc để tách, giữ lại chất thải rắn. Sau khi tách được phân, chất thải lỏng còn lại được chảy xuống bể biogas rộng khoảng 1 mẫu.
Khi chất thải từ bể biogas thoát ra, ông Hữu lại thiết kế một bể lớn gồm 6 ngăn sâu 2m, ở dưới là đá hộc lớn, ở trên thiết kế bằng đá nhỏ bằng đầu đũa. Cứ mỗi ngăn đầu, chất thải sẽ đi ra theo hình sin (trong toán học).
Để ngăn không cho phân lợn tại bể lọc phân huỷ thành khí gây ô nhiễm môi trường, ông Hữu xây một khu xử lý phân rộng khoảng 70m2 ngay kế bên. Khu xử lý phân này có nền cao, có hệ thống rãnh và lỗ thoát nước phía dưới và xung quanh nối với bể lọc. Cách vài ngày, ông Hữu sử dụng máy múc múc phân lên khu xử lý phân.
Toàn bộ nước lỏng tiếp tục chảy xuống phía dưới và xung quanh, sau đó đi theo các rãnh thoát nước trở lại bể chứa lọc. Nhiệm vụ còn lại của công nhân trong trang trại là đổ vôi và các chế phẩm để ủ phân, chờ phân khô thì đóng bao. Toàn bộ phân khô từ trang trại sản xuất ra đều được các trang trại trồng trọt thu gom toàn bộ với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/bao.
Nhờ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và làm lợi cho cộng đồng, ông Nguyễn Bá Hữu đã được địa phương và Trung ương, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều giấy khen, bằng khen.