Thanh tra Bộ VHTTDL vừa có đợt thanh tra tại một số lễ hội từ đầu năm tới nay, theo đánh giá sơ bộ thì tình hình thế nào?
- Qua kiểm tra chung từ đầu mùa lễ hội, chúng tôi thấy có một số mặt được của năm nay. Về mặt tổ chức, ban quản lý lễ hội của các địa phương đã quan tâm tốt hơn, đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất để phục vụ cho du khách tham gia lễ hội, ví dụ như ở chùa Bái Đính đã đưa vào sử dụng bãi đỗ xe mấy chục hecta, đồng thời nhập rất nhiều xe điện; còn ở đền Đinh – Lê, đền Trần… những bãi gửi xe đã được đưa ra xa, tránh gây ách tắc, lộn xộn tại nơi làm lễ.
Còn về điểm yếu của năm nay, có 2 vấn đề, đó là hiện tượng rắc và rải tiền lẻ vẫn còn, tuy là có quản lý chặt hơn, nhưng ở một số lễ hội vẫn xảy ra. Thứ 2 là vệ sinh môi trường cũng chưa được tốt. Và một điều được báo chí nói nhiều đến là việc treo bày bán thịt tại các cửa hàng dưới chân động Hương Tích tại chùa Hương vẫn còn.
Tới đây Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để tuyên truyền và tăng cường thanh tra đột xuất để nhắc nhở các ban quản lý lễ hội, ban quản lý di tích để làm sao tránh được tình trạng phản cảm tại lễ hội.
Về đốt vàng mã, bói toán thì tôi thấy giảm tương đối nhiều so với năm ngoái, do công tác quản lý tại các địa phương làm tốt. Tuy nhiên đây mới chỉ là đầu mùa và chưa thể biết giữa mùa sẽ như thế nào, nên vẫn phải tăng cường quản lý.
Rước lợn tại Lễ hội làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, ngày 22.2.2013 (13 tháng Giêng). |
Việc tăng cường thanh tra đột xuất như ông nói có tiến hành ngay trong mùa lễ hội này?
- Chúng tôi sẽ làm luôn, nhưng sau khi từ cuộc thanh tra về, giữa lãnh đạo Bộ và Thanh tra Bộ đang phải bàn để điều chỉnh các kế hoạch, để việc đi kiểm tra đột xuất có thể kịp nắm bắt tình hình và chấn chỉnh kịp thời.
Thứ nữa, khi đi chúng tôi cũng sẽ tổ chức cho nhiều cơ quan báo chí cùng tham gia để phản ánh khách quan và qua đó tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân khi tham gia lễ hội.
Đây cũng là chủ đề chính của mùa lễ hội năm nay là thực hiện nếp sống văn minh khi đi lễ hội, đặc biệt năm nay lại là năm du lịch đồng bằng sông Hồng, nơi “đậm đặc” lễ hội.
Vừa qua có rất nhiều phản ánh tại chùa Bái Đính về hiện tượng ăn xin và móc túi cũng như cho du khách thuê thang trèo tường... Hiện tượng này đã được xử lý chưa?
- Tôi có thể nói ngay là hiện tượng ăn xin và móc túi không còn nữa. Chúng tôi xuống thanh tra đã nghe tỉnh báo cáo về hiện tượng ăn xin thì có 2 người ở địa phương và 4 người ở nơi khác đến và tỉnh định đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng họ đã xin về. Chính tôi là người đã có mặt 2 ngày ở chùa Bái Đính và không thấy các hiện tượng này nữa.
Ông Vũ Xuân Thành
Còn tình trạng khách đi lễ thuê thang trèo tường đúng là vẫn đang xảy ra, là bởi khu Bái Đính đang quy hoạch lại, đường đi được xây dựng lại, các bảng biển chỉ dẫn thì chưa đủ, nên du khách đi lễ cứ theo lối cũ để đi lên chùa cổ và vì thế họ đã bị đám cò mồi, những nhà dân gần đó đã lợi dụng dụ dỗ cho thuê thang và thu tiền.
Nhưng ngày 21.2, Ban quản lý đã có những giải pháp, chấn chỉnh xử lý như là đưa cây lùi ra và xây tường cao lên. Còn về hiện tượng rải tiền tại chùa Bái Đính thì giờ còn duy nhất là hiện tượng rải tiền trên mặt trống đồng với diện tích 4m2, và Bộ đã có chỉ đạo là nếu cần sẽ lắp kính xung quanh để không cho du khách thả tiền xuống đó nữa.
Đi chùa Hương, có nhiều khách phản ánh đã mua vé tham quan cũng như tiền đò ở ngoài nhưng khi đi vào đến bến và lên đò lại bị đòi thêm tiền?
- Không có nhà đò nào đòi thêm tiền, họ chỉ gợi ý thế thôi, nhưng một phần tôi thấy là do nhu cầu của khách muốn đi cho nhanh và an toàn nên mới nảy sinh chuyện như thế. Còn về giá cả dịch vụ tăng là chuyện bình thường, ngày tết giá cả các dịch vụ còn tăng thì ngày lễ hội cũng tăng lên thôi. Đây là do quy luật cung cầu, chứ không ai điều chỉnh được việc đó, rất khó, mà cái này thuộc lĩnh vực quản lý thị trường chứ chúng tôi chỉ quản lý về mặt nội dung lễ hội.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hà (thực hiện)