Các đồng chí chủ trì hội thảo.
Sáng 28/8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Dự và đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Nhận thức sâu sắc hơn về giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là dịp nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta; đồng thời, nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, phải xin viện trợ và nhập khẩu, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước phát triển và đứng đầu trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chính cũng cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích to lớn, nhưng cần phải nhận thấy rằng, nước ta hiện nay vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp, kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu về năng suất lao động, chênh lệch giàu nghèo vẫn còn lớn, nhiều vấn đề xã hội còn gây bức xúc... đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta cố gắng, nỗ lực lao động, sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng cụ thể, nhất là chăm lo cho thế hệ trẻ, bồi dưỡng "thế hệ cách mạng cho đời sau", coi đó là một việc "quan trọng và rất cần thiết".
Thực hiện Di chúc của Người, công tác giáo dục, bồi dưỡng, chăm lo thế hệ thanh, thiếu niên luôn được Đảng quan tâm, chú trọng. Đảng chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là hạt nhân xung kích trên các mặt trận lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo để họ thực sự là đội hậu bị tin cậy của Đảng.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, hiện nay, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình với các hình thức ngày càng tinh vi, làm cho một bộ phận thanh niên xa rời lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống, lười lao động và học tập. Thậm chí, có một bộ phận bị các đối tượng xấu dụ dỗ, mua chuộc.
Tình hình đó đang đặt ra cho công tác đoàn, cho công tác thanh niên nhiệm vụ to lớn và nặng nề. Thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đang tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho thế hệ trẻ, khuyến khích, cổ vũ thanh niên, thế hệ trẻ nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, tôi luyện thử thách trong các môi trường khác nhau để có bản lĩnh chính trị vững vàng trước khó khăn, thử thách, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên phát huy sức mạnh sáng tạo của tuổi trẻ, xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết và hợp tác quốc tế trong thời kỳ mới, Đảng đã lãnh đạo xây dựng và "thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ một nước bị bao vây cấm vận, đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước; đồng thời tích cực tham gia vào các công việc chung của cộng động quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế; được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ, lần thứ 2 trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ…
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã góp phần quan trọng vào giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình cho phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Những kết quả đó đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã vận dụng thành công vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Ngọn đuốc tiếp tục rọi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh bản Di chúc là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước và đồng thời là người chiến sỹ Cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đó là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Mang niềm tin sắt son không gì lay chuyển được vào tương lai thắng lợi tất yếu của cách mạng.
Bản Di chúc sau khi được công bố đã gây xúc động mạnh mẽ, như một lời hiệu triệu, được truyền đi, lan tỏa, trở thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tiến lên "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, trước lúc đi xa, điều dặn dò trước hết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng, bởi hơn ai hết, Người hiểu rõ trọng trách, sứ mệnh lịch sử lớn lao mà dân tộc ta, nhân dân ta đã trao trọn cho Đảng.
Với 4 chữ "thật" được nhắc đi nhắc lại trong Di chúc, Bác thiết tha mong muốn: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức, cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng thật trong sạch và phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song bản Di chúc của Người vẫn luôn là ngọn đuốc tiếp tục rọi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Bác, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, đem lại những kết quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển nhanh và bền vững đất nước, xây dựng văn hóa con người Việt Nam, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Học Bác và làm theo di huấn của Người, Đảng ta luôn quan tâm đến phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII đến nay, với việc cụ thể hóa chủ trương "phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, một cách đồng bộ, tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức bộ máy, cán bộ, đạo đức, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận hội thảo.
Tại hội thảo, 60 tham luận đề cập nội dung, giá trị lý luận, thực tiễn và kết quả của việc thực hiện Di chúc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 50 năm qua, trên cơ sở đó, tiếp tục khẳng định giá trị của bản Di chúc và rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu đã đi sâu làm rõ những nội dung và giá trị sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến tại hội thảo khẳng định, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định 50 năm đã trôi qua, nhưng Di chúc vẫn mang sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, vẫn là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng nước ta, là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới.
Đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Di chúc của Người tiếp tục là cơ sở lý luận, thực tiễn và là chỉ dẫn quý báu để cán bộ, đảng viên và toàn Đảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về "tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng"; để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, trở thành "Đảng đạo đức, Đảng văn minh", xứng đáng là Đảng lãnh đạo thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.