Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh này còn 1.355 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, gần như tất cả đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 4 để phòng tránh.
Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 4, các địa phương trên toàn tỉnh Nghệ An chấp hành nghiêm túc Công điện số 12 của Trung ương, 2 Công điện của tỉnh này về phòng, chống bão số 4.
Hiện người dân vùng ven biển đang khẩn trương chằng chống nhà cửa, ốt quán dịch vụ để hạn chế thiệt hại.
Người dân ven biển Nghệ An gia cố nhà cửa, tập kết tàu thuyền tránh bão số 4 sắp đổ bộ. Ảnh: Cảnh Thắng
Trước ảnh hưởng của cơn bão số 4, nhiều cửa hàng dịch vụ ở Cửa Lò đã quyết định đóng cửa từ sáng để gia cố hàng quán chống bão. Ảnh: Cảnh Thắng
Người dân ven biển Nghệ An gia cố nhà cửa, tập kết tàu thuyền tránh bão số 4 sắp đổ bộ. Ảnh: Cảnh Thắng
Sáng 29/8, các tàu thuyền neo đậu ở cảng Cửa Lò cũng được cố định, chằng chống, để tránh va đập do sóng biển lớn. Ảnh: Cảnh Thắng
Người dân ven biển Nghệ An gia cố nhà cửa, tập kết tàu thuyền tránh bão số 4 sắp đổ bộ. Ảnh: Cảnh Thắng
Tại thị xã Cửa Lò có tổng số 260 tàu thuyền, trong đó 170 tàu có công suất dưới 90 CV, chủ yếu đánh bắt gần bờ. Hiện các tàu này đang trên đường quay trở về. Dự kiến, vào rạng sáng 30/8, các tàu sẽ trở về đầy đủ và không được phép ra khơi từ ngày mai.
Đối với 90 tàu có công suất trên 90 CV (50 chiếc dưới 400 CV đánh vùng lộng, gần bờ, 40 chiếc trên 400 CV đánh xa bờ), hiện nay, thị xã Cửa Lò đã ra thông báo và yêu cầu họ quay trở về tránh trú.
Dự kiến trong ngày 30/8, 100% số tàu thuyền sẽ về đến nơi để neo đậu an toàn. Tất cả tàu thuyền hiện vẫn giữ liên lạc ổn định.
Các ki ốt kinh doanh ở thị xã Cửa Lò được người dân chằng chéo bằng dây thép chống bão số 4. Ảnh: Cảnh Thắng
Trong khi đó, tại huyện Quỳnh Lưu, hiện có gần 1.200 phương tiện tàu thuyền, trong đó có hơn 900 tàu đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân các xã Tiến Thủy, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải đã và đang trên đường vào bờ một cách an toàn.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Riêng các phương tiện đã về bờ, huyện yêu cầu các địa phương xuống khu vực neo đậu tàu thuyền để kiểm tra và hướng dẫn ngư dân cách neo đậu, tránh va đập tàu thuyền khi có sóng to, gió lớn. Những phương tiện đang trên đường di chuyển vào bờ, yêu cầu Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận tiếp tục gọi điện để cập nhật tình hình, đồng thời yêu cầu các tổ hợp tác khai thác trên biển báo tin cho nhau, không được để phương tiện nào ở lại đánh bắt".
Thuyền núng đánh bắt mực nháy cũng được đưa vào bờ tránh bão số 4. Ảnh: Cảnh Thắng
Trong khi đó, tại huyện Diễn Châu, anh Nguyễn Văn Hải (ở xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vừa đưa con thuyền đánh cá cập cảng cá Lạch Vạn cho biết: “Tàu của tôi chỉ công suất trên 90 CV. Chiều hôm qua, tôi nhận được tín hiệu có bão độ bộ vào đất liền nên đã cùng anh em bạn thuyền, đánh tàu vào bờ neo đậu một cách an toàn. Trong khi diễn biến mưa bão, tôi không ra khơi mà chờ bão tan mới ra khơi tiếp”.
Người dân giúp đỡ nhau đưa thuyền núng vào bờ tại đảo Lan Châu, Cửa Lò. Ảnh: Cảnh Thắng
Được biết, tại huyện Diễn Châu có 1.546 tàu thuyền, trong đó có 280 tàu công suất trên 90 CV, do đó phần lớn tàu thuyền của địa phương đánh bắt gần bờ, hiện nay đã vào bờ neo đậu tránh bão số 4 một cách an toàn.
Sau khi các ngư dân neo đậu tàu thuyền vào bờ an toàn, họ mang hành lý trở về nhà tránh bão cùng gia đình. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NNPTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Thực hiện công điện về phòng, chống cơn bão số 4 của tỉnh, từ chiều nay (29/8), huyện Diễn Châu cấm biển đối với tất cả các tàu thuyền. Đối với số tàu công suất trên 90 CV đang hoạt động trên biển, các địa phương đã liên lạc, yêu cầu về đất liền trong ngày 29/8...”.
Bắt đầu từ 5h sáng 29/8, UBND tỉnh Nghệ An sẽ ra lệnh cấm biển đối với các tàu thuyền ra khơi. Ảnh: Cảnh Thắng
Người dân gia cố nhà cửa để tránh bão số 4. Ảnh: Cảnh Thắng
Trước cơn bão số 4, người dân đã nhanh chóng gia cố nhà cửa tránh thiệt hại do bão gây ra. Ảnh: Cảnh Thắng
Thuyền núng đánh bắt mực nháy được ngư dân đưa vào bờ an toàn. Ảnh: Cảnh Thắng