Thuyền là nhà
Chúng tôi trở lại ngôi nhà 4 tầng ở đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), để gặp lão ngư Phạm Hừng. Gần 75 tuổi, nhưng ánh mắt ông Hừng vẫn quắc thước, giọng nói sang sảng. Ông Hừng hào sảng kể cho chúng tôi nghe đủ thứ chuyện về gia đình ông và về biển.
Tuổi gần 75, lão ngư Phạm Hừng vẫn khẳng định sẽ theo nghề biển cho đến khi nào không còn sức mới thôi.
Ảnh: Đình Thiên
Ông Hừng kể, làng Phổ An - quê hương ông là một làng biển lành nghề của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Khi mới 15 tuổi, ông Hừng đã bắt đầu đi bạn (thuyền viên) cho một số ghe tàu trong xã ra Hoàng Sa đánh bắt tôm cá.
“Thời điểm những năm 60, cả làng biển Phổ An đều nghèo đói, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Cả làng chỉ có mấy chiếc ghe, còn chủ yếu người dân đi thúng ven bờ. Hồi ấy ghe nào cũng nhỏ xíu, nhưng chuyến biển nào trở về bờ cũng đầy ắp cá tôm vì ngư dân miền Trung độc chủ ngư trường Hoàng Sa. Hải sản lúc đó nhiều, tàu bè thì ít nên dân tuy nghèo nhưng cuộc sống thoải mái lắm…” - ông Hừng kể.
Đi bạn cho các ghe trong xã được chừng 10 năm, khi đã thông hiểu hết ngư trường Hoàng Sa và thấy nguồn lợi từ vùng biển này nên ông Hừng quyết định ra làm ăn riêng. “Với số vốn tích góp sau 10 năm đi bạn, cộng tiền vay mượn, tui đóng được chiếc ghe đầu đời. Từ đây tui lập nghiệp và lần lượt rủ thêm 4 thằng em cùng vào nghề. Thích thú với biển, mỗi năm, cả tui và 4 đứa em chỉ ở trên đất liền khoảng vài tháng, còn lại đều có mặt trên biển Hoàng Sa…”- ông Hừng kể lại.
Ông Hừng cho biết, gia đình ông 6 người con, ông là con trai đầu, tiếp theo là 4 em trai và cuối cùng là em gái.
Đáng ngạc nhiên là trai hay gái đều theo nghề biển. Hiện, ông làm chủ 4 tàu cá và góp vốn trong 11 chiếc tàu cá khác đều do các em của ông làm chủ.
Những chuyến biển trong bão táp
Thuyền là nhà, biển cả là quê hương. Biển là nguồn nuôi sống gia đình tôi và hàng trăm nghìn gia đình ngư dân Việt khác, nên khó khăn bao nhiêu đi nữa hay thậm chí phải đổi bằng máu thì chúng tôi vẫn bám biển. Bám biển để giữ nồi cơm của chính gia đình mình rồi giữ chủ quyền của đất nước mình”. Ngư dân Phạm Hừng |
“Biển Hoàng Sa đúng là vựa cá của Biển Đông, nhưng những năm gần đây để đưa được “ký cá cân tôm” về tới đất liền không phải điều dễ dàng. Khoảng hơn 20 năm gần đây, sau sự kiện Gạc Ma thì vùng biển Hoàng Sa dần xuất hiện nhiều tàu lạ. Sau này chúng tôi mới biết rõ đó là tàu của Trung Quốc. Tàu của lực lượng chấp pháp cũng có, tàu đánh bắt cũng có, nhưng điểm chung là tàu của họ đều rất to, máy rất khỏe nên ngư trường của chúng tôi bị thu hẹp lại...” - ông Hừng cho hay.
Ông kể, tháng 9/2003, ông với 2 tàu gồm QNg 8399 và QNg 8759 đánh bắt ở vị trí 19,25 vĩ độ Bắc -117,42 độ kinh Đông, thuộc vùng biển Việt Nam gần Vịnh Bắc Bộ thì bị 1 tàu Trung Quốc chạy tới đe dọa. Tàu này đã dùng loa yêu cầu các tàu của ông di chuyển về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng nhóm tàu của ông Hừng nhất quyết không nghe và tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu QNg 8399. Sau đó họ bắt 10 ngư dân trên tàu này lên đảo Hải Nam giam giữ, sau 2 tháng mới trao trả qua Cửa khẩu Móng Cái.
“Sau khi bắt 10 bạn của tôi, tàu của Trung Quốc tiếp tục cho người nhảy lên tàu QNg 8759 để hòng chiếm quyền chỉ huy tàu. Lúc đó, tôi đang làm thuyền trưởng tàu này, nên đã hô tất cả anh em cùng cầm dao, típ sắt… đứng dàn quanh mạn tàu. Thấy chúng tôi sẵn sàng “sống mái” nên tàu Trung Quốc rút đi. Đợt đó, tôi thiệt hại hơn 2 tỷ đồng…” - ông Hừng nói.
Sau này, rất nhiều lần gặp tàu của Trung Quốc đe dọa, xua đuổi, xịt vòi rồng… nhưng với bài học xương máu năm 2003, ông Hừng cho biết, không để thiệt hại cho bạn và tài sản thêm lần nào nữa. “Hiện nay, mỗi khi ra biển thì 15 chiếc tàu của tui đều đi một lượt và chia ra làm 5 tổ đánh bắt gần nhau. Mỗi khi có chuyện, tui chỉ cần gọi bộ đàm báo là tàu của mấy anh em tui chạy lại cùng tiếp ứng. Vùng biển của mình mình cứ đánh bắt chứ không sợ gì hết” - ông Hừng khẳng định”.