Dân Việt

Thịt lợn sạch giá 50.000 đồng/kg hơi vẫn cháy hàng giữa dịch tả

Minh Huệ - Trần Quang 30/08/2019 09:44 GMT+7
Sau hơn 5 tháng xảy ra dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), đến nay nhiều hộ dân ở miền Bắc đang mong ngóng tái đàn vì giá lợn hơi đang tăng cao, hầu như ai có để bán lúc này cũng thu lợi nhuận, đặc biệt là lợn sạch. Trong khi đó, Bộ NNPTNT cũng dự báo do tổng đàn lợn giảm vì dịch bệnh, cộng với nhu cầu tiêu thụ thịt lợn từ nay tới cuối năm tăng cao nên giá sẽ còn tăng tiếp.

Không đủ thịt sạch bán cho khách

Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc đang dao động phổ biến ở mức 45.000 – 48.000 đồng/kg; tại miền Nam từ 35.000 - 43.000 đồng/kg, tại các tỉnh miền Trung cũng tăng lên 37.000 - 45.000 đồng/kg. Cá biệt, ở một số địa phương còn đạt mức giá 50.000 – 51.000 đồng/kg nhưng đây không phải là mức giá phổ biến, và phải là những con lợn đẹp nhất trong chuồng.

Mức giá cao nhất này xuất hiện ở các tỉnh có đàn lợn bị giảm mạnh như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam; hoặc gần biên giới Trung Quốc như Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Hiện mỗi ngày vẫn có khoảng vài trăm con lợn được đưa sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

img

Ông Nguyễn Văn Thục ở xóm 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh (Nam Định) chăm sóc đàn lợn của gia đình theo quy trình an toàn, cho lợn ăn thảo dược. (ảnh: Trần Quang)

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc HTX chăn nuôi an toàn Siêu Việt (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết, hiện HTX có 16 thành viên với tổng đàn 100 lợn nái, hơn 5.000 lợn thịt được chăn nuôi theo quy trình an toàn. Mặc dù dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, song HTX Siêu Việt vẫn xuất bán lợn đều đều mỗi ngày, thậm chí không có đủ thịt lợn để cung cấp cho khách hàng.

Ông Việt chia sẻ: “Ý tưởng của chúng tôi khi xây dựng HTX là giúp nhau tự vực dậy hoạt động chăn nuôi lợn của mỗi gia đình. Sau khi đánh giá thị trường tiêu dùng, nhìn nhận lại quy trình chăn nuôi, chúng tôi quyết định phải tạo ra sản phẩm chăn nuôi đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng: An toàn, vệ sinh, tốt cho sức khỏe và giá cả phù hợp. Theo đó chúng tôi từng bước chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học: Con giống an toàn – thức ăn an toàn – an toàn dịch bệnh. Quy trình chăn nuôi được ghi chép đầy đủ, các giai đoạn phát triển của lợn được xã viên theo dõi sát sao, đánh giá chi tiết”.

Các thành viên của HTX ưu tiên sử dụng thức ăn hữu cơ như cám gạo, cám ngô, sắn, rau bèo, cây chuối... phối trộn với một lượng thức ăn công nghiệp vừa đủ cho lợn ăn. Mặt khác, để đàn lợn vận động, giảm mỡ, tăng quá trình trao đổi chất, HTX còn bổ sung lá đinh lăng tươi vào thức ăn cho đàn lợn thịt trong khoảng thời gian 2 tháng trước khi xuất chuồng. Hầu hết xã viên của HTX đều tận dụng đất trống, rìa ao, bờ ruộng để trồng đinh lăng cung cấp cho đàn lợn. Đặc biệt, lợn ở HTX Siêu Việt còn được cho tắm nắng, chạy nhảy ở khu vực sân riêng.

Ông Nguyễn Văn Việt cho biết: Khi DTLCP tấn công địa phương, HTX chỉ có 1 trường hợp hộ xã viên chăn nuôi kiểu chuồng hở nên bị dịch tấn công. Ngay lập tức, chúng tôi tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy đàn lợn nhằm chặn dịch lây lan. Từ đó tới nay, các xã viên chăn nuôi bình thường. Do thực hiện quy trình chăm sóc tốt, lợn được ăn lá đinh lăng nên thịt rất thơm ngon. Bà con xã viên nuôi được con nào, HTX thu mua toàn bộ với giá dao động từ 47.000 – 48.000 đồng/kg. Toàn bộ sản lượng thịt lợn của HTX không bán cho thương lái mà được tiêu thụ tại 2 cửa hàng bán thực phẩm ở Hưng Yên và 3 cửa hàng tại Hà Nội. Mỗi ngày HTX giết mổ từ 5-10 con lợn, ngày cao điểm lên tới 15-16 con.

Theo ông Vũ Văn Kỳ - chủ trang trại đang nuôi 600 con lợn thịt ở xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên), giá lợn hơi trên địa bàn hiện dao động quanh mức 48.000 đồng/kg. Thương lái liên tục gọi điện cho ông hỏi mua tới tấp, tiếc là không có nhiều lợn to để xuất bán dịp này.

Ông Kỳ cho hay, ở huyện Tiên Lữ hiện nay, sau khi nhiều trại lợn bị chết sạch vì DTLCP, bà con vẫn để chuồng trống, chưa dám tái đàn. Trong khi ở nhiều nơi khác, lợn vẫn tiếp tục dính dịch. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng "chóng mặt" thời gian qua. 

Năm ngoái, doanh thu của HTX đạt hơn 20 tỉ đồng, dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 30 tỉ. Trung bình mỗi hộ xã viên thu nhập ít nhất cũng đạt 2-3 tỉ, nhiều lên tới khoảng 5 tỉ đồng/năm”.
Ông Nguyễn Văn Việt  

Nông dân “ngóng” tái đàn

Sau khi bị DTLCP “tấn công” đàn lợn gần 100 con, anh Nguyễn Đức Thơ - chủ một trang trại ở huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đã quyết định dùng toàn bộ số thức ăn thừa của lợn để nuôi cá chép tại ao của gia đình. Anh Thơ cho biết, so với các loại vật nuôi, lợn là loài dễ nuôi và nhanh thu hồi vốn nhất, nên bằng mọi giá gia đình anh sẽ tái đàn lợn trở lại, dù DTLCP chưa được khống chế.

Tương tự, cũng là hộ bị lỗ hàng tỷ đồng vì lợn nhiễm virus DTLCP, nhưng ông Phạm Trung Tuyến ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cũng đang mong sớm được chăn nuôi lợn trở lại để có cơ hội thu hồi vốn, trả nợ. Vào những ngày này, vợ chồng ông Tuyến đang tích cực thuê người thu dọn, xây dựng lại trang trại để chuẩn bị đầu tư vào chăn nuôi lợn.

Xung quanh việc nhiều nông dân rục rịch tái đàn, ông Hà Quốc Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình) cho biết: Khi đảm bảo công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi lợn có thể tái đàn. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý mấy điểm. Một là, cơ sở chăn nuôi đó phải đảm bảo áp dụng theo quy trình an toàn sinh học. Hai là, không tái đàn ồ ạt, nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước (khoảng 10% năng lực chăn nuôi), sau đó nếu thấy ổn thì mới tăng tiếp quy mô lớn hơn.