Dân Việt

Truyện dự thi: Anh em kết nghĩa

Đoàn Hữu Nam 01/09/2019 18:16 GMT+7
Nhà Phù bắt được kẻ trộm gà. Nghe tiếng gà kêu quác, con mực đã phóng ra thộp vào ngực tên kẻ trộm. Phù thổi tù và báo động, chỉ một loáng mấy chục cái đèn pin đã loang loáng châu vào phía nhà Phù. Phù tóm cổ tên trộm rồi soi khắp người hắn.

Thì ra là thằng On. Bố On là thầy cúng, hai bàn tay ông bố On có bảy ngón, trong lễ cúng chẳng ai biết ông ám quẻ được lũ ma mãnh hay lũ ma mãnh ám quẻ ông. Song mọi người lại nghĩ bảy ngón tay đan vào nhau kết thành chữ để làm phép trấn áp ma quỷ, nhưng hai bàn tay có bảy ngón thành ra ma quỷ theo kẽ nẻ chui cả ra ngoài, nhìn thầy đang dẹo dọ rồi cười khành khạch.

img

Bố thằng On bị đi tù vì dám cả gan bắt con bệnh không được đi viện cho thầy thuốc chữa, mà phải ở nhà để thầy cúng bắt ma, ma quỷ không lôi ra được thì người ấy phải về với đất. Ngày bố còn ở nhà, vợ chồng On dựa cả vào bố, bố vào tù, hai vợ chồng, vợ thì vạ vật làm thuê làm mướn qua ngày, chồng thì lang thang trộm cắp. On trộm cắp điệu nghệ đến mức bao nhiêu lần làng bản tưởng như bắt tận tay day tận trán, vậy mà nó vẫn vuột đi như con lươn trong bùn. Đi đêm lắm có ngày gặp ma, lần này không có con mực chắc gì Phù bắt được nó.

Trước đám đông đang phừng phừng nổi giận, thằng On ngồi rũ như tàu cải héo. Phù hất hàm hỏi:

- Mày bị bắt quả tang rồi còn gì để nói?

 On van xin rối rít:

- Dạ, em đói quá, em trót dại…

- Hừ đói, đói thì cả bản cả nước đói chứ riêng gì nhà mày.

- Dạ nhà em... vợ em vừa đẻ, không có sữa…

- Vậy cứ thiếu đói là đi ăn cắp hay sao? Mày nói trót dại, vậy thì con trâu nhà Lử, con ngựa nhà Sáng, đàn gà nhà Mây có phải tay mày trộm không?

On vội xua xua tay:

- Không, không…, em không biết. Đói rét em cắn răng chịu đựng, nhưng lần này vợ em đẻ, nhà không còn gì cho vợ ăn, nên em đành đến mượn anh mấy con gà…

 On òa khóc, tiếng khóc của người đàn ông ồ ồ chẳng khác gì con bò rống khi bị chọc tiết.

Cái nóng trong nhà, trong người của đám đông nguội dần. Một người ném cả bó nứa làm đóm vào bếp, ngọn lửa bùng lên như tỏ rõ sức mạnh của lửa.

On nước mắt nước mũi ròng ròng quỳ xuống vái lạy lia lịa:

- Con biết tội của con rồi, con xin các ông bà chú bác anh chị, từ nay con  không thế nữa.

  Nét mặt mọi người dãn ra, xa xót, những đám mây tối sầm trong mắt bay dần, sự hối cải qua mồm tên ăn trộm đã xoa dịu, làm họ thỏa mãn. Một người đứng tuổi bảo:

- Thôi tha cho nó, nó hiểu, nó chừa là được rồi.

Người khác:

- Thôi, chuyện to cho nhỏ, chuyện nhỏ bỏ qua, chuyện con gà con chó chứ con voi con hổ gì, ngon hay không ngon cũng suối bản mình cả mà.

 Lúc này ông Hùng trưởng bản mới lên tiếng:

- Anh Phù tha cho nó đi. Mở cho nó con đường sống đi.

Phù miễn cưỡng nghe lời. Ông Hùng bảo:

- Thôi ai về nhà nấy, không khéo xử kẻ bắt gà ở đây ở nhà lại mất lợn mất trâu đấy.

 Mọi người lục tục dúi ngọn đuốc vào bếp, bếp lửa bùng lên rồi tõe ra, dẫn từng người ra khỏi nhà Phù, riêng thằng On vẫn quỳ mọp, Phù tức giận đá một phát làm nó lăn kềnh ra:

- Không về còn ở đây ăn vạ hả?

Thằng On nấc lên:

 - Em đội ơn anh tha mạng, nhưng vợ em đói quá, anh làm ơn cho em cái gì ăn được mang về cho nó không nó chết mất.

 Phù bực mình quát lên:

 - Lại còn thế nữa!...

 Phù hậm hực bảo vợ lấy mấy ống gạo cho vào túi, còn mình cắt tảng thịt cán bá đưa cho On, bảo:

- Thôi đứng dậy, lần sau bắt được ăn trộm tao cắt cổ.

 On tế vợ chồng Phù như tế sao rồi thắp đuốc ra về. Sau lần ấy, Phù những tưởng nó không bao giờ đi ăn trộm nữa, ai ngờ vẫn chứng nào tật ấy, mọi người nhìn thấy nó ở đâu là y như rằng ở đó, không mất thứ này cũng mất thứ khác. Điều đáng buồn là nó giỏi đội lốt cáo cũng có, do đêm tối, rừng rậm chặn đường ngăn mắt người cũng có, nhưng có lẽ cái chính là do sự thờ ơ mặc cho ngọn lửa nhảy múa trên mái gianh mái cọ hàng xóm của nhiều người.

Và rồi Phù và nó kết nghĩa anh em. Một buổi sáng trên đường xuống chợ, hôm đó trời rét như cắt da cắt thịt, mây mù không còn là bụi nữa mà đã nặng thành hạt phủ dày đặc khắp đồi, khắp núi. Mưa rét làm cho mặt đất nhớp nháp, bẩn thỉu, quần áo, tóc tai ướt đẫm. Phù đang đánh vật với đường sá lầy lội, người ngợm run lên vì lạnh thì từ đằng sau, thằng On vượt lên chào. Cám cảnh thằng On chỉ đóng độc một bộ quần áo vải lanh cũ kỹ rách hở cả da thịt, Phù buột miệng hỏi: “Mặc thế này mà không thấy rét à?”, thằng On cười vô tư: “Ồ, mặc nhiều rét nhiều, mặc ít rét ít thôi mà!”. Phù bật cười vì lối ví von thông minh, ngộ nghĩnh nhưng thấy lòng như không lửa, chấp nhận hoàn cảnh đến thế này là cùng. Phù lấy cái áo mưa trong lù cởi đưa thằng On, bảo lấy mà mặc. Thằng On đỡ lấy vẻ cảm động, bảo chỉ có anh mới thương em. Phù bảo đừng có dẻo miệng nữa, có chuyện gì thì kể cho đường xuống chợ ngắn lại đi. Thằng On như được gãi đúng chỗ ngứa, nó thao thao kể. Nào là hôm được anh Phù cho gạo cho thịt về, vợ nó đã ôm lấy túi gạo khóc nức lên. Nào là hôm ấy, nó xào thịt anh Phù cho để một mình vợ ăn, còn nó ngồi uống rượu khan, vợ bảo thế nào nó cũng không đụng lấy một miếng. Nào là thằng con nó có cơm có thịt anh Phù cho lớn phổng, bé tí mà mồm đã mấp máy, mắt hấp háy đòi sang nhà bác Phù… Phù biết thằng On bịa chuyện, song vẫn thấy ngọt tai, giống như hút thuốc lào pha tinh nứa, chẳng bổ béo gì nhưng cũng làm cho cái mồm đã thèm, cho đêm mưa ngắn lại.

Hai người đến chợ sớm, Phù bảo On cùng vào hàng làm chén rượu cho ấm bụng. Thằng On tưởng Phù tin chuyện mình kể nên càng múa tay múa mồm nịnh nọt. Khi được rót cho bát rượu thứ ba, nó quỳ xuống xin Phù được làm anh em. Phù ngần ngừ, anh biết dẻo miệng thường nuôi nấng gian tà, phản phúc, nhưng hai bát rượu làm cho người châng lâng, rạo rực khiến Phù gật đầu dễ dãi. Nhanh như cắt, On chộp ngay cái đầu gà trên đĩa đặt lên bàn rồi rút dao bập mạnh xuống, cái đầu gà bị chẻ làm đôi. Phù chưa kịp hiểu ra chuyện gì, nó đã nâng bát rượu lên ngang mặt, rưng rưng: “Anh đã không chê em nghèo hèn, tội lỗi, mà nhận em làm em, trước trời đất và bà chủ đây chứng giám, em mời anh cùng em cạn bát rượu đánh dấu tình cảm anh em”. Phù hối hận vì sự nông nổi của mình, song anh không còn đường lui, đành phải đỡ bát rượu dốc vào cuống họng một nửa, một nửa đưa trả lại nó.

Tối ấy, Phù kể lại chuyện kết nghĩa anh em với On cho vợ nghe, May bảo: “Đã là đít nồi thì đặt chỗ nào cũng nhọ, dây vào nó là mất mặt đấy”. Phù thở dài: “Nhưng trót nhận rồi, lời nói ra là dao chém đá, không lấy lại được đâu”. May bảo: “Vậy thì phải bắt nó đổi tâm đổi tính đi, nó sửa được thì phúc cho nó, tránh được họa cho mình, cho dân bản. Nó không sửa được thì cũng không ai trách được mình”. Phù nghe vợ rành rẽ lòng thấy xuôi xuôi.

Ngày hôm sau, Phù và May đến nhà On, chiếc lù cở trên lưng May tíu tít uống vầu rượu, con gà và mấy ống gạo. On ra tận đầu dốc đón hai người, khi hai nhà yên vị quanh cái bếp nguội ngắt, Phù bảo:

- Đã nhận anh em thì phải xứng đáng là anh em, cô chú phải thay đổi đi, không thể kéo trước hở sau mãi thế này được.

Vợ chồng On nhìn nhau, On bảo:

- Dạ chúng em cũng biết vậy, nhưng hoàn cảnh nhà em…

 Vợ On mếu máo:

- Anh ơi, nhà em suốt đời kéo rào ngược dòng để đến nỗi không còn chỗ quay đầu rồi.

Phù với cái điếu ục chậm rãi tra thuốc, châm lửa. Hút xong ba điếu thuốc, Phù thủng thẳng:

- Trước đây nhà có mảnh ruộng nào không?

Vợ On:

- Dạ có hai mảnh ở chân dốc Trát, nhưng đã bán cho nhà ông Páo rồi.

- Có phải hai mảnh giáp bờ suối hai năm nay không cấy, cỏ ngập đầu rồi không?

- Dạ vâng, nhà ấy cấy được mấy vụ, giờ các con lên phố huyện ở, hai ông bà già làm không hết.

Phù thở phào:

- Vậy là có cách rồi, trước mắt phải chuộc hoặc thuê lại chỗ ruộng ấy mà cấy trồng.

Vợ chồng On nhìn nhau, nhìn vợ chồng Phù.

Phù bảo: 

- Phải cho cái bụng nó no thì mới nghĩ được việc khác.

Vợ On ngập ngừng:

- Nhưng… nhưng…

Phù cương quyết:

- Không nhưng gì cả, tôi sẽ lo chuộc hoặc thuê lại ruộng, cũng ăn chung mỏ nước cả mà, cái quan trọng là cô chú có chịu làm hay không thôi.

Vợ On nhìn On, ánh mắt như xuyên thấu tim gan.

 On làu bàu:

- Nhìn gì mà nhìn, người ta làm được mình làm được, có đui què sứt mẻ gì.

Phù vỗ đùi cười ha hả:

- Được nghe câu này của chú là anh mừng rồi. Thôi, nổi lửa đun nước làm gà đi, hôm nay không say không là anh em.

Cái bếp nhanh chóng được khởi động, cái xoong mốc meo treo trên vách được hạ xuống, loáng cái ngọn lửa đã liếm đít xoong loang loáng, tiếng reo của lửa, của xoong nước hòa vào tiếng reo của lòng người.

*

*     *

Ngày tháng thuận trôi, vợ chồng thằng On dẫu chưa có lúa đổ bồ ngô treo xà, song không còn cảnh kéo trước hở sau, tình cảm giữa vợ chồng On với gia đình Phù đã dần đến mức nóng cùng nóng cùng lạnh. Nhưng Phù có ngờ đâu chỉ một chút nghi ngờ, sơ sẩy của anh mà thằng On mất mạng, còn anh ôm hận suốt đời.

Hôm ấy, Phù đang ngồi trên hè vót nan làm lù cở, May đang hì hụi xúc phân trâu tươi vào sảo bê ra sân đầu hồi phơi. Góc sân đã phủ dầy lớp phân oai oải, phân cũ phân mới gặp nắng bốc mùi nồng nặc mời gọi ruồi mẹ ruồi con về làm cỗ.

Xong việc phơi phân, May ra chỗ gốc cây lê, nơi có những ngọn su su mập mạp cố ra vẻ nhoài ra khỏi bao bọc của biển sương mây lấy mấy gộc củi mang lên sân bổ. Thấy mấy khúc gộc củi rừng đặc quánh, sức đàn bà bập xuống như bập vào bao bông, Phù ra giằng cái búa trong tay May, máu che chở phồng lên, nhát búa của kẻ dư thừa sức lực bổ mạnh xuống, gộc củi toác ra.

- Ruột thịt đến rồi kia kìa!

 May vừa nhìn Phù, vừa mát mẻ.

Phù nhìn ra ngõ, anh thấy thằng On chân tênh tênh, mặt phởn phơ, thỏa mãn, chưa đến cửa đã oang oang:

- Chào anh chị, có cái uống rượu đây, hôm nay em đãi.

Phù nhăn mặt, lạnh tanh:

-  Lại móc được cái gì của ai hẳn?

On gỡ gùi khỏi vai:

- Em không móc của ai đâu, của nhà đấy, gà leo cây ngọt thịt, lạc đầu mùa ngậy phải biết anh ạ.

May cười:

- Lạc nhà chú làm gì đã đến ngày dỡ.

On cười:

- Dạ đúng ba con trăng cộng với sáu ngày rồi, em tính từng ngày đấy chị ơi!

Phù cười:

- Biết rồi, thế cô ấy được ăn củ nào chưa?

On cười:

- Dạ chưa, gốc ăn ngọn mới được ăn chứ.

On bảo:

- Dạ em thưa thật với anh chị, nhờ anh chị em đã có lạc, có lúa sắp gặt, con trâu nái xã cho mượn nuôi đã có chửa. Hôm nay, em mang con gà nuôi được đến đây là muốn làm cái lễ kết nghĩa anh em cho đúng lý đúng lối.

Phù bật cười:

- Chú đến lạ, người ta làm lễ nối anh nối em chỉ một lần chứ ai lại mấy lần.

- Dạ lần trước không tính vì chưa có tổ tiên chứng giám, lần này, anh chiều em đi.

Phù thấy On nói cũng có lý, hơn nữa nó đã cõng gà cõng lạc đến đây rồi thì cũng nên làm cái lễ cho đàng hoàng, anh bảo:

- Thôi được rồi, làm thì làm.

Ba người kéo nhau vào nhà. Phù lấy cái bát, cái bình tông rượu, con dao cài trên vách.

On bắt gà. Con gà biết phận sự thiêng liêng của mình hay sao mà ngửa cổ gáy ba tiếng dõng dạc.

Phù thắp hương, cắm lên bát hương trên bàn thờ tổ tiên, lầm rầm khấn vái rồi đổ rượu ra bát, cắt tiết gà, khía ngón tay mình, lấy máu rỏ vào bát, đưa cho On. On run run cầm dao khía vào ngón tay mình rồi cho máu chảy tong tong xuống bát. Phù khuấy cho bát rượu pha máu người, máu gà cho đều rồi nâng lên ngang mày dõng dạc:

- Kính thưa trời đất, thần linh, tổ tiên họ Giàng, họ Hoàng, hai chúng con là Giàng Seo Phù và Hoàng Văn On, chúng con kính mong được trời phù, thần giúp, tổ tiên hai họ xuôi dòng cho được làm anh em. Trước chứng giám của giời đất, thần phật, tổ tiên, chúng con xin hứa sẽ sớm tối cùng nhau, đường tối rấp lối, đường sáng soi chung, có khổ cùng chia, có lộc cùng hưởng.

Phù vái tổ tiên ba vái.

On nghiêm trang, thành tâm làm theo.

Phù đưa bát rượu lên miệng uống một ngụm rồi trịnh trọng đưa cho On.

On rưng rưng đỡ lấy, nhưng những giọt máu thiêng chưa kịp chảy vào cuống họng On thì ngoài cửa hai anh dân quân ập vào, On giật mình đánh rơi bát rượu máu. Hai anh dân quân vắn tắt với Phù chuyện chiều qua On đi qua nhà ông Mã A Vu - Trưởng họ Mã, đúng lúc ấy ông Vu đang tẩy trần vật tổ là con ngựa cỡ nắm tay được đúc bằng đồng đen. On đã vào xem ông Vu làm lễ tẩy trần, hỏi han ông về con ngựa vật tổ, rồi đêm qua con ngựa ấy để cái hốc nhà mà chỉ có ông Vu biết đã không cánh mà bay.

Phù giật mình, khắp vùng ai cũng biết vật tổ linh thiêng của dòng họ Mã ở Thu Phố. Con ngựa đã bao bọc người họ Mã, được người họ Mã bao bọc từ khi chạy loạn khỏi Quý Châu. Vật tổ ấy cùng người họ Mã đã phải trải qua sông giáo rừng gươm, lưới giời bẫy núi của bọn Hán tặc. Dằng dặc cả chục năm trời từ chỗ sống đến chỗ chết, từ chỗ chết đến chỗ sống, từ đồng bằng qua rừng sâu núi thẳm, mười người ra đi, bảy tám người nằm lại, vật vã, tổn hao mãi mới đến được đất Thu Phố, được người Thu Phố cưu mang. Hơn hai trăm năm qua, họ Mã từ nương nhờ vật tổ mà trên dưới thuận hòa, no đủ, sinh cành sinh nhánh. Mất vật tổ họ Mã, mất con suối đầu nguồn, họ Mã sẽ loạn từ trong loạn ra, từ ngoài loạn vào.

Từ lúc hai anh dân quân vào, thằng On như cây chết đứng, nghe hai anh dân quân nói nó thành cây chết đen. Nó rập đầu đến tóe máu kêu oan. Hai anh dân quân bảo oan hay không về ủy ban xã sẽ rõ. Nó cầu khẩn Phù. Phù hoang mang, nửa tin thằng On đã bỏ đường tối ra đường sáng, nửa nhớ đến những ngày nó trộm cắp thành tinh, tin ngờ dùng dằng khiến mồm anh muốn cất tiếng kêu oan cho thằng em kết nghĩa song hai mắt anh cứ truội đi như nhìn cây nứa trôi sông.

Phù đã để mặc hai anh dân quân dong On về xã để làm rõ việc mất vật tổ dòng họ Mã. Ba người đi được chừng nửa canh giờ thì Phù giật mình khi nhìn thấy bát rượu tiết On làm vỡ lênh láng dưới nền nhà vẫn còn nguyên màu máu. “Đúng là thằng On bị oan rồi”, Phù phóng vội theo đường sang phía ủy ban xã, đến đoạn vực thuồng luồng, anh thấy dưới đó mọi người đang huyên náo. Phù tìm đường tụt vội xuống vực, đến mép nước, anh thấy mọi người xúm đông xúm đỏ, anh rẽ mọi người lao vào, vừa nhìn thấy thằng em kết nghĩa nằm ngửa trên bãi cát anh đã thấy dòng máu đỏ tươi trào ra khỏi miệng nó. Thấy Phù, hai anh dân quân vội phân bua, rằng khi ba người đang đi trên bờ vực thì bất ngờ On hét lên rồi lao cắm đầu xuống, rằng hai người đã tìm cách xuống cứu nhưng không kịp, rằng không biết tại sao On không no nước mà lại tắt thở…

Những giọt máu oan của thằng On làm Phù sững sờ, mọi người sững sờ, ai nấy còn sững sờ hơn khi đứa cháu của dòng họ Mã phóng ngựa tới hào hển nói đã tìm được vật tổ, ông trưởng họ chiều qua sợ On lấy trộm nên đã vùi trong bồ thóc rồi lú lẫn quên mất, mãi lúc này con cháu mới tìm ra.

Việc đã rõ sáng rõ tối, mọi người ngậm ngùi đưa thằng On về bản làm ma, chỗ thằng On được vớt lên tự dưng mọc lên một cái cây rễ trắng, thân trắng, lá trắng. Cái cây ấy, ban ngày phát ra mùi hôi thối đến mức quanh bãi không con trâu con ngựa nào dám đến gần, nhưng ban đêm lại tỏa ra mùi hương kỳ lạ. Mùi hương lạ đó đã làm cho dưới vụng cá tôm hân hoan bơi lặn. Trên trời, dơi háo hức lượn lờ, đom đóm rủ nhau về đậu quanh khiến cây trắng thành cây đuốc lạnh. Già bản bảo giời đất thần nhân luôn rõ trắng rõ đen, vong hồn của thằng On vừa siêu thoát vừa không siêu thoát, đừng có chặt cây lạ đó mà mang tội.

Truyện dự thi: Anh em kết nghĩa - Ảnh 1.