Dân Việt

Người khuyết tật “nặng gánh” chi phí y tế

Lê Mai 31/08/2019 06:00 GMT+7
Cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật (NKT) với nhiều khó khăn về đời sống, nhiều bệnh tật, dị tật cần chữa trị. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 3 triệu NKT tự mua bảo hiểm y tế và đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh.

60% NKT trong tuổi lao động

Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và Tổ chức The International Center (IC) tổ chức hội thảo "Chính sách BHYT đối với NKT - Thực trạng và định hướng sửa đổi, bổ sung".

img

Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai).   Ảnh: L.M

Theo báo cáo điều tra quốc gia NKT năm 2016, Việt Nam có 6,2 triệu NKT. Trong đó, tỷ lệ khuyết tật vận động là 29,41% (hơn 1,8 triệu người), khuyết tật nghe, nói là 9,32% (gần 578.000 người), khuyết tật nhìn là 13,84% (858.000 người), khuyết tật thần kinh, tâm thần là 16,83% (hơn 1 triệu người), khuyết tật trí tuệ là 6,52% (404.000 người) và khuyết tật khác là 24,08 % (hơn 1,4 triệu người).

Tại hội thảo, các báo cáo đều cho thấy, NKT đang đối mặt với nhiều khó khăn về điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe. Số hộ gia đình có NKT chiếm 55% trong 2 nhóm thu nhập thấp nhất của cả nước. Theo chuẩn tiếp cận nghèo đa chiều năm 2016, hộ gia đình có NKT sẽ có nguy cơ nghèo cao gấp hơn 2 lần so với hộ gia đình không có NKT (19,4% so với 8,9%). Hầu hết, NKT đã bị ốm, bệnh, chấn thương hoặc có sử dụng dịch vụ y tế trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm điều tra (91,5%) và cao hơn gần 20% so với người không khuyết tật.

“Đáng chú ý, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, 15,14% NKT gặp khó khăn trong đi bộ. Nếu được sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%. Do đó, nếu đáp ứng được việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT có thể giúp họ tạo ra sự khác biệt lớn về khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.

Theo ông Khuê, hiện nay, tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi. Đặc biệt, khi Việt Nam đang già hóa dân số, tỷ lệ NKT cũng sẽ gia tăng. “NKT cần được chăm sóc y tế mới có thể hòa nhập cộng đồng và lao động nuôi sống bản thân, giảm nhẹ gánh nặng xã hội” - PGS Khuê nói.

3 triệu NKT cần trợ giúp

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất các loại dụng cụ trợ giúp cần quan tâm đưa vào diện BHYT chi trả: Dụng cụ chỉnh hình (gồm các loại máng, nẹp các loại dùng cho NKT bị suy giảm vận động, biến dạng xương, khớp); dụng cụ thay thế (được sử dụng để thay thế một bộ phận cơ thể đã mất với mục đích tăng phục hồi chức năng cho phần chi bị cắt cụt).

PGS Khuê cho biết, hiện nay, hơn 3 triệu NKT đã được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí và không phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 3 triệu NKT tự mua thẻ BHYT và phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh. “Họ là những người thường xuyên ốm đau, cần chăm sóc y tế. Đời sống của họ lại khó khăn, nếu phải đi khám chữa bệnh nhiều, số tiền đồng chi trả lớn, cuộc sống đã nghèo, sẽ càng khó khăn hơn” - ông Khuê nói.

Phạm vi chi trả BHYT đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng dành cho NKT liên tục được mở rộng. Nếu như năm 2011 là 33 bệnh và 47 kỹ thuật phục hồi chức năng, thì năm 2016, đã tăng lên 252 kỹ thuật (tất cả các dịch vụ phục hồi chức năng Bộ Y tế ban hành đều được chi trả BHYT).

Tuy nhiên, PGS Khuê nhấn mạnh, NKT rất cần các dụng cụ trợ giúp trong vận động, nhưng lại chưa được BHYT chi trả. Các dụng cụ này không rẻ, do đó nhiều NKT đành chịu cảnh không thể đi lại, tìm việc làm.

Theo ông Khuê, mạng lưới chăm sóc y tế về phục hồi chức năng dành cho NKT ở Việt Nam đã khá đầy đủ với một bệnh viện phục hồi chức năng thuộc Bộ Y tế, một trung tâm phục hồi chức năng trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, 39/63 tỉnh có bệnh viện phục hồi chức năng; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng.