Dân Việt

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt thời đại về an sinh xã hội, lao động

Thùy Anh 01/09/2019 06:47 GMT+7
Mới đây, Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) kỷ niệm hành trình thế kỷ đấu tranh vì công bằng xã hội. Nhiều chuyên gia lao động đã nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ILO đã gặp nhau ở lý tưởng chung thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng cho mọi người.

Tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức  Đam đã khẳng định: “Công ước cơ bản số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một tiêu chuẩn lao động quốc tế quan trọng sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới quan hệ lao động và hoàn thiện Bộ luật Lao động”.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam và ILO gặp nhau ở ý chí và hành động nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ dựa trên các nguyên tắc cơ bản của ILO.

Hành trình với nhiều điểm song trùng giữa Việt Nam và ILO bắt đầu tại Hội nghị Hòa bình Paris vào năm 1919. Tại đó, ILO được thành lập sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bản Yêu sách của người dân Việt Nam tới các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị.

Đó là bức thư nổi tiếng đòi quyền được “tự quyết”, cùng với nhiều quyền khác, trong đó có quyền “tự do hội họp”, “học tập” và “thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp”. Bản yêu sách này đặc biệt tương đồng với Lời nói đầu của Hiến chương ILO – đòi hỏi “công nhận nguyên tắc tự do hiệp hội, tổ chức giáo dục kỹ thuật và dạy nghề”.

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam và ILO gặp nhau ở ý chí và hành động nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ.

Kể từ khi Việt Nam tái gia nhập ILO năm 1992, ILO đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới và xây dựng một đất nước hiện đại, thịnh vượng, đảm bảo việc làm thỏa đáng cho mọi người.

Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định: “Trong kỷ nguyên phát triển mới này, các lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và sứ mệnh của ILO vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được hiện thực hóa trong nền kinh tế thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với các nguyên tắc định hướng về phát triển bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

img

Các lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và việc làm bền vững vẫn đang được Việt Nam thực hiện. 

Bà Deborah Greenfield - Phó Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động đối với Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc ILO khẳng định: “Việc tuân thủ Tuyên bố năm 1998 - không chỉ về mặt luật pháp mà còn trong thực tiễn, đã trở thành nền tảng của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Lợi ích của toàn cầu hóa và tiến lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ có thể đạt được khi việc làm thỏa đáng trở thành mục tiêu của Việt Nam”.

Các chuyên gia lao động của ILO cũng cho rằng, tương lai việc làm đang mang lại những triển vọng to lớn để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế và có cơ hội trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao hơn.

Quan điểm này đã được khẳng định trong tuyên bố ba bên, giữa Bộ LĐTBXH (đại diện cho Chính phủ), Tổng LĐLĐVN (đại diện cho người lao động), VCCI và Liên minh HTX (đại diện cho người sử dụng lao động) nhằm đánh dấu 100 năm hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ILO hướng tới công bằng xã hội.

Tư tưởng của Bác và ILO vẫn tiếp tục soi sáng trên con đường Việt Nam đổi mới và hội nhập thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, đầu tư vào con người với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong tương lai việc làm, đổi mới công tác giáo dục và dạy nghề, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, chú trọng việc nâng cao năng suất và phát triển doanh nghiệp bền vững, nâng cao năng lực của các chủ thể để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ”.

Tuyên bố 3 bên về tạo việc làm bền vững